Gia tăng nhu cầu về tài chính thân thiện với môi trường ở ASEAN
Trong bối cảnh các quy định về tính bền vững được phát triển và việc công bố thông tin được tăng cường, tài chính thân thiện với môi trường sẽ sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ khi các chính phủ trên khắp khu vực Đông Nam Á ngày càng tìm kiếm những giải pháp tài chính tổng hợp để mở rộng quy mô của các khoản đầu tư, theo ông Sunil Kaushal, đồng Giám đốc Bộ phận Ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư (CIB) của Ngân hàng Standard Chartered.
Đổi lại, các quy định và chính sách thay đổi, được thúc đẩy bởi dữ liệu, khoa học, những rủi ro mới nổi và cơ hội mới đang tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động tài chính tập trung vào tính bền vững ở cấp quốc gia và khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn qua email với Tạp chí The Business Times, ông Sunil Kaushal nhận định: “Điều này sẽ tiếp tục cho biết cách chúng tôi sử dụng vốn để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của thị trường, chuyển vốn đến nơi có thể có tác động lớn nhất”. Trong đó, một số sáng kiến bao gồm Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam và Indonesia.
Những cơ hội to lớn
Với những cơ hội to lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp thành lập hoặc mở rộng sự hiện diện trong khu vực, đồng Giám đốc CIB của Ngân hàng Standard Charteredcho biết, những cơ hội này chủ yếu xoay quanh 3 chủ đề tăng trưởng chính, đó là thương mại và đầu tư, số hóa và tính bền vững.
Nền tảng của các chủ đề này là tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong khu vực, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường đầu tư và thương mại sôi động, mức độ thâm nhập kỹ thuật số và thương mại điện tử ngày càng tăng.
Việc tập trung vào các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các mục tiêu khử carbon và đạt được quá trình chuyển đổi toàn diện theo từng ngành, khi vốn được chuyển hướng sang các việc làm ít phát thải carbon và tăng trưởng bền vững. Qua đó, ông Sunil Kaushal chỉ ra, điều này đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, khiến dòng tài chính tăng lên trở nên cần thiết.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nơi tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới, với nhu cầu năng lượng tăng khoảng 3% mỗi năm trong hai thập kỷ qua, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục cho đến năm 2030.
Cũng theo ông Sunil Kaushal, tài chính chuyển đổi là chìa khóa để tăng dòng tài chính hướng tới các ngành công nghiệp khó giảm phát thải, chẳng hạn như thép hoặc điện.
Standard Chartered định nghĩa tài chính chuyển đổi là bất kỳ dịch vụ tài chính nào được cung cấp cho khách hàng nhằm hỗ trợ họ điều chỉnh kinh doanh hoặc hoạt động theo quỹ đạo 1,5 độ.
Trước nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp tài chính đổi mới sáng tạo, ngân hàng này đã triển khai 4 trung tâm đổi mới sáng tạo theo chủ đề bao gồm: tài chính thích ứng, tài chính hỗn hợp, thị trường carbon và các giải pháp tích cực với thiên nhiên.
Những giải pháp này dựa trên các chủ đề bền vững mới nổi, “tuy vẫn còn non trẻ nhưng đã chín muồi về quy mô”, ông Sunil Kaushal nói thêm.
Ưu điểm của chuỗi cung ứng linh hoạt
Trong bối cảnh ASEAN là một khối thương mại đang phát triển nhanh chóng, ông Sunil Kaushal nhấn mạnh nhu cầu về khả năng phục hồi nhanh của chuỗi cung ứng đã mang lại lợi ích rõ ràng cho khu vực, khi các doanh nghiệp ngày càng áp dụng các chiến lược đa dạng hóa rủi ro.
Liên quan đến vấn đề này, các thị trường ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ vai trò là trung tâm sản xuất thay thế, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trước đó vào năm 2021, Standard Chartered đã thành lập một trung tâm ASEAN tại Singapore nhằm hợp nhất các công ty con của ngân hàng này tại Malaysia, Việt Nam và Thái Lan, cho phép ngân hàng triển khai vốn và thanh khoản linh hoạt hơn trong khu vực.
“ASEAN đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu…”, ông Sunil Kaushal nhận định.