Gia tăng số trẻ mắc viêm não, màng não trong mùa hè

Thời tiết nóng, ẩm tạo của mùa hè là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển, có thể gây bùng phát dịch bệnh cấp tính ở trẻ em như sốt vi rút, tay chân miệng, viêm đường hô hấp hay viêm não, màng não.

Bác sĩ thăm khám, theo dõi sức khỏe cho trẻ mắc viêm não, màng não

Bác sĩ thăm khám, theo dõi sức khỏe cho trẻ mắc viêm não, màng não

Theo thống kê từ Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024, Khoa tiếp nhận và điều trị cho 6 trường hợp mắc viêm não, màng não. Tuy nhiên, chỉ trong 7 ngày đầu tháng 6 năm 2024, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp mắc viêm não, màng não.

Trường hợp điển hình là bệnh nhi B.A.H (6 tuổi, trú tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông). Sau 5 ngày theo dõi tại nhà, trẻ được gia đình đưa tới Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ để thăm khám và điều trị. Trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn, đau đầu... Ngay sau khi tiếp nhận, trẻ được khám và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như: Huyết học, sinh hóa, test cúm, sốt xuất huyết, X-quang ngực, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính sọ não, chọc và xét nghiệm dịch não tủy (DNT). Kết quả cho thấy, glucose DNT 3,78mmol/l (2,2 – 3,9mmol/l); protein DNT 0,43g/l (< 0,45g/l); chọc và xét nghiệm DNT phát hiện 450 tế bào, thể hiện trẻ mắc viêm não nhiễm khuẩn.

Trẻ được điều trị theo phác đồ viêm não, màng não. Sau 2 ngày điều trị, trẻ cắt sốt, các biểu hiện, nôn, đau đầu đã giảm dần. Sau 5 ngày điều trị tích cực, các chỉ số glucose, protein giảm về mức bình thường; chọc và xét nghiệm DNT cho thấy có 120 tế bào. Hiện, trẻ tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện.

Bệnh viêm não, màng não thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi do 1 số vi khuẩn, vi rút như phế cầu, Hib, não mô cầu, viêm não nhật bản, thủy đậu,...Bệnh thường lấy qua đường hô hấp, những giọt bắn chứa vi khuẩn hoặc vi rút xâm nhập vào cơ thể, sau đó đi theo đường máu gây viêm não, màng não.

Theo BSCKI. Phùng Thị Phương Ngọc – Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, dấu hiệu nhận biết trẻ mắc viêm não, màng não là sốt cao (có thể tới 390C), trẻ quấy khóc, bú kém hoặc bỏ bú, đau đầu, gáy cứng, nôn ói, ngủ giật mình, co giật toàn thân,...Các di chứng có thể gặp sau khi trẻ bị viêm não, màng não như giảm thính lực, liệt chi, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, động kinh... Đối với những trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ trẻ có thể gặp phải như nhiễm khuẩn nặng, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim cấp, đặc biệt là có thể gây tử vong.

Viêm não, màng não là một căn bệnh nguy hiểm, thường diễn biến nặng, để lại di chứng lâu dài hoặc có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Để phòng tránh viêm não, màng não cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý, đối với các nguyên nhân gây bệnh đã có vắc xin phòng như viêm não mô cầu, phế cầu, Hib, viêm não Nhật Bản, thủy đậu,...cần cho trẻ tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Đối với những nguyên nhân gây bệnh chưa có vắc xin phòng sẽ áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung như tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi để phòng bệnh. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Khánh Ngọc (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/gia-tang-so-tre-mac-viem-nao-mang-nao-trong-mua-he-214710.htm