Gia tăng sức ép với pin mặt trời
Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ sắp tổ chức điều trần vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với pin mặt trời xuất xứ/nhập khẩu từ Việt Nam.
Mặt hàng bị điều tra là tế bào quang điện được lắp ráp thành mô-đun hoặc tấm, gọi chung là pin năng lượng mặt trời, phân loại theo mã HS 8541.43.00.00.00.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan chủ động đăng ký tham gia, nghiên cứu hướng dẫn và chuẩn bị thông tin tài liệu theo yêu cầu Tổng cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (DGI).
Trước đó, tháng 11/2023, DGI bắt đầu khởi xướng điều tra pin mặt trời xuất xứ/nhập khẩu từ Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam với cáo buộc các sản phẩm này lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng đối với Trung Quốc ở mức 20 - 25USD/m2.
DGI cũng yêu cầu các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan nộp tiền ký quỹ bằng một khoản tương ứng với mức thuế chống bán phá giá cao nhất hiện áp dụng đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc, ở mức 25USD/m2. Số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả trong trường hợp vụ việc điều tra chấm dứt.
Theo số liệu điều tra của DGI, kim ngạch nhập khẩu pin năng lượng mặt trời xuất xứ từ Việt Nam của quốc gia này đã tăng từ 8 triệu USD năm 2020 lên 9 triệu USD năm 2021, cán mốc 105 triệu USD năm 2022 và ước tính 57 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2023.
Bốn doanh nghiệp liên quan bị điều tra trong sự việc này gồm Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, Công ty TNHH phát triển năng lượng mặt trời Trina, Công ty TNHH Công nghệ Vina Solar và Công ty CP Năng lượng Irex.
Trong số này, DGI nhìn nhận Công ty CP Năng lượng Irex không xuất khẩu hàng hóa bị điều tra sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết quả xác minh cho thấy, Công ty TNHH Công nghệ Vina Solar bán các tấm pin mặt trời cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Longi Hong Kong Trading Limited, một công ty con của doanh nghiệp này.
Công ty TNHH JA Solar Việt Nam được coi là sản xuất tấm pin mặt trời bằng cách cung cấp pin được sản xuất bởi các công ty con của chính mình đặt tại Việt Nam và không vô hiệu hóa các biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực.
Tương tự, có mối liên hệ kinh doanh với Trina Solar Energy Development Pte. Ltd. (TED) và Trina Solar (Schweiz) AG/Trina Solar (Switzerland) Ltd. (TSW), Công ty Trina Solar Việt Nam sản xuất và bán tấm pin mặt trời TED và TED bán cho TSW. Các tấm pin mặt trời bị điều tra được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua TSW.
Còn theo dữ liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC, Việt Nam nhập khẩu 21 nghìn tấn sản phẩm trong năm 2022 và 26 nghìn tấn sản phẩm này trong chín tháng đầu năm 2023 từ Trung Quốc với đơn giá lần lượt là 5,7USD/kg và 4,3USD/kg.
DGI nhìn nhận, nhập khẩu tấm pin mặt trời của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng trong giai đoạn điều tra và có một lượng mua pin đáng kể.
Đáng chú ý, có sự không nhất quán trong dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ giữa cơ sở dữ liệu ngoại thương TurkStat và Trademap. Cơ sở của cuộc điều tra là sử dụng số liệu TurkStat, tức Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ.
Như TheLEADER thông tin, doanh nghiệp Trung Quốc giữ thế áp đảo trong hoạt động sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc như HT Solar, Trina Solar, JA Solar, Vinasolar hay Canadian Solar hiệm nắm giữ phần lớn thị phần thị trường sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam.
Ngoài cung cấp cho các dự án tại Việt Nam, các công ty pin năng lượng mặt trời Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam như một cứ điểm trung gian nhằm tránh thuế quan.
Theo đó, doanh nghiệp Trung Quốc bán linh kiện để công ty Việt Nam hoàn thiện, lắp ráp và thay đổi đáng kể hàng hóa nhằm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Khoảng ba tháng trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam với 60 công ty liên quan.
DOC cho biết, thời kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đề xuất là năm 2023, điều tra thiệt hại trong thời gian 2021-2023.
Nguyên đơn của vụ việc - Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất năng lượng mặt trời Hoa Kỳ, cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu pin mặt trời Việt Nam đã nhận được 31 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể/đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.
Một trong nhóm các chương trình được chỉ ra, là cho vay ưu đãi, bao thanh toán, bảo lãnh xuất khẩu với lãi suất, cho vay ưu đãi “tín dụng xanh” của bốn ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV), tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các chương trình hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/gia-tang-suc-ep-voi-pin-mat-troi-1721552185776.htm