Gia tăng tình trạng chậm trả nợ trái phiếu
Theo số liệu thống kê, trong những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nghịch với việc phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chậm là gia tăng tình trạng chậm trả nợ trái phiếu đến hạn.
Hiện tại, tổng trị giá TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% trị giá chậm trả. Ước tính có khoảng hơn 95.300 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, trong đó chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản với trị giá TPDN đáo hạn lên đến hơn 61.900 tỷ đồng, chiếm 65% tổng trị giá đáo hạn.
Theo ước tính của VIS Ratings, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới, trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó. Trong khi đó, áp lực đáo hạn TPDN giai đoạn 2024-2025 vẫn còn rất lớn. Trước tình hình này, có ý kiến lo ngại, khả năng vỡ nợ trái phiếu sẽ xảy ra, đặc biệt là trái phiếu bất động sản.
Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, DN bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ. Về cơ bản, 60% DN bất động sản đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), DN chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, DN sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện có một số DN tồn tại như những "zombie", không có khả năng trả nợ trái phiếu, và chuyên gia này cho rằng giải pháp khả thi nhất với các trường hợp này là cho phép phá sản. Song, với ý kiến này, một số chuyên gia cho rằng ở Việt Nam, DN bình thường phá sản đã khó, DN có nợ trái phiếu phá sản càng khó hơn. Bởi vậy, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là phải hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản.
Nguyên nhân của việc chậm thanh toán TPDN xuất phát từ một thị trường "lỗi" từ trước đó khi phát triển quá nóng trên một nền tảng thiếu vững chắc: DN "dâng" lãi suất để tìm mọi cách phát hành, nhà đầu tư không có chuyên môn, không có kinh nghiệm, mua trái phiếu phần lớn theo tư vấn của môi giới hay người thân, thậm chí còn bị tổ chức trung gian "làm phép", biến tiền tiết kiệm thành trái phiếu. Điều này cho thấy một lỗ hổng rất lớn ở chính những nhà đầu tư trên thị trường.
Ông Nguyễn Anh Minh, Phó trưởng ban Ban Quản lý đăng ký trái phiếu, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng, trong thị trường trái phiếu, vai trò của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp rất quan trọng. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư mang tiếng chuyên nghiệp, song việc xác định không chặt chẽ, chỉ cần bản xác nhận của công ty chứng khoán đã là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Mặt khác, khi DN phát hành riêng lẻ cho cá nhân, đa phần chỉ quan tâm chào bán được càng nhiều càng tốt, còn không quan tâm nhà đầu tư có đủ kiến thức, nhận định về DN hay không. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khi đơn vị phát hành không đảm bảo khả năng trả nợ, nhà đầu tư cá nhân bị thiệt hại.
Thừa nhận thực tế này, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết, UBCKNN đang nghiên cứu đối tượng phát hành trái phiếu riêng lẻ, hướng tới nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để tăng cường tính chuyên nghiệp, đánh giá rủi ro. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế, không có sản phẩm tài chính nào không có rủi ro, chỉ là ít hay nhiều mà thôi.
Đối với rủi ro với TPDN, không hẳn do nhà đầu tư yếu kém trong khâu đánh giá, thẩm định về dự án, về DN phát hành, mà nhiều khi còn do yếu tố khách quan. Đôi khi, một trái phiếu phát hành có phương án kinh doanh tốt, song nếu gặp rủi ro thị trường thì nhà phát hành cũng không thể thanh toán đúng hạn. Tuy vậy, nâng cao kiến thức tài chính cho nhà đầu tư, đồng thời giảm dần tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ là một hướng đi đúng.
Từ góc độ quản lý, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN khẳng định phải tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua nâng cao chất lượng tổ chức phát hành. Có giải pháp cơ bản để kiểm soát chất lượng của TPDN riêng lẻ thông qua đẩy mạnh áp dụng định mức tín nhiệm đối với tổ chức phát hành; xem xét nâng điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ để giảm thiểu việc nhiều DN mới thành lập chưa có hoạt động hoặc đã thành lập nhưng không có hoạt động có thể phát hành TPDN riêng lẻ với quy mô gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nhà đầu tư theo hướng thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài…
Còn theo Hiệp hội thị trường trái phiếu, mấu chốt nhất để phát triển thị trường trái phiếu phải là sự minh bạch. Có nhiều biện pháp, công cụ để duy trì tính minh bạch, đó là từ nội tại của DN, là kiểm toán, thanh tra/kiểm tra của cơ quan quản lý, hay chế độ báo cáo thông tin bắt buộc. Xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần giúp tính minh bạch trở nên cao hơn, thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn…
Fuji Nutri Food chậm thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu
Theo thông tin đăng tải trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), Công ty CP Fuji Nutri Food chậm thanh toán gốc và lãi lô trái phiếu có mã FNFCH2223001 với tổng số tiền là 1.131,5 tỷ đồng. Lý giải về việc chậm thanh toán lãi và gốc của lô trái phiếu, Fuji Nutri Food cho biết lý do là vì chưa thể sắp xếp đủ nguồn tiền thanh toán. Dù vậy, DN đưa ra ngày dự kiến thanh toán cả gốc lẫn lãi vào ngày 21/8/2024.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/gia-tang-tinh-trang-cham-tra-no-trai-phieu-i741067/