Gia tăng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng phổ biến và được các đối tượng trẻ tuổi, lười lao động xem như là... nghề dễ kiếm tiền.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh (BCĐ 138), trong tháng 8.2024, trên toàn tỉnh xảy ra 92/79 vụ tội phạm về trật tự xã hội, tăng 13 vụ so với tháng 7.2024, gồm: 15 vụ cố ý gây thương tích; 2 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 2 vụ giao cấu người dưới 16 tuổi; 2 vụ cưỡng đoạt tài sản; 21 vụ trộm cắp tài sản; 22 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trong đó có 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng); 2 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 1 vụ hủy hoại tài sản; 1 vụ gây rối trật tự công cộng; 18 vụ sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; 1 vụ vô ý làm chết người; 1 vụ đe dọa giết người; 3 vụ đánh bạc; 1 vụ tổ chức đánh bạc.
So với cùng kỳ năm 2023, một số loại tội phạm giảm như: giết người (giảm 7 vụ); cướp tài sản (giảm 2 vụ); cướp giật tài sản (giảm 1 vụ); hiếp dâm người dưới 16 tuổi (giảm 1 vụ); trộm cắp tài sản (giảm 3 vụ).
Một số loại tội phạm tăng: Cố ý gây thương tích (tăng 5 vụ); giao cấu với người từ đủ 13 đến 16 tuổi (tăng 2 vụ); cưỡng đoạt tài sản (tăng 1 vụ); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 18 vụ); sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (tăng 15 vụ).
Hiện nay, nhiều đối tượng là thanh niên không có nghề nghiệp, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng cờ bạc ở địa phương do không có tiền tiêu xài đã đi trộm cắp tài sản, kể cả trộm cắp vặt với thủ đoạn sử dụng xe gắn máy đi tìm nhà dân có sơ hở để đột nhập lấy tài sản, thời gian không kể ngày và đêm.
Trộm cắp xe mô tô không có thủ đoạn mới nhưng do người dân chủ quan, để xe không người trông coi, không khóa cổ xe, cắm sẵn chìa khóa nên các đối tượng dễ dàng lấy trộm.
Tình hình tội phạm trộm cắp tài sản rất phức tạp, xảy ra ở tất cả các địa bàn cấp huyện (Bến Cầu: 2 vụ; Trảng Bàng: 1 vụ; Gò Dầu: 6 vụ; Hòa Thành: 2 vụ; Dương Minh Châu: 1 vụ; thành phố Tây Ninh: 1 vụ; Tân Biên: 2 vụ; Tân Châu: 4 vụ; Châu Thành: 2 vụ).
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng phổ biến và được các đối tượng trẻ tuổi, lười lao động xem như là nghề dễ kiếm tiền. Tội phạm này có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia (đa phần các đối tượng sang Campuchia, Lào để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam, trong đó có người Tây Ninh) với nhiều kịch bản lừa đảo rất tinh vi, khó lường, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.
BCĐ 138 tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia mô hình “Vận động toàn dân tham gia tố giác tội phạm ở địa bàn dân cư”, phát hiện các đối tượng nghi vấn ở địa phương hoặc từ nơi khác đến để cung cấp thông tin cho lực lượng Công an; tiếp tục chia sẻ, lan tỏa rộng rãi thông tin tuyên truyền về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để người dân để phòng ngừa, nhằm kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.