Gia tăng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị các loại nông sản, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương và nông dân trong tỉnh đã tích cực đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.
Nỗ lực đưa các giống lúa chất lượng cao vào khảo nghiệm, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương, trong 2 vụ xuân và vụ mùa năm 2024, Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Trực đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), Tập đoàn Thái Bình Seed đưa vào trồng khảo nghiệm giống lúa TBR 87 tại xã Nam Cường. Mô hình trình diễn được thực hiện tại thôn Nguyễn với quy mô 1ha. Giống lúa TBR 87 là giống lúa thuần do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed sản xuất. Qua đánh giá kết quả thực tiễn cho thấy, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất thuận, ở vụ xuân rét hại, rét đậm tăng cường, mưa lớn đầu vụ mùa nhưng giống lúa ở mô hình trình diễn vẫn chịu rét, chịu hạn tốt, thân cây cứng nên khả năng chống đổ tốt. Chiều cao cây khoảng 110-115cm, đẻ nhánh khỏe, số nhánh hữu hiệu cao, bản lá đòng to, xanh bền, lá đòng ngang, không bị cuốn; có độ thuần cao, trỗ bông tập trung, kiểu bông to, dài, chiều dài bông khoảng 22cm; hình dáng hạt dài, thóc màu vàng sáng; tỷ lệ hạt lép thấp, số hạt chắc/bông cao nên năng suất ở vụ xuân ước đạt trên 70 tạ/ha, cao hơn hẳn so với giống Bắc thơm số 7. Chất lượng gạo thơm ngon, hạt gạo trong, dài, cơm mềm, vị đậm. Từ những kết quả thu được cho thấy, TBR 87 là giống lúa có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống sâu bệnh cao (giảm được 1 lần phun thuốc so với giống đối chứng), năng suất cao hơn so với giống đại trà từ 30-35kg/sào, có tiềm năng nhân ra diện rộng trong thời gian tới…
Nhằm khuyến khích nông dân thay đổi nhận thức và thúc đẩy chuyển đổi phương thức canh tác lúa truyền thống sang hệ thống canh tác lúa bền vững, tiết kiệm nước và giảm phát thải, tạo tín chỉ các-bon, đồng thời hướng đến mục tiêu đăng ký tín chỉ các-bon, hoàn trả lợi nhuận từ tín chỉ các-bon cho các bên liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam, vụ mùa năm 2024, Sở NN và PTNT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức kiểm tra thực địa, lựa chọn địa điểm triển khai dự án “Canh tác lúa tiết kiệm nước, tạo tín chỉ các-bon trong canh tác lúa bền vững tại tỉnh Nam Định”. Theo đó, dự án được đồng loạt triển khai tại các xã: Đồng Sơn, Nam Cường (Nam Trực); Vĩnh Hào, Minh Tân (Vụ Bản) và Yên Khang, Trung Nghĩa (Ý Yên). Dự án có quy mô là 1.100ha. Để bảo đảm dự án thành công, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai dự án với sự tham gia của các chuyên gia Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, lãnh đạo Sở NN và PTNT, Phòng NN và PTNT 3 huyện, đại diện lãnh đạo các công ty thủy nông, UBND các xã, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Các chuyên gia đã trực tiếp hướng dẫn 414 cán bộ kỹ thuật và các hộ nông dân tham gia thực hiện dự án biện pháp kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ; giám sát, kiểm tra và tư vấn thực hiện mô hình mới; thường xuyên theo dõi mực nước trên ruộng và đưa ra phương án tưới phù hợp; lấy mẫu khí phát thải, phân tích mẫu khí với tần suất mỗi tuần 1 lần từ giai đoạn sau khi gieo cấy khoảng 10 ngày đến khi kết thúc vụ lúa mùa. Kết quả cho thấy, việc thực hiện dự án đã làm giảm 60% lượng khí mê-tan (CH4), quy đổi tương đương trên 2,5 tấn các-bon (CO2) trên mỗi ha (tính trung bình cho 3 huyện trong vùng dự án). Theo Tiến sĩ Vũ Duy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam): “Việc giảm phát thải rất khả quan, mức phát thải thể hiện rất rõ, mặc dù trong điều kiện vụ mùa có mưa nhiều và chịu ảnh hưởng của bão, ngập úng. Trong điều kiện canh tác thuận lợi hơn thì kết quả giảm phát thải dự kiến sẽ còn cao hơn, đạt từ 3-4 tấn CO2/ha. Do đó, nếu áp dụng đồng bộ phương pháp canh tác mới trong cả 2 vụ mùa và vụ xuân sẽ giảm đáng kể lượng khí CH4, quy đổi khoảng 7-9 tấn CO2/ha/năm, tương đương với 7-9 tín chỉ các-bon/ha/năm”. Canh tác lúa theo phương pháp tưới “ướt, khô xen kẽ” làm tăng nồng độ ô-xy trong đất, ức chế vi khuẩn làm tăng khí CH4, giúp cây lúa sinh trưởng tốt hơn, đẻ nhánh nhiều, cứng cây, ít sâu bệnh, bộ rễ to, khỏe, ăn sâu, chống đổ tốt nên năng suất, chất lượng lúa thương phẩm cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống. Đồng thời giúp nông dân giảm tới 40% lượng nước, chi phí, công tưới; tạo tiền đề để người sản xuất xây dựng thương hiệu lúa, gạo giảm phát thải, thân thiện với môi trường, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị thu nhập; thúc đẩy hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất. Đặc biệt, sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát khí thải của quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với quốc tế và là cơ sở để xây dựng tín chỉ các-bon, gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân.
Đây chỉ là 2 trong nhiều tiến bộ kỹ thuật đang được ngành Nông nghiệp, các địa phương, nông dân trong tỉnh áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông, lâm, thủy sản. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững. Từ phương thức sản xuất truyền thống, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phương pháp canh tác mới vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hình thành được một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích khoảng 1.200ha. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và rau màu của Công ty TNHH Toản Xuân; mô hình sản xuất giống lúa, lúa thương phẩm của Công ty TNHH Cường Tân tại các huyện: Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường; mô hình sản xuất rau màu hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản của xã Yên Cường, Yên Dương (Ý Yên), Hợp tác xã Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy). Tại các địa phương đã có 206 cánh đồng lớn sản xuất tập trung với quy mô 9.507ha, trong đó có 2.175ha được doanh nghiệp nhận bao tiêu lúa thương phẩm. Toàn tỉnh có 325 máy cấy lúa bằng mạ khay, bảo đảm cơ giới hóa khâu gieo cấy đạt 25% diện tích; cơ giới hóa khâu làm đất sản xuất lúa đạt 100% diện tích; cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 96% diện tích; cơ giới hóa khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay đạt 5% diện tích…
Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số khó khăn như nguồn lực đầu tư, khả năng cạnh tranh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tiến hành riêng lẻ ở quy mô hộ gia đình còn mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông; thiếu những kỹ thuật viên, cộng tác viên, chuyên gia có trình độ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân trong thực hành, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, thủy sản còn có quy mô nhỏ và gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa lũ...
Mặc dù vẫn còn khó khăn song việc gia tăng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra những bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất nông nghiệp, là một trong những nguồn động lực quan trọng để thực hiện và hoàn thành tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.