Gia tăng vi phạm nồng độ cồn

Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn dịp Tết đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.

Xử lý hơn 29.000 “ma men” trong kỳ nghỉ Tết

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, toàn quốc xảy ra 541 vụ TNGT, làm chết 214 người và 504 người bị thương. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023, tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương. Tính riêng trong ngày 14/2 (mùng 5 Tết), toàn quốc xảy ra 75 vụ TNGT đường bộ, làm chết 27 người và 69 người bị thương. So với ngày 13/2/2024, giảm 20 vụ, giảm 7 người chết, 18 người bị thương. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê thương tích liên quan tới TNGT của ngành y tế cho thấy, tính từ 7 giờ ngày 7/2/2024 đến 7 giờ ngày 14/2/2024, có 23.244 ca khám, cấp cứu nghi liên quan đến TNGT, so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số lượng nghi TNGT đến khám, kiểm tra giảm 12,1%, nghi TNGT nhập viện theo dõi điều trị giảm 8,4%, số ca tử vong nghi do TNGT giảm 22,4%.

Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Phạm Công

Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Phạm Công

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất về tình hình giao thông trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua là hiệu quả từ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, CSGT và công an các địa phương đã phát hiện và xử lý 71.409 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 182,4 tỷ đồng, tạm giữ 1.864 ô tô, 34.082 xe mô tô và 140 phương tiện khác, tước 18.899 Giấy phép lái xe các loại.

Trong đó, phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 21.373 trường hợp so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023), 114 trường hợp dương tính ma túy, 16.756 trường hợp vi phạm tốc độ.

Về tình hình đi lại của người dân, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ùn tắc chủ yếu tập trung tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào các ngày cao điểm (tức ngày 29 - 30 Tết và ngày mồng 4 - 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại TP sinh sống làm việc.

Nguyên nhân do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Điển hình là trên các tuyến đường như cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ, đường Vành đai 3; Quốc lộ 1 qua Đồng Nai, qua Ninh Bình, Thanh Hóa...

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cơ bản được bảo đảm, số vụ TNGT có tăng, nhưng số người chết do TNGT đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Đáng chú ý, trong 7 ngày nghỉ đã không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn tiếp tục giảm sâu so với các năm trước. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại.

Điều tiết, phân luồng giao thông từ xa

Với dự báo có sự biến động về phương tiện rất lớn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, toàn hệ thống ngành giao thông TP Hà Nội đã có sự vào cuộc quyết liệt từ sớm nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Đơn vị phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông và Sở GTVT TP Hà Nội, công an quận, huyện, thị xã trong thực hiện phân luồng, hướng dẫn, chỉ huy, điều khiển giao thông tại các vị trí trọng điểm, phức tạp trên địa bàn”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Công

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Công

Cùng với đó, lực lượng chức năng của Hà Nội luôn phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và lực lượng CSGT, công an địa phương giáp ranh triển khai phân luồng, điều tiết phân luồng giao thông từ xa, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực TP Hà Nội và những địa phương có liên quan. Đồng thời chủ động lực lượng, phương tiện cẩu kéo, sẵn sàng tiếp cận các vị trí có nguy cơ xảy ra xung đột, ùn tắc giao thông, nhanh chóng xác định và giải quyết ngay nguyên nhân gây ùn tắc, góp phần bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cho biết: “Chúng tôi đã đánh giá thực tế nhu cầu đi lại và xây dựng kế hoạch cũng như bố trí nhân lực và phương tiện bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân. Mỗi ngày bến dự phòng hàng chục lượt xe chủ yếu di chuyển đến các tuyến Nghệ An và Hà Tĩnh”. Theo ông Trịnh Hoài Lam, những ngày cao điểm bến có khoảng 300 xe xuất bến. Hành khách năm nay có xu hướng đặt vé từ sớm và về rải rác trong nhiều ngày hoặc đến giờ là di chuyển tới bến xe nên không xảy ra tình trạng chờ đợi, ùn ứ tại bến.

Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, tình hình an ninh trật tự tại các bến xe trên địa bàn TP trong suốt dịp Tết và sau Tết được bảo đảm. Công tác giải tỏa hành khách từ Bến xe Mỹ Đình đi Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm được triển khai đồng bộ tạo thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường tại các bến xe trên địa bàn đáp ứng yêu cầu…

Tình trạng ùn tắc cục bộ vẫn diễn ra tại một số thời điểm nhất định, qua đó, cần có sự phân tích những tình huống cụ thể để có những giải pháp tức thời. Trong những kỳ nghỉ dài tới, cần tính toán tới các giải pháp như: xả trạm thu phí khi tắc cao tốc hay thậm chí, đóng tạm thời những lối lên, xuống khi đường Vành đai 3 ùn tắc nhiều giờ (lực lượng chức năng đã thực hiện việc này trong một số thời điểm ùn tắc cục bộ dịp nghỉ lễ năm 2023), phân luồng phương tiện di chuyển theo nhiều tuyến đường khác nhau…
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, tình hình giao thông của Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt, người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Ngày làm việc cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ cũng như ngày nghỉ Tết cuối cùng không còn tình trạng “tắc cứng” tại các tuyến đường vành đai và cửa ngõ Thủ đô.

“Người dân đã có sự chủ động hơn rất nhiều trong việc di chuyển về quê hay đi du lịch trong dịp nghỉ Tết khiến giao thông Hà Nội và các tỉnh lân cận hạ nhiệt ùn tắc hơn so với những năm trước. Nhiều người đã chủ động thời gian, lựa chọn tuyến đường di chuyển phù hợp, rải rác thành nhiều ngày khiến cho việc về quê dễ dàng hơn rất nhiều” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-tang-vi-pham-nong-do-con.html