Gia tăng vị thế cho công nghiệp
Theo các chuyên gia, con đường tự chủ trong sản xuất là hướng đi tất yếu nếu muốn gia tăng vị thế cho công nghiệp. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với những hạn chế như cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt, thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của DN trong nước chưa đủ mạnh. Nhiều công đoạn sản xuất mang giá trị gia tăng cao nằm ở nước ngoài khiến DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị phụ thuộc.
Trên thực tế, trước đây Việt Nam đã chú trọng thu hút vốn FDI để gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong nước, đồng thời khuyến khích việc chuyển giao công nghệ. Và đến hiện tại, có thể nói, mục tiêu này đến nay đã chưa đạt được. DN trong nước vẫn khó chen chân vào chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25% GDP và đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Từ đó, có khả năng tham gia sâu và có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, Chính phủ, bộ, ngành đang nỗ lực để tự chủ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các ngành sản xuất nhưng còn gặp nhiều rào cản. Sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề, lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại đang phát triển mạnh, tuy nhiên theo nhiều chủ DN họ vẫn đang gặp khó khăn. Muốn xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện thì DN lại bị động và tạo ra điểm nghẽn ở nhiều khâu. Trước hết phải kể đến là ở khâu thiết kế, chế tạo sản phẩm.
Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2023 vừa qua, vấn đề này cũng được nhận diện một cách nghiêm túc như là một hướng tháo gỡ để thúc đẩy sự phát triển của châu Á trong đó có Việt Nam. DN cũng đang nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm bằng cách đầu tư công nghệ và nhân lực. Tuy nhiên, nhằm phục vụ mục tiêu này trong cả trước mắt và dài hạn là khâu thiết kế sản phẩm dường như chưa có lối mở khi thiếu chuyên gia và đường hướng đào tạo nhân sự cho ngành sáng tạo này.
Các chuyên gia cũng cho rằng để phát triển Bình Dương cần nỗ lực đẩy mạnh sự liên kết nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sản xuất. Đó không chỉ là đào tạo sinh viên đáp ứng được nhu cầu của DN mà còn là đào tạo chính lực lượng sản xuất và cả chủ DN.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/gia-tang-vi-the-cho-cong-nghiep-a311515.html