Gia Thanh giữ nghề làm nón

Vùng quê Trung du Đất Tổ hiện còn lưu giữ nhiều làng nghề, trong đó nghề làm nón lá ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh có truyền thống gần 100 năm. Trải qua nhiều thế hệ, chiếc nón lá vẫn được người dân nơi đây gìn giữ như món quà quê hương gửi tới bạn bè khắp miền gần xa... Mỗi chiếc nón lá đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống vốn có của vùng quê này.

Nghề làm nón ở Gia Thanh được truyền từ đời này qua đời khác.

Nghề làm nón ở Gia Thanh được truyền từ đời này qua đời khác.

Cơn mưa rào cuối Hạ khiến cho lối đi vào nhà bà Nguyễn Thị Tịch ở khu 4 trở nên trơn trượt, khó đi hơn. Dường như đã quen với các đoàn khách đến thăm, tìm hiểu về nghề làm nón lá, vừa hướng dẫn đứa cháu trai mới lên 8 tuổi vê lá, bà Tịch vừa nhanh tay khâu chiếc nón hoàn chỉnh để kịp bán phiên chợ ngày mai.

Bà bảo: “Đây là nghề gia truyền từ đời các cụ để lại, nên tôi cũng muốn con cháu mình học để giữ lấy nghề cho mai sau. Nhà tôi từ già đến trẻ ai cũng biết làm nón. Các cháu nhỏ thì giúp bà vê lá, là lá, người thạo việc thì làm vanh, vào khuôn,... Cứ thế, nghề làm nón ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân xóm Rền, bám trụ qua thời gian”.

Để làm được một chiếc nón hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều công phu, tỷ mỷ. Người làm nón phải thực hiện gần chục công đoạn cầu kỳ, từ vê lá, là lá, nén lá cho phẳng rồi làm vành, may nón... Nón may xong được dỡ ra khỏi khuôn rồi cắt cước, nức nón, luồn nhôi, may chóp. Mỗi chiếc nón Gia Thanh được lợp 2 lớp lá, giữa 2 lớp được lót thêm một lượt mo tre hoặc mo diễn để tạo độ dày và cứng cáp, tránh mưa ướt.

Mặt trong của nón được người thợ khéo léo luồn những sợi chỉ màu để buộc quai. Trước khi chiếc nón đến tay người mua đều được quang một lớp dầu giúp nón vừa bền, đẹp, mà không thấm nước. Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành có khoảng cách đều tăm tắp.

Đưa chúng tôi đi tham quan một số hộ làm nón trong làng, bà Triệu Thị Nhường - Trưởng Làng nghề nón lá Gia Thanh chia sẻ: “Cuối năm 2005, người dân trong xã phấn khởi khi được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Nghề làm nón tập trung chủ yếu ở khu 3 và khu 4 với khoảng 40 hộ. Tuy thu nhập không thực sự cao, nhưng đây là nghề ổn định, góp phần tạo việc làm cho người dân. Từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể tranh thủ làm nón lúc nhàn rỗi. Một số nguyên liệu như: Tre, nứa, diễn, bẹ măng... được người dân tận dụng từ vườn nhà, nên giảm nhiều chi phí. Vì thế, đan nón là nghề có nhiều ưu điểm so với các nghề thủ công khác”.

Sản phẩm nón lá Gia Thanh tham gia trưng bày, triển lãm tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Sản phẩm nón lá Gia Thanh tham gia trưng bày, triển lãm tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất ra một sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời mang tính đặc trưng, Làng nghề nón lá Gia Thanh còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng. Cùng với những buổi chợ phiên, giờ đây người làm nón Gia Thanh thuận lợi hơn khi có nhiều người biết tới và tìm về đặt mua bởi chất lượng bền đẹp của nón.

Chính bởi nét độc đáo này mà những năm gần đây, nón lá Gia Thanh đã trở thành sản phẩm du lịch làng nghề hấp dẫn gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống. Làng nghề đã trở thành điểm đến được ưa chuộng, đặc biệt đối với du khách quốc tế. Nhờ đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, chiếc nón lá đã vươn xa khỏi lũy tre làng đi khắp mọi miền đất nước, được nhiều du khách chọn mua về làm quà tặng.

Cùng với trái hồng không hạt, chiếc nón lá đã trở thành sản phẩm OCOP có thương hiệu của xã miền núi thuần nông còn nhiều khó khăn này. Để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề làm nón, thời gian tới người dân làng nghề mong được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ về đầu ra sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập, từ đó tạo động lực cho thế hệ trẻ gắn bó, đưa làng nghề vươn xa hơn nữa.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/gia-thanh-giu-nghe-lam-non-216662.htm