Giá thực phẩm giảm, tiểu thương vẫn thấp thỏm lo âu vì vắng khách
Tại TP.HCM, nhiều chợ truyền thống đã được phép mở cửa trở lại. Do giao thông đi lại dễ dàng hơn nên giá bán các mặt hàng thực phẩm cũng dần ổn định. Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa cao trong những ngày gần đây khiến không ít tiểu thương chợ truyền thống thấp thỏm lo âu.
Dù là cuối tuần nhưng nhiều tiểu thương mở sạp bán hàng trở lại vẫn trong tình cảnh mỏi mòn chờ khách. Tại chợ Bến Thành (Quận 1, TP.HCM), đã quá giờ trưa, một số tiểu thương hàng thịt, cá và các mặt hàng tươi sống khác vẫn chịu khó nán lại để bán cho xong, vì lo lỗ vốn như những ngày trước. Bà Lương Chi, chủ một sạp cá tại chợ Bến Thành cho biết, trước đây nếu bán không hết vẫn có thể bán giá rẻ cho nhiều nhà hàng, quán ăn, nhưng nay, do bạn hàng vẫn chưa mở cửa nên bà chỉ nhập hàng với số lượng vừa phải.
"Bán cầm chừng, chủ yếu để giữ khách quen. Khi các tiểu thương trở lại đầy đủ hơn, tôi hy vọng sẽ bán được nhiều hơn. Vì có mặt hàng này, mặt hàng kia mới thu hút khách đi chợ, ví dụ, người ta đi mua đôi dép, ra thấy cá thì họ mua thêm”, bà Lương Chi nói.
Giá các loại rau, thịt cá, hàng tươi sống đã giảm so với tuần trước do nguồn cung về các chợ trung tâm thành phố dồi dào hơn. Nhiều sạp bán cơm, bún mang về tại chợ Bến Thành, giá giảm một nửa so với trước giãn cách, như một tô bún chả chỉ còn 35.000 đồng, chủ yếu vẫn phục vụ cho tiểu thương trong chợ.
Ở một chợ truyền thống khác cũng tại Quận 1 là chợ Tân Định vừa được mở cửa trở lại từ ngày 8/10, tất cả sạp hàng được phủ rèm nhựa hoặc giăng dây, giãn cách để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, số lượng tiểu thương quay trở lại bán rất ít, hàng hóa chủ yếu là gia vị và thực phẩm thiết yếu. Chị Kim Oanh, chủ một sạp hủ tiếu, bún mắm cho hay, mừng vì được bán hàng, nhưng cũng lo vì vắng khách. Để được mở lại sạp hàng, chị và các tiểu thương phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.
"Lúc ở nhà, lo không buôn bán thì mất khách, hàng hóa thư hỏng. Lúc ra bán lại lo thêm vì hàng hóa đầu vào tăng giá, bán thì không lên giá được. Tôi và các tiểu thương luôn tuân thủ các điều kiện 5K, vừa mới test âm tính ngày hôm qua”, chị Kim Oanh chia sẻ.
Tại chợ Bình Thới, Quận 11, để thực hiện phòng dịch, Ban quản lý chợ chỉ cho phép ra - vào theo một lối đi. Không chỉ với ngành hàng thiết yếu là thực phẩm, một số tiểu thương kinh doanh quần áo đáp ứng đủ các điều kiện an toàn cũng được buôn bán. Theo tiểu thương, sức mua trong thời gian đầu vẫn chưa cao, nhưng ai cũng kỳ vọng những ngày tới sẽ tốt hơn, khi các điều kiện kinh doanh tiếp tục được nới lỏng.
Các tiểu thương đang duy trì hình thức bán hàng online và trực tiếp cho rằng, nguyên nhân giá thực phẩm giảm mạnh gần đây là do lưu thông dễ dàng hơn khi TP.HCM nới lỏng nhiều hoạt động, trong đó có việc tháo các chốt kiểm soát, giúp hàng hóa vận chuyển về từ các chợ đầu mối khá dễ dàng. Giá xà lách hiện là 40.000 đồng/kg, cà rốt và bắp cải giao tận nhà chỉ còn 12.000 đồng/kg; đậu ve, cải ngọt, khổ qua… giảm một nửa so với tuần trước, từ 25.000 đồng/kg.
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 8/10, trên địa bàn thành phố có 34 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Trong 2 ngày 9/10 và 10/10, các chợ Nguyễn Tri Phương, Hòa Hưng (Quận 10), chợ Tân Bình (quận Tân Bình); chợ Xã Tây và chợ Phùng Hưng (Quận 5) tiếp tục mở cửa. Nhiều chợ có kế hoạch mở cửa từ ngày 15/10 sau khi được cơ quan chức năng khảo sát, cho thấy đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tình trạng tập trung các xe đẩy, bán hàng tự phát ngay cạnh khu vực các chợ truyền thống đang là mối lo, không chỉ là việc cạnh tranh với các tiểu thương đã được chọn lọc kỹ trước khi cấp phép buôn bán, mà quan trọng hơn là không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh./.