Giá thực phẩm tăng nhanh hơn thu nhập

Giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.

Theo Bloomberg, giá đậu phụ tại Indonesia tăng 30% so với hồi tháng 12/2020. Giá đường trắng Nga tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Brazil, giá đậu đen tăng 54% so với tháng 1/2020.

Các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề khi chi phí nguyên liệu thô tăng chóng mặt. Giá các mặt hàng như dầu mỏ, đồng đến ngũ cốc đều tăng nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại Bắc Mỹ và châu Âu cũng không "miễn nhiễm" bởi chi phí vận chuyển và đóng gói tăng.

"Mọi người sẽ phải làm quen với việc trả nhiều tiền hơn để mua thực phẩm. Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn", nhà phân tích Sylvain Charlebois thuộc Đại học Dalhousie ở Canada nhận định.

Với việc giá thực phẩm tăng vọt, nạn đói và suy dinh dưỡng toàn cầu - ngay cả tại các nước giàu - trở nên nghiêm trọng hơn. Tại Anh, tổ chức Trussell Trust phát trên 2.600 gói thực phẩm/ngày cho trẻ em trong 6 tháng đầu dịch Covid-19.

 Các tình nguyện viên phân phát thực phẩm tươi cho các tài xế xe tải ở Manston, Vương quốc Anh. Ảnh: Bloomberg.

Các tình nguyện viên phân phát thực phẩm tươi cho các tài xế xe tải ở Manston, Vương quốc Anh. Ảnh: Bloomberg.

Theo thống kê của tổ chức Feeding America, tổ chức cứu trợ chống đói lớn nhất nước Mỹ, cuộc khủng hoảng Covid-19 đẩy 13,2 triệu người dân nước này vào tình trạng mất an ninh lương thực, tăng 35% so với năm 2018.

NielsenIQ cho biết giá thực phẩm tại Mỹ tăng gần 3% trong năm ngoái, gần gấp đôi tỷ lệ lạm phát chung. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhóm người nghèo nhất nước Mỹ phải chi đến 36% thu nhập cho thực phẩm.

Trong khi đó, giá các loại thực phẩm như ngũ cốc, hạt hướng dương, đậu nành và đường tăng vọt, đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên mức cao nhất trong 6 năm qua. Các chuyên gia nhận định do tác động của dịch Covid-19, thời tiết xấu và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá thực phẩm sẽ khó giảm trong thời gian tới.

Giá thực phẩm tại Anh không tăng, nhưng nhà kinh tế Liliana Danila thuộc Liên minh Bán lẻ Anh dự báo tình hình sẽ sớm thay đổi và gây sốc cho người tiêu dùng. Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống Anh ước tính các biện pháp kiểm soát biên giới khiến chi phí nhập khẩu thực phẩm tăng thêm 3 tỷ bảng (4,1 tỷ USD) mỗi năm.

 Lạm phát giá thực phẩm đang đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát giá thực phẩm đang đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Ngành công nghiệp thực phẩm ở Bắc Mỹ cũng đối mặt nhiều thách thức vì chi phí tăng cao. Tình trạng thiếu hụt container và tài xế vận chuyển khiến chi phí vận chuyển thực phẩm tăng. Giá dầu tăng cũng đẩy chi phí đóng gói thực phẩm.

Với tình trạng giá thực phẩm tăng vọt, chính phủ Nga và Argentina áp dụng hàng loạt biện pháp kiềm chế giá đối với một số mặt hàng chủ lực và tăng thuế đánh lên hàng xuất khẩu.

Ở một số quốc gia giàu có, chính phủ tập trung cải thiện nguồn cung thực phẩm. Pháp đẩy mạnh sản lượng cây trồng giàu protein để hạn chế sự phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu. Singapore chấp nhận thịt nhân tạo.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-thuc-pham-tang-nhanh-hon-thu-nhap-post1188471.html