Giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng 0,7% do Tết Nguyên đán

Giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng lên lần đầu tiên sau 6 tháng do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán, mang tới tín hiệu tích cực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với tâm lý tiêu dùng suy yếu.

 Người bán thịt phục vụ khách hàng tại chợ bán buôn Xinfadi ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 2/2/2024. Ảnh: Reuters

Người bán thịt phục vụ khách hàng tại chợ bán buôn Xinfadi ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 2/2/2024. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua dự báo tăng 0,3% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters.

Giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức cao nhất trong 11 tháng do tăng giá một số mặt hàng thực phẩm quan trọng như thịt lợn và rau tươi, cũng như nhiều hoạt động du lịch trong bối cảnh cao điểm dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho biết.

Sự phục hồi trở lại vùng tích cực trái ngược với mức giảm 0,8% trong tháng 1, mức giảm mạnh nhất trong hơn 14 năm, do cơ sở thống kê cao hơn vào tháng 1 năm 2023 khi Tết Nguyên đán đến sớm hơn trong tháng đó và thúc đẩy chi tiêu.

Trong khi các chỉ số gần đây như số liệu thương mại tuần này tăng nhiều so với dự kiến, điều này cho thấy sự cải thiện ở một số bộ phận của nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng vẫn chưa có khả năng phục hồi toàn diện.

Ông Zhiwei Zhang, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Còn quá sớm để kết luận rằng tình trạng giảm phát ở Trung Quốc đã kết thúc. Nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu. Doanh số bán căn hộ mới vẫn chưa ổn định”.

Vào tháng 2 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,0% so với các tháng trước, vượt xa mức tăng 0,3% trong tháng 1 và dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 0,7% trong những tháng tới.

Tuy nhiên chỉ số sản xuất (PPI) trong tháng 2 đã giảm 2,7% so với cùng kì năm ngoái, vượt qua mức giảm 2,5 trong tháng trước. Tốc độ này nhanh hơn dự báo giảm 2,5% trong cuộc khảo sát của Reuters. Chi phí sản xuất đã giảm chậm hơn 1 đến 1,5 năm.

Nguy cơ giảm phát do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục yếu vẫn là một trong những lực cản chính đối với sự tăng trưởng chung của Trung Quốc.

Từ tháng 1 đến tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, với giá thực phẩm giảm 3,4% và giá hàng hóa phi thực phẩm giảm 0,9%.

Chủ tịch ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết có khả năng cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại dành làm dự trữ, sau khi đã cắt giảm 50 điểm cơ bản trong yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng trong tháng 1, mức giảm lớn nhất trong 2 năm.

Vào thứ 3, Thủ tướng Li Qiang đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng khoảng 5%, mặc dù các nhà kinh tế cho biết mục tiêu này sẽ khó đạt được hơn do quá trình phục hồi sau COVID mất đà. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ từ mức 5,2% xuống còn 4,6% so vớ năm ngoái.

Ông Li cũng đặt rõ mục tiêu tỷ lệ lạm phát năm 2024 là 3%, phù hợp với mục tiêu đặt ra từ năm 2015. Giá tiêu dùng tăng 0,2% trong năm ngoái không đạt được mục tiêu mà chính phủ đã đề ra.

Ngọc Quỳnh/Theo Reuters

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gia-tieu-dung-tai-trung-quoc-tang-07-do-tet-nguyen-dan-d46777.html