Giá tiêu hôm nay 25/3: Thế giới tiếp đà lao dốc, trong nước thấp nhất 72.000 đ/kg; thận trọng khi tích trữ, đầu cơ hồ tiêu
Baoquocte.vn. Giá tiêu thế giới hôm nay tiếp đà giảm mạnh so với một ngày trước đó, giao dịch ở 37.800 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.100 Rupee/tạ (cao nhất).
Cập nhật giá tiêu thế giới
Giá tiêu thế giới hôm nay tiếp đà giảm mạnh so với một ngày trước đó khi giảm tới 300 Rupee/tạ. Ghi nhận lúc 0h15 ngày 25/3 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 37.800 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.100 Rupee/tạ (cao nhất).
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR ngày 23/3 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 317.98 VND/INR.
Từ đầu tháng 3 đến nay, giá tiêu tại các nước sản xuất lên xuống thất thường, chủ yếu là những phiên tăng giá. Nguyên nhân được cho là do Trung Quốc mua nhiều, người dân giữ hàng nên nguồn cung hạn chế.
Đơn cử như tại Malaysia, giá tiêu đen xuất khẩu ngày 18/3 tăng 2,6% so với trước đó gần 1 tháng, lên mức 3.950 USD/tấn; Giá tiêu trắng xuất khẩu tăng vọt lên mức 5.300 USD/tấn.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, giá tiêu đen xuất khẩu tăng 4,7%, lên mức 5.073 USD/tấn. Tại Indonesia, giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu giữa tháng 3/2021 cũng tăng đáng kể so với tháng 2/2021, đạt 3.015 USD/ tấn và 5.489 USD/tấn.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ tại các địa phương, giao dịch ở mức từ 72.000 - 75.000 đồng/kg,.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 72.000đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (72.500đ/kg); Bình Phước (74.000đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.000 đ/kg.
Hiện nay, giá tiêu trắng tăng mạnh 32% so với cuối tháng 2/2021, lên mức 103.000 đồng/kg, nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì tăng 74,6%. Giá tiêu đen tuy đã giảm so với đỉnh điểm (79.500đ/kg) nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thị trường hồ tiêu đầu năm 2021 có sự biến động bất thường về giá ngay trong thời gian thu hoạch niên vụ 2021. Tuy nhiên, giá hồ tiêu tăng cao trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng.
Ông Lê Đức Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến giá tiêu tăng trong thời gian qua là do sản lượng hồ tiêu của năm nay giảm hơn so với các năm trước, trên thị trường có hiện tượng đầu cơ dẫn đến giá vùng nguyên liệu cao hơn giá xuất khẩu.
Việc tích trữ lượng lớn hồ tiêu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường giá tiêu chưa ổn định. Nông dân và nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trong việc tích trữ hồ tiêu.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, trong thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu để chế biến thực phẩm và làm nguyên liệu tạo sản phẩm của các ngành công nghiệp khác có tăng khi dịch Covid-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát, kết hợp với nguồn cung ứng của các nước sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đây cũng là động lực để giá hồ tiêu tăng trong thời gian tới nhưng cũng không thể tăng bất thường và “nóng” như giá hồ tiêu nguyên liệu ở Việt Nam tại thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, hiện mùa vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2021 chỉ mới đạt bình quân cả nước trên dưới 40%. Khả năng đến cuối tháng 4/2021, mùa vụ mới cơ bản thu hoạch xong. Do đó, việc đầu cơ, thu gom, trữ hồ tiêu trong thời điểm hiện tại luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giá xuống.
Vì vậy, các nhà đầu tư cần tính toán thị trường một cách hợp lý. Đặc biệt, đối với người nông dân, cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, hiệu quả, không vì giá tăng cao mà thu hoạch hái xanh, vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống.