Giá tiêu hôm nay 28/6: Trong nước tăng thêm tới 15.000 đồng/kg, giá xuất khẩu biến động mạnh

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đã bật tăng mạnh trở lại, lấy lại mốc 160.000 đồng/kg như trước khi diễn ra đợt lao dốc hồi đầu tuần này. Đáng chú ý, giá tiêu của Việt Nam trên thị trường quốc tế tiếp tục biến động mạnh.

Giá tiêu hôm nay ngày 28/6/2024 tại thị trường trong nước

Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 28/6/2024 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 28/6/2024 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng điểm trên các nước đã bật tăng mạnh từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, đẩy mặt bằng giá tiêu trung bình trên cả nước về quanh mốc 159.000 đồng/kg, ngang với mức trước khi xảy ra đợt điều chỉnh mạnh đầu tuần này.

Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk tăng thêm 14.000 đồng/kg, đạt 160.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai tăng thêm 12.000 đồng/kg, đạt 157.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông tăng thêm tới 15.000 đồng/kg, đạt 160.000 đồng/kg

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cùng tăng thêm 13.000 đồng/kg, đạt 158.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước tăng thêm 15.000 đồng/kg, đạt 158.000 đồng/kg.

Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hồ tiêu gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Giá tiêu trong nước phục hồi mạnh trở lại trong bối cảnh giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế bật tăng mạnh lên tới hơn 46% trong ngày hôm qua. Đầu tuần này, giá tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế đã giảm 3 ngày liên tục, có lúc mất tới 35%.

Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến dịp lễ Eid al-Adha (16/6 - 20/6) quan trọng của người Hồi giáo. Trước dịp lễ này, nhu cầu thu mua tiêu trên thị trường tăng mạnh do tiêu được sử dụng phổ biến trong các món ăn truyền thống phục vụ dịp lễ. Khi dịp lễ chấm dứt, nhu cầu sụt giảm đột ngột đã tạo áp lực lên giá tiêu thế giới.

Tuy nhiên, như Tạp chí Công Thương đã phân tích, trong bối cảnh vụ thu hoạch tiêu năm nay của Indonesia bị trì hoãn đến tận tháng 8 – tháng 9, muộn hơn thông thường, với diện tích bị mất mùa ở mức đáng kể. Đồng thời, vụ thu hoạch ở Brazil cũng diễn ra chậm hơn, dự kiến diễn ra trùng với vụ thu hoạch của Indonesia, và sản lượng ước tính giảm từ 10 - 20% so với năm ngoái.

Do đó, các khách hàng trên thế giới sẽ tập trung vào nguồn cung sẵn có với giá rẻ nhất hiện nay là Việt Nam trong giai đoạn tháng 6 - tháng 8. Điều này sẽ khiến giá tiêu Việt Nam khó có thể giảm sâu.

Dữ liệu cho thấy nhu cầu đối với tiêu Việt Nam tại các khách hàng truyền thống đang tăng mạnh trở lại.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được tổng cộng 114.424 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch thu về 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở lại vị trí dẫn đầu về thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 30.466 tấn, chiếm 26,6% thị phần và tăng 44,4% so cùng kỳ.

Còn theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của nước này đang tăng mạnh trở lại sau 2 năm sụt giảm liên tiếp do ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất tăng cao.

Tính đến hết tháng 4 năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 27.872 tấn hồ tiêu từ thế giới với trị giá 130,53 triệu USD, tăng 24,5% về lượng và tăng 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4, lượng hồ tiêu nhập khẩu là 8.007 tấn, tăng 39% so với tháng trước và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất vào Mỹ trong 4 tháng đầu năm, chiếm 76% thị phần với khối lượng đạt 21.259 tấn, trị giá hơn 97,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào Mỹ trong 4 tháng đầu năm đạt 4.576 USD/tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời cao hơn so với mức giá 4.017 USD/tấn của Brazil, nhưng thấp hơn so với 4.933 USD/tấn của Indonesia và 5.000 USD/tấn của Ấn Độ.

Hồ tiêu Việt Nam chiếm thị phần lớn tại Mỹ nhờ mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao nên được thị trường này ưa chuộng. Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xét về nhu cầu tiêu thụ, Mỹ hiện đang là quốc gia nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Trong 3 năm trở lại đây, nước Mỹ chi từ 320 - 440 triệu USD/năm để nhập khẩu mặt hàng gia vị này, tương đương 19 - 20% thương mại hồ tiêu toàn cầu

Giá tiêu hôm nay ngày 28/6/2024 tại thị trường thế giới

(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu các loại trong ngày 27/6 (theo giờ địa phương) phần lớn đều biến động.

Cụ thể, giá tiêu đen Lampung của Indonesia nhích tăng 0,08% đạt 7.094 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 0,09% đạt 9.033 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giảm 2,6%, còn 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA của Malaysia giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng được giữ nguyên tại mức 8.800 USD/tấn.

Đáng chú ý, giá tiêu các loại của Việt Nam lại được điều chỉnh giảm mạnh trở lại. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l giảm 24,5%, còn 5.700 USD/tấn; loại 550 gr/l cũng giảm 28,8%, còn 5.800 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu trắng cũng giảm 31,6%, còn 7.900 USD/tấn. Diễn biến này trái ngược với việc điều chỉnh tăng thêm tới hơn 46% trong ngày hôm qua đối với các loại tiêu của Việt Nam.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/gia-tieu-hom-nay-28-6--trong-nuoc-tang-them-toi-15-000-dong-kg--gia-xuat-khau-bien-dong-manh-122944.htm