Giá tiêu liệu có bùng nổ trước cơn 'bão lặng'?

Tháng 7/2024, giá tiêu giảm nhẹ so với tháng 6 nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường đang kỳ vọng giá sẽ bùng nổ trước cơn 'bão lặng'?

Giá tiêu tháng 7 giảm nhẹ so với tháng 6

Kết thúc tháng 7/2024, mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa dao động quanh ngưỡng 148.000 - 149.000 đồng/kg. Như vậy, giá tiêu ngày cuối cùng trong tháng đã không bật được khỏi ngưỡng kháng cự 150.000 đồng/kg.

Thị trường hồ tiêu đang kỳ vọng sẽ bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’?

Thị trường hồ tiêu đang kỳ vọng sẽ bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’?

Tính chung, trong cả tháng 7/2024, giá tiêu trung bình đạt 150.000 đồng/kg, giá tiêu giảm nhẹ so với tháng 6, nhưng tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng 2024 tăng 66,5% so với năm 2023.

Nguồn cung thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá tiêu tăng trong 3 tháng vừa qua. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay có vẻ vẫn chưa làm hài lòng người trồng tiêu cũng như giới đầu cơ. Thị trường vẫn mong ngóng một nhịp điều chỉnh giá sôi động như giá nhà đất chung cư thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bước sang đầu tháng 8/2024, giá tiêu trong nước không nhưng chưa thể bật tăng khỏi mức 150.000 đồng/kg mà còn có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ một đến hai giá và xuống quanh mức 147.000 – 148.000 đồng/kg. Thị trường dường như đang tiếp tục “ngủ quên” ở mức cao kỷ lục 8 năm qua.

Biểu đồ giá hồ tiêu nội địa và xuất khẩu năm 2021 - 2024 tính theo tháng (Nguồn: VPSA và Tổng cục Hải quan Việt Nam)

Biểu đồ giá hồ tiêu nội địa và xuất khẩu năm 2021 - 2024 tính theo tháng (Nguồn: VPSA và Tổng cục Hải quan Việt Nam)

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu vẫn tăng cao, đặc biệt là ở thị trường mới nổi và Trung Quốc. Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác gồm Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024.

Tại thị trường Trung Quốc, giới đầu cơ đang găm hàng, chờ đợi thông tin từ vụ thu hoạch mới ở Indonesia. Nếu Trung Quốc tăng cường mua hàng, giá tiêu thế giới sẽ tăng mạnh. Nhiều chuyên gia nhận định, đà giảm của giá tiêu sẽ kết thúc, giá tiêu sẽ tăng trở lại vào trong tháng 8 khi Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng. Giá tiêu trong nước đang ngủ đông chờ thời cơ bứt phá.

Lo ngại thiếu nguồn cung vẫn là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho giá tiêu

Tình hình mùa vụ, sản lượng hồ tiêu các nước sẽ tác động mạnh đến giá tiêu trong nước. Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Brazil đang tiếp tục thu hoạch hồ tiêu tại vùng Espírito Santo và tháng 11 tại vùng Para, ước tính, cả nước sẽ thu thêm khoảng trên dưới 60 nghìn tấn nữa. Biến đổi khí hậu (La Nina) sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của hồ tiêu Brazil trong các tháng tới.

Theo phản ảnh của một số nông dân vùng Espirito Santos, sản lượng thu hoạch trong năm 2024 có thể thấp hơn 25-30% do nắng nóng khiến bông rụng đợt 1 gần hết và tỷ lê đậu trái trên dé của bông ra đợt 2 và đợt 3 khá thấp nên dự kiến có thể chỉ đạt khoảng 70% so với năm ngoái. Tính chung cả nước năm 2024 có thể giảm 20-25% so với năm 2023. Giá xuất khẩu hồ tiêu Brazil trung bình 6 tháng đầu năm đạt 3.810 USD/tấn, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá xuất khẩu tháng 6 tăng 31,1% so với tháng 1/2024.

Indonesia sẽ dự kiến thu hoạch vào tháng 8 (chậm hơn mọi năm là từ tháng 7) nhưng sản lượng cũng không khả quan. 6 tháng đầu năm 2024, giá FOB trung bình tiêu đen của Indonesia tăng liên tục kể từ tháng 2 với mức tăng 16% so với quý 2/2023 và tăng 30% so với quý 1/2023. Tương tự, giá FOB trung bình tiêu trắng Indonesia cũng tăng lần lượt 9% và 5% so với quý 1/2023 và quý 2/2023.

Vụ tiêu chính ở Sri Lanka sẽ kết thúc vào tháng 7. Dự báo sản lượng vụ tiêu 2024 của Sri Lanka không thấp hơn 25 nghìn tấn và có thể đạt tới 27 nghìn tấn nhờ vào điều kiện thời tiết thuận lợi. Thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Sri Lank chủ yếu là Ấn Độ bởi tiêu Sri Lanka có hàm lượng Piperin cao phù hợp để sản xuất dầu và nhựa dầu tiêu.

Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu được gần 143 nghìn tấn hồ tiêu các loại. So với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170 nghìn tấn thì sản lượng còn lại ước đạt khoảng gần 28 nghìn tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40 - 45 nghìn tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch).

Như vậy, vẫn còn 7 - 8 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mới (dự kiến sau Tết nguyên đán từ tháng 2/2025), trong khi lượng hàng còn trong dân và đại lý, doanh nghiệp không còn nhiều.

Trong bức tranh chung của ngành hồ tiêu thế giới vẫn cho thấy, thị trường đang đối diện với bài toán thiếu nguồn cung. Việc này sẽ đẩy giá hồ tiêu trong nước và thế giới tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu và thời điểm tăng gia sao vẫn đang là câu hỏi?

Giá tiêu nội địa và xuất khẩu năm 2022 - 2024 theo tháng (Nguồn: VPSA & Tổng cục Hải quan Việt Nam)

Giá tiêu nội địa và xuất khẩu năm 2022 - 2024 theo tháng (Nguồn: VPSA & Tổng cục Hải quan Việt Nam)

Trước động thái thị trường, hiện một số quốc gia đã xây dựng chương trình hành động. Trong khi đó, Brazil đã có 3 nhà máy hồ tiêu tiệt trùng và đang xây thêm 2 nhà máy nữa và sẽ hoàn thành trong năm 2025, nhằm đẩy mạnh chế biến và nâng cao chất lượng. Trong tương lai hồ tiêu Brazil sẽ cạnh tranh tốt hơn với Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Trồng trọt và Hàng hóa Datuk Seri Johari Abdul Ghani cho biết chính phủ thông qua Ủy ban Hồ tiêu Malaysia (MPB), đang triển khai một số chương trình, dự án, ưu đãi và hỗ trợ năng động và tích hợp liên quan đến các hộ nông dân nhỏ và doanh nhân kinh doanh hồ tiêu để đảm bảo tính bền vững của ngành hồ tiêu và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn.

Theo Kế hoạch Malaysia lần thứ 12, chính phủ đã phân bổ 50 triệu RM để hỗ trợ người trồng tiêu thông qua Chương trình trồng tiêu mới và Chương trình trồng tiêu già, qua đó giảm bớt gánh nặng tài chính. Ngoài ra, ông cho biết chính phủ cũng đã phân bổ 3 triệu RM để thực hiện các dự án hạt tiêu chất lượng cao, trong khi 5 triệu RM khác được phân bổ để tăng cường sự tham gia của các doanh nhân hạ nguồn có sức cạnh tranh.

Nhu cầu cây gia vị trong đó có hồ tiêu được nhận định là tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cây tiêu Việt Nam đã đến độ lão hóa. Trong bối cảnh cây tiêu đang chịu cạnh tranh mạnh với các cây cây đối thủ khác như sầu riêng, cà phê, câu hỏi đặt ra lúc này là với mức giá như hiện nay đã đủ để kích thích người dân trồng thêm tiêu.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak – cho hay, lợi nhuận của cây hồ tiêu không bằng sầu riêng. Ngay cả với cà phê, lợi nhuận từ tiêu vẫn thấp hơn bởi việc canh tác cà phê dễ hơn, năng suất trên một đầu cây của cà phê cũng cao hơn nhiều so với tiêu. Trong khi cây tiêu khó trồng, khó chăm sóc, ngoài ra, người dân vừa trải qua cuộc khủng hoảng giá tiêu kéo dài nhiều năm, có lúc giá xuống hơn 30.000 đồng/kg nên họ không có đủ tự tin để trồng lại vào thời điểm này. Do đó, trong dài hạn giá tiêu khó lòng giảm hơn nữa.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) – cho hay, đợt khảo sát đánh giá hiện trạng 3 tỉnh Tây Nguyên vào đầu tháng 7 của Hiệp hội cho thấy việc duy trì và sản xuất hồ tiêu của người nông dân ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có ghi nhận nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6 - 2. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều. Lo ngại thiếu nguồn cung vẫn là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho giá tiêu trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-tieu-lieu-co-bung-no-truoc-con-bao-lang-336726.html