'Gia tộc dầu hào' sở hữu 15 tỷ USD tham vọng tồn tại 1.000 năm
Gia tộc Lee đã kinh doanh thành công suốt 131 năm qua và hiện sở hữu khối tài sản 15 tỷ USD. Mục tiêu của họ là tồn tại trong 1.000 năm nữa.
Theo Macau Magazine, năm 1888 ông Lee Kum Sheung - đầu bếp kiêm chủ một quán ăn nhỏ ở Châu Hải (Quảng Đông, Trung Quốc) - tình cờ phát minh ra dầu hào khi nấu quá tay một nồi hàu. Ngay lập tức, dầu hào kết hợp giữa vị mặn và ngọt đã thu hút rất nhiều thực khách địa phương.
Cũng năm đó, ông Lee Kum Sheung bỏ nghề đầu bếp để lao vào con đường kinh doanh. Ông thành lập doanh nghiệp có tên là Lee Kum Kee, chuyên sản xuất và buôn bán dầu hào, nước tương cùng nhiều loại gia vị khác mang đặc trưng của ẩm thực Quảng Đông.
Năm 1902, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại ngôi làng của ông Lee Kum Sheung. Nhà cửa bị thiêu rụi, ông quyết định chuyển cả gia đình đến Macau. Lee Kum Kee ăn nên làm ra ở Macau cho đến khi ông Lee Kum Sheung qua đời vào năm 1929 ở tuổi 61.
Con trai ông tiếp quản công việc kinh doanh của cha, và đưa Lee Kum Kee đến Hong Kong vào năm 1932. Sau nhiều thập niên, Lee Kum Kee vươn lên thành một tập đoàn thực phẩm hàng đầu châu Á, bán đặc sản dầu hào cùng hơn 200 loại nước tương và gia vị tại 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Kinh nghiệm từ 3 cuộc nội chiến
Hong Kong chính là địa bàn lý tưởng để Lee Kum Kee mở rộng kinh doanh và phát triển, dần dần xuất khẩu sản phẩm khắp thế giới. Trải qua 131 năm, Tập đoàn Lee Kum Kee vẫn thuộc quyền sở hữu của gia tộc họ Lee. Nhờ hoạt động kinh doanh thuận lợi của công ty trong một thời gian dài, gia tộc Lee giờ sở hữu khối tài sản lên đến 15 tỷ USD.
Theo Bloomberg, gia tộc Lee xứng đáng là tấm gương dành cho các gia đình giàu có tại châu Á đang đối mặt với vấn đề chuyển giao quyền lực cho thế hệ sau. Nhà Lee đã kinh doanh qua 5 thế hệ và vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Đầu thập niên 2000, gia tộc Lee áp dụng một hệ thống quản trị hoàn toàn mới.
Trước đó, ba cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Lee Kum Kee nổ ra. Chủ tịch Lee Man Tat - người đứng đầu gia tộc - lên nắm quyền gần 50 năm trước. Sau khi giải quyết tranh chấp với các bác, ông trao cổ phần cho em trai và mời ông này tham gia điều hành tập đoàn.
Nhưng những xung đột về quan điểm quản trị giữa hai anh em bùng lên vào thập niên 1980. Chủ tịch Lee Man Tat quyết định gạt bỏ em trai, nắm toàn quyền quản lý tập đoàn. Cũng thời điểm đó, các con ông bắt đầu vào công ty làm việc sau quãng thời gian học tại Mỹ về khoa học thực phẩm, hóa học, tiếp thị và tài chính.
Một cuộc khủng hoảng mới nổ ra vào cuối thập niên 1990 khi người con út Sammy Lee kiện cha và đe dọa rút khỏi tập đoàn để giành quyền kiểm soát một công ty đầu tư.
Rút kinh nghiệm từ những sóng gió đó, ông Lee Man Tat quyết định thành lập một hội đồng gia tộc vào năm 2002 để chuẩn bị cho các cuộc chuyển giao quyền lực sau này. Hội đồng này tạo ra một bộ luật gia tộc và một trung tâm huấn luyện gia tộc nhằm đào tạo cho thế hệ con cháu.
Luật quan trọng nhất của gia tộc là chỉ những người có cùng huyết thống mới được sở hữu cổ phần công ty. Tập đoàn không tuyển dụng con dâu hoặc con rể, những người thừa kế trẻ tuổi phải làm việc ở các công ty bên ngoài trước khi trở về làm việc cho Lee Kum Kee. Trong 16 năm qua, hội đồng gia tộc Lee đã họp tới 65 lần.
Thời gian gần đây, hội đồng gia tộc còn đưa ra những sáng kiến mới như biến công ty đầu tư của tập đoàn thành "cơ sở đào tạo" cho con cháu. Nhiều thành viên gia đình được cử tới Thung lũng Silicon (Mỹ) và Israel để học tập và nghiên cứu.
Mục tiêu 1.000 năm
"Những nỗ lực của gia tộc Lee đã giúp họ kiểm soát tập đoàn tới thế hệ thứ năm. Đây là một kỳ tích hiếm thấy đối với một công ty gia đình châu Á", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Jennifer Pendergas thuộc Trường Quản trị Kellogg School nhận định.
Người xưa có câu: "Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời". Nhà Lee đã vượt qua được giới hạn 3 đời, nhưng họ còn đặt tham vọng lớn hơn thế rất nhiều. Chủ tịch Lee Man Tat không hề che giấu tham vọng rằng gia tộc Lee sẽ tiếp tục nắm giữ Tập đoàn Lee Kum Kee thêm 1.000 năm nữa.
Hiện tại, mảng kinh doanh dầu hào, nước tương và gia vị do hai người con trai của Lee Man Tat là Charlie và Eddy quản lý. Bên cạnh đó, Lee Kum Kee còn làm ăn trong rất nhiều lĩnh vực khác, từ bất động sản, chăm sóc sức khỏe cho đến đầu tư mạo hiểm.
Năm 2017, Lee Kum Kee mua tòa tháp Walkie Talkie ở London (Anh) với giá tới 1,7 tỷ USD. Công ty cũng đang xây trụ sở mới tại Quảng Châu theo thiết kế của nữ kiến trúc sư danh tiếng Zaha Hadid, người Anh gốc Iran. Bà là nữ kiến trúc sư đầu tiên nhận giải thưởng kiến trúc Pritzker.
Hãng LKK Health Products - chuyên kinh doanh các sản phẩm sức khỏe, do Sammy Lee quản lý - đã vượt qua mảng dầu hào và nước tương để trở thành "viên ngọc quý" của tập đoàn. Đơn vị Infinitus của LKK Health Products đạt doanh thu tới 4,5 tỷ USD/năm.
Các mặt hàng bán chạy nhất của Infinitus là thuốc bổ, trà và sản phẩm chăm sóc da. Infinitus cũng là doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực này. Vài năm qua, Infinitus dính một số bê bối nhưng không gặp rắc rối pháp lý.
Theo giáo sư Joseph Fan thuộc Đại học Trung Quốc Hong Kong, thách thức lớn nhất của Lee Kum Kee trong thời gian tới sẽ là liệu thế hệ lãnh đạo mới có đủ sức duy trì sức mạnh của công ty hay không sau khi Chủ tịch Lee Man Tat nghỉ hưu.
Trên thực tế, một số thành viên thuộc thế hệ thứ năm của gia tộc Lee đã không còn quá quan tâm đến hoạt động kinh doanh của công ty. Dù vậy, thời gian qua họ đã chủ động tham gia vào các công ty đầu tư mạo hiểm, tính toán mở startup, lựa chọn kênh đầu tư...
"Gia tộc Lee không chỉ phải giải quyết vấn đề kế tục mà còn phải mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Họ phải đáp ứng nhu cầu của thị trường khi mọi thứ thay đổi", Bloomberg dẫn lời giáo sư Lee Chack Fan thuộc Đại học Hong Kong nhận định.