Giá trâu bò tăng nhẹ, người chăn nuôi vẫn chưa mặn mà

Tuy giá trâu, bò thu mua tại chợ đầu mối có tăng nhẹ, song người buôn bán cũng như người chăn nuôi vẫn gặp khó khi thị trường cạnh tranh với 'hàng' nhập ngoại, số lượng tiêu thụ nhỏ giọt.

Giá tăng nhẹ ở chợ đầu mối

Ghi nhận tại chợ Ú - chợ đầu mối trâu, bò lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), phiên giao dịch ngày mùng 6 tháng 5 âm lịch, giá bán buôn trâu, bò tăng khoảng 1 triệu đồng/con so với phiên chợ trước.

Chợ Ú mua bán trâu, bò ở xã Đại Sơn (Đô Lương) diễn ra 6 phiên/tháng. Ảnh: Hoài Thu

Chợ Ú mua bán trâu, bò ở xã Đại Sơn (Đô Lương) diễn ra 6 phiên/tháng. Ảnh: Hoài Thu

Anh Lê Văn Đường - một lái buôn trâu, bò lâu năm trú tại xã Đại Sơn cho biết, khoảng 2 phiên chợ Ú trở lại nay, đây là phiên thứ ba giá trâu, bò bán buôn tại chợ tăng nhẹ. Cụ thể, giá trâu 58 – 60 ngàn đồng/kg hơi, tương đương khoảng 22 – 30 triệu đồng/con tùy thể trạng từng con; giá bò 70 – 72 ngàn đồng/kg hơi, tương đương khoảng 18 – 25 triệu đồng/con. Mỗi phiên chợ anh Đường giao dịch mua, bán khoảng 100 - 200 con, chủ yếu là bò. “Tôi mua bán trâu, bò từ các tỉnh phía Nam về Nghệ An, chủ yếu là Phú Yên, nhập theo đơn hàng ra các tỉnh phía Bắc, cho các lò mổ, nhà hàng” - anh Đường cho biết.

Tại xã Đại Sơn, ngoài chợ Ú họp phiên vào các ngày 1, 6, 11,16, 21, 26 âm lịch hàng tháng, thì hàng ngày việc giao dịch, buôn bán còn được diễn ra tại các hộ chuyên buôn bán trâu bò, tập trung ở xóm 1, xóm 2.

Bà Nguyễn Thị Thân ở xóm 2, làm nghề “hậu cần” tại chợ Ú đã hàng chục năm. Những ngày chợ không họp, bà lại mở dịch vụ chăm sóc trâu, bò tại vườn nhà.

“Những lái buôn trâu, bò khi nhập hàng về thường lưu trú từ 1 buổi đến khoảng 1-2 ngày rồi mới chuyển hàng đi. Trong thời gian đó, những nhà không đủ chuồng trại để nuôi nhốt tạm, họ sẽ thuê dịch vụ chăm sóc, bao gồm chuồng nuôi nhốt và cho trâu, bò ăn. Có những trường hợp trâu bò bị ốm, thậm chí bị bệnh thì việc lưu lại chăm sóc sẽ lâu hơn” - bà Thân cho biết.

Tại một số xóm ở xã Đại Sơn diễn ra mua bán trâu, bò hàng ngày. Ảnh: Hoài Thu

Tại một số xóm ở xã Đại Sơn diễn ra mua bán trâu, bò hàng ngày. Ảnh: Hoài Thu

Người buôn trâu, bò ở xã Đại Sơn cho biết, trước dịch COVID-19, hầu hết các lái buôn thường xuyên thu mua trâu, bò ở các huyện miền Tây Nghệ An (chủ yếu Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) và bán sang Lào. Nhưng từ năm 2020 lại nay, nhiều lái buôn trâu, bò đã dần bỏ thị trường vùng cao. Nguyên nhân do cấm vận phòng dịch nên bị “ngắt” các mối hàng nhập sang Lào; một phần do giá trâu, bò giảm sâu, người buôn không có lãi, còn người nuôi thì không muốn bán. Thêm vào đó, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển cũng tăng cao.

Cũng theo chia sẻ của các thương lái, hiện nay thị trường buôn bán trâu, bò trong nước còn gặp khó khi phải cạnh tranh giá cả với trâu, bò nhập chủ yếu từ Thái Lan vào Việt Nam, giá cả rẻ hơn “hàng” nội địa.

Trâu bò được vận chuyển bằng ô tô từ Nghệ An ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Ảnh: Hoài Thu

Trâu bò được vận chuyển bằng ô tô từ Nghệ An ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Ảnh: Hoài Thu

Người chăn nuôi vùng cao không tăng đàn

Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Lầu Giống Chùa ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là chăn nuôi bò. Ông Chùa cho biết, năm 2019 trở về trước, gia đình ông duy trì thường xuyên đàn bò khoảng 30 con, với giá bán trung bình 25 triệu đồng/con, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhưng từ khi việc mua bán trâu, bò qua biên giới Việt - Lào bị cấm, giá trâu bò giảm sâu, có thời điểm giảm chỉ còn khoảng 15 - 16 triệu đồng/con nên ông cũng như các hộ chăn nuôi không tăng đàn; đồng thời, cũng không muốn bán trừ những khi có việc cần tiền.

Ông Hờ Bá Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn cũng khẳng định, vào năm trước, chăn nuôi đại gia súc là mũi nhọn phát triển kinh tế của người dân nơi đây. “Lúc đó, hầu như ngày nào cũng có xe ô tô tải lớn của thương lái từ miền xuôi lên, vào tận các hộ gia đình để mua bò. Cả xã Nậm Cắn có tổng đàn trâu, bò hơn 3000 con, hộ nào nuôi ít cũng 5- 10 con và đàn vật nuôi được tái đàn thường xuyên, người dân rất phấn khởi. Nhưng khoảng 3 năm nay, hầu như các hộ không tăng đàn, chăn nuôi cầm chừng vì giá xuống thấp, thương lái cũng giảm hẳn số lượng đến thu mua. Có khi cả tháng không thấy họ đến mua bò, nhất là từ tháng 5 đến nay” - ông Pó bộc bạch.

Thêm vào đó, ông Hờ Bá Pó cho biết, thời điểm cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2024, ở các địa phương của Lào có chung đường biên giới với Nậm Cắn, đang có dịch bệnh trên trâu bò, nên việc mua bán giữa hai bên lại càng bị hạn chế, cả tháng nay hầu như không diễn ra.

Người dân xã Nậm Cắn chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế. Ảnh: Hoài Thu

Người dân xã Nậm Cắn chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế. Ảnh: Hoài Thu

Cũng tương tự Nậm Cắn, tại xã Mường Lống, Phó Chủ tịch UBND xã Vừ Bá Xử cho biết, đã vài năm nay người dân Mường Lống không tăng đàn trâu bò, thậm chí giảm hoặc chuyển sang nuôi gà đen. Giá trâu bò từ đầu năm đến nay không tăng, kể cả bò chọi to béo cao nhất cũng chỉ bán được khoảng 35 triệu đồng/con, không như trước kia có những con bò chọi bán từ 60 đến 80 triệu đồng/con. Còn bò thường trước đây khoảng 25 - 30 triệu đồng/con, thì mấy năm nay vẫn chỉ được thương lái thu mua với giá 15 - 17 triệu đồng/con. Hơn nữa, tần suất thương lái đến Mường Lống thu mua bò cũng giảm hẳn.

“Trước đây, người buôn từ Đô Lương, Thanh Chương đến đây mua trâu, bò thường xuyên 2 - 3 ngày 1 chuyến. Nay thì có khi nửa tháng không thấy họ đến mua.” - ông Xử cho biết.

Chăn nuôi đại gia súc là ngành kinh tế mũi nhọn ở Kỳ Sơn cũng như các huyện miền Tây. Việc giá trâu bò không tăng, các hộ chăn nuôi cầm chừng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương này. Tính đến quý I/2024, toàn huyện Kỳ Sơn có tổng đàn trâu khoảng 11,7 nghìn con, bằng 90% so với cùng kỳ; đàn bò khoảng 45,2 nghìn con, bằng 95% so với cùng kỳ.

Người dân Kỳ Sơn duy trì ổn định đàn trâu bò, chờ giá cả tăng. Ảnh: Hoài Thu

Người dân Kỳ Sơn duy trì ổn định đàn trâu bò, chờ giá cả tăng. Ảnh: Hoài Thu

Hiện nay, thời tiết nắng nóng, để phòng tránh thiệt hại cho gia súc, gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang hướng dẫn các địa phương thực hiện phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định.

Trên địa bàn toàn tỉnh, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn trâu, bò của tỉnh Nghệ An hiện nay vẫn đứng đầu cả nước với hơn 800 nghìn con. Năm 2023, ngành chăn nuôi Nghệ An phát triển theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung. Hiện nay đã hình thành được một số vùng, cơ sở chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Người dân chống nắng nóng cho trâu, bò bằng cách nuôi nhốt, bổ sung thức ăn xanh. Ảnh: Hoài Thu

Người dân chống nắng nóng cho trâu, bò bằng cách nuôi nhốt, bổ sung thức ăn xanh. Ảnh: Hoài Thu

Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/gia-trau-bo-tang-nhe-nguoi-chan-nuoi-van-chua-man-ma-10274207.html