Giá trị bền vững của di sản là mang lại ấm no cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của địa phương
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình về những nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của di sản.* Phóng viên (P.V): * P.V: * PV: * P.V: * P.V:
Trước hết, xin đồng chí cho biết về vai trò và tầm quan trọng của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB?
VQG PN-KB là món quà vô giá mà tạo hóa thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình; là một mẫu điển hình của quá trình địa chất về thể loại Karst, là minh chứng của các chu kỳ kiến tạo khác nhau trong lich sử hình thành vỏ trái đất. Địa chất, địa mạo của PN-KB tạo nên hệ thống các hang động vô cùng kỳ vĩ, tráng lệ nổi tiếng thế giới.
Bên cạnh đó, VQG PN-KB còn là mẫu hình “Hệ sinh thái và đa dạng sinh học” với quần thể độc nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất là rừng nhiệt đới thường xanh với ưu thế loài Bách xanh núi đá dưới tán. PN-KB là ngôi nhà của gần 1.400 loài động vật và gần 3.000 loài thực vât. Trong đó có nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ IUCN, phụ lục CITES. Độ che phủ rừng ổn định trên 95%.
Về giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng, Đường 20-Quyết Thắng là di tích quốc gia đặc biệt, với nhiều địa danh lịch sử, như: Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, hang Tám Thanh niên xung phong và rất nhiều di tích gắn liền với con đường huyền thoại này. Đây là nơi ghi dấu những chiến tích oai hùng và bi tráng của hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trên địa bàn VQG còn có nhiều di tích khảo cổ; có các bản đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống trong vùng lõi của VQG với bản sắc văn hóa riêng.
Chính vì vậy, VQG PN-KB có vai trò hết sức quan trọng đối với cả nghiên cứu khoa học, bảo tồn địa chất địa mạo, bảo tồn da dạng sinh học và nghiên cứu lịch sử-văn hóa. Là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, khác biệt. Là động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Là Di sản thiên nhiên nổi tiếng không chỉ của Việt Nam mà còn vươn tầm thế giới, đồng chí có thể chia sẻ một số giá trị nổi bật riêng có của VQG PN-KB?
Giá trị nổi bật trước tiên của VQG PN-KB chính là về địa chất-địa mạo, về quy mô hệ thống hang động và sự đa dạng, đặc sắc, tráng lệ của những khối thạch nhũ không những vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị địa mạo, địa chất mà còn tiếp tục hình thành, kiến tạo, phát triển theo thời gian. Hệ thống động PN-KB có giá trị hàng đầu thế giới được hình thành từ kết quả kiến tạo lớp vỏ trái đất lâu dài, trong đó, động Phong Nha với “7 cái nhất thế giới”; động Tiên Sơn, động Thiên Đường được ví như thiên cung trong lòng đất. Ðặc biệt, việc phát hiện và khám phá ra Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới đã một lần nữa khẳng định giá trị của VQG PN-KB.
Giá trị nổi bật thứ hai về đa dạng sinh học đã góp phần làm cho VQG PN-KB trở thành Di sản thiên nhiên thế giới lần 2 (năm 2015). Hệ sinh thái đặc biệt quý hiếm của vườn có vị trí quan trọng cho khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ ở Viêt Nam mà cả thế giới. VQG PN-KB được xem là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới (theo WWF,Global Eco-region 200) được xếp vào phân hạng II của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (theo Category II,National Park).
Được ví là "trái tim" du lịch của Quảng Bình, thời gian qua, PN-KB đã có những đóng góp gì cho ngành Du lịch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung trong phát triển KT-XH?
Thông qua phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch đã thu hút lượng khách đến với di sản ngày càng tăng. Tổng lượng khách đến tham quan tại VQG PN-KB trong 20 năm qua đạt hơn 9 triệu lượt khách (trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế); doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.434 tỷ đồng. Riêng năm 2019 là năm kỷ lục, VQG PN-KB đã đón hơn 954 nghìn lượt khách/năm, tăng hơn 8,2 lần so với năm 2003. Đặc biệt, khách quốc tế có xu hướng tăng mạnh, bình quân khoảng 25-30%/năm. Sau dịch Covid-19, du lịch PN-KB đã phục hồi nhanh chóng và trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.
Du lịch ở VQG PN-KB không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân; tạo ra xu hướng dịch chuyển lao động từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch, dịch vụ…, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng đệm, làm giảm đáng kể áp lực lên tài nguyên VQG, tạo điều kiện thuận lợi để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn di sản.
Việc khai thác các giá trị của PN-KB hiện nay đã tương xứng với tiềm năng, thế mạnh riêng có của di sản đặc biệt này hay chưa và còn những hạn chế gì, thưa đồng chí?
Tiềm năng du lịch của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB đã được khẳng định và sẽ còn khai thác, phát huy, phát triển mạnh mẽ, lâu dài, bền vững, cho thấy triển vọng đưa du lịch VQG lên ngang tầm đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng to lớn thì du lịch VQG PN-KB cũng có không ít những thách thức, đó là: Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa được đầu tư xứng tầm; hệ thống dịch vụ, du lịch còn nhỏ lẻ, đơn điệu, chưa có các dịch vụ lớn để tạo điểm nhấn trong khu vực (như Bà Nà Hill, Nam Hội An…). Nguồn nhân lực phục vụ du lịch rất hạn chế; quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, môi trường đô thị khu vực trung tâm Phong Nha chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, có nhiều thời điểm cạnh tranh thiếu lành mạnh... Những vấn đó là hạn chế không nhỏ trên con đường đưa PN-KB trở thành một trung tâm du lịch mạnh của miền Trung và cả nước.
Rõ ràng, VQG PN-KB là một "mỏ vàng" mà thiên nhiên đã ưu ái cho mảnh đất Quảng Bình, đồng chí có thể cho biết những định hướng của tỉnh trong bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của di sản này trước mắt và lâu dài?
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của tỉnh đã xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng PN-KB trở thành trung tâm du lịch quan trọng, hàng đầu của khu vực. Với lợi thế được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 2003 và 2015), danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2009 và tiềm lực sẵn có của VQG PN-KB, trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục xác định:
Công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản là nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đồng thời, cần phải phát huy có hiệu quả và bền vững giá trị tài nguyên, giá trị di sản để quay trở lại phục vụ quản lý, bảo tồn di sản, phục vụ phát triển KT-XH. Coi đây là hai mặt có quan hệ biện chứng với nhau.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2128/QĐ-TTg, ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia PN-KB, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Quyết định số 377/QĐ-TTg, ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư, kêu gọi các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đầu tư các cơ sở dịch dụ du lịch chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025, PN-KB trở thành khu du lịch quốc gia, là trung tâm du lịch mạo hiểm khu vực Đông Nam Á, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, cứu hộ động thực vật hoang dã nhằm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng toàn cầu của di sản; tăng cường công tác hợp tác quốc tế, kết nối VQG PN-KB cùng với VQG Hin Nậm Nô của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trở thành Khu vực di sản liên biên giới có diện tích Karts liên tục lớn nhất trên thế giới.
Tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ và đồng thuận của nhà khoa học, các tổ chức quốc tế sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di sản lần thứ ba theo tiêu chí cảnh quan thiên nhiên, phấn đấu đưa VQG PN-KB là di sản đầu tiên đạt 4/4 tiêu chí về Di sản thiên nhiên thế giới.
Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông quảng bá, đặc biệt là truyền thông trên nền tảng số nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa vị thế và thương hiệu du lịch của Phong Nha nói riêng, Quảng Bình nói chung trên thị trường quốc tế, thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, học tập nghiên cứu, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn xã hội để Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB thực sự trở thành niềm tự hào của mọi người dân, là di sản của dân. Từ đó, cộng đồng người dân sẽ tích cực tham gia bảo vệ, bảo tồn di sản. Và chính di sản phải là nhân tố làm thay đổi đời sống người dân, mang lại ấm no hạnh phúc cho người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, Đó chính là giá trị bền vững của di sản.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!