Giá trị Cách mạng Tháng Mười với thời đại ngày nay

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là chiến thắng vĩ đại của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đánh dấu sự phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý tưởng trở thành hiện thực, đồng thời mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện được mục tiêu: giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, thực hiện được khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng toàn nhân loại.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã chứng thực rằng cách mạng vô sản thế giới đã chín muồi và đường lối cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác – Lênin là hoàn toàn chính xác, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho tiến bộ hòa bình, được Cách mạng Tháng Mười thức tỉnh, cổ vũ, đã trở thành những làn sóng to lớn trong thế kỷ XX ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia, dân tộc thuộc địa.

Được Cách mạng Tháng Mười Nga và các nước XHCN cổ vũ và giúp đỡ, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa dâng lên mạnh mẽ và ngày càng phát triển với quy mô chưa từng thấy.

Khắp châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh, phong trào giải phóng dân tộc nổi lên như vũ bão, làm tan rã từng mảng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở đường cho hàng trăm triệu người thoát khỏi xiềng xích nô lệ và tiến lên độc lập, tự do.

Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Đó là bước nhảy vọt trong lịch sử phát triển nhân loại, khai sinh ra chế độ XHCN đầu tiên trong lịch sử, mở ra giai đoạn hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội, một xu thế tất yếu của lịch sử, đe dọa sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp, trí tuệ và bản lĩnh lãnh đạo của Vladimir Ilyich Lênin. Ảnh: International Communist Press.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp, trí tuệ và bản lĩnh lãnh đạo của Vladimir Ilyich Lênin. Ảnh: International Communist Press.

Tầm vóc vạch dòng thời đại của Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng hiện thực cho xu hướng đi lên CNXH như một tất yếu khách quan, không thể bị đảo ngược. Sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ lý luận khoa học, từ ước mơ cao đẹp đã trở thành niềm tin, lẽ sống và hiện thực sinh động của loài người tiến bộ. Ðộc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành xu thế khách quan của phát triển, phù hợp với lôgíc lịch sử - tự nhiên mà các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu ra.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã chứng minh một cách sinh động nhất tính chất triệt để, sâu sắc và toàn diện của cách mạng XHCN so với bất kỳ cuộc cách mạng xã hội nào trước đó trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy, một thế kỷ qua, cho dù thời cuộc luôn biến động thăng trầm phức tạp, song lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, định hướng cuộc đấu tranh của các dân tộc vì những mục tiêu cao cả là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thành công của Cách mạng Tháng Mười đã khẳng định vai trò to lớn, quyết định của Đảng Cộng sản Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I. Lênin. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, giai cấp công nhân được đặt vào vị trí trung tâm của thời đại, “hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới, giai cấp công nhân Nga trở thành giai cấp cầm quyền, Đảng Bôn-sê-vích Nga trở thành đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước.

Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới đã ra đời, tạo điều kiện cho giai cấp vô sản thực hiện được mục tiêu: giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, nâng họ lên địa vị làm chủ xã hội mới, thực hiện được khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội khỏi áp bức, bất công.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, chính quyền Xôviết – chính quyền của công nông và những người lao động – ngay từ những ngày đầu thành lập đã tuyên bố những sắc lệnh nổi tiếng: Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất; đồng thời đã công bố hàng loạt chính sách ưu việt: ngày làm 8 giờ, giáo dục không mất tiền, bảo hiểm xã hội, tự do tín ngưỡng, nam nữ bình đẳng, tách nhà thờ khỏi nhà trường, xóa bỏ ngay các hiệp ước mà Nga hoàng đã ký kết với các nước…, đặt nền móng cho một chế độ phù hợp với lợi ích căn bản của con người, báo hiệu quá trình cải tạo thế giới theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã hiện thực hóa những quan điểm tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, là một bước tiến lớn trong sự phát triển tư tưởng của loài người. Trong một thời gian không dài, từ một nước tư bản trung bình, Liên Xô đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, là lực lượng chủ yếu cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hủy diệt, bảo vệ hòa bình thế giới nên đã thu hút, hấp dẫn hàng triệu người đi theo ánh sáng tư tưởng của cuộc cách mạng và tham gia đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp cho độc lập, tự do của dân tộc mình.

Cách mạng Tháng Mười Nga là nguồn cổ vũ to lớn đối với cách mạng Việt Nam, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý: bài học về xây dựng Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng; bài học về xây dựng khối liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo là lực lượng chính của cách mạng; bài học về xây dựng nhà nước kiểu mới, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, bảo đảm tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho nhân dân; bài học về chính sách đại đoàn kết dân tộc, trên nền tảng liên minh công nông, tôn trọng quyền tự quyết dân tộc; bài học về xây dựng lực lượng vũ trang công nông do Đảng lãnh đạo, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc và bảo vệ chính quyền cách mạng; bài học về phương pháp cách mạng bạo lực của quần chúng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, khởi nghĩa vũ trang phải có thời cơ cách mạng chín muồi…

Năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại phải theo chủ nghĩa Mã - khắc tư và Lênin”.

Chính nhờ đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, nhân dân ta đã đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của các đế quốc sừng sỏ trên thế giới, giành được độc lập hoàn toàn cho đất nước, nêu gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Sau năm 1975, Đảng lãnh đạo cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trải qua hơn 30 năm đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng.

Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ khi tiếng súng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga rền vang, nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp. Nhưng một sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là với việc thủ tiêu chế độ phản động câu kết giữa giai cấp tư sản và phong kiến Sa hoàng, khai sinh nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga – Cuộc cách mạng làm “rung chuyển thế giới” vẫn là một trong những sự kiện bước ngoặt trọng đại nhất của sự phát triển xã hội loài người, mở ra một con đường đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới mới công bằng và tiến bộ.

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch không từ bỏ mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích những bài học của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nhằm tìm ra phương pháp, cách thức để khắc phục sai lầm, phát huy những nhân tố tích cực, góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tế đang đặt ra, từng bước thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Do đó, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, cần phải: giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhất là vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; thực hiện “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

TS Tống Thị Nga (Học viện Chính trị CAND)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/gia-tri-cach-mang-thang-muoi-voi-thoi-dai-ngay-nay-568531/