Giá trị của Tác phẩm Nhật Tỉnh Ngâm (NLVNPF-0037, R.1914)

Tác phẩm Nhật Tỉnh Ngâm nhấn mạnh con người bản tính vốn thiện, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển

Mục lục bài viết

Tác phẩm Nhật Tỉnh Ngâm nhấn mạnh con người bản tính vốn thiện, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển

1. Tổng quan về tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

2. Giá trị của tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

2.1. Giá trị Nho học trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm
2.2 Giá trị Phật học trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm
2.3. Giá trị ca dao tục ngữ trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

3. Kết luận

Tác phẩm Nhật Tỉnh Ngâm nhấn mạnh con người bản tính vốn thiện, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển

Tác giả: Thích nữ Nhật Thiện
Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế

Từ xưa đến nay, trong bất kì thời đại nào, đạo đức luôn là một vấn đề được quan tâm nhất trong xã hội. Một xã hội đói nghèo có thể khắc phục được. Một xã hội không có đạo đức nhất định sẽ diệt vong. Việc hình thành, rèn luyện và bồi dưỡng đạo đức phù hợp với chuẩn mực và thời đại cho con người luôn được các nhà lãnh đạo đất nước quan tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.

Nhìn ở mặt biểu hiện xã hội, có thể thấy, đạo đức của con người đang xuống cấp đến mức đáng báo động. Ngày nay, con người chạy đua theo lối sống vật chất và tự do cá nhân, xem thường các giá trị đạo đức nền tảng, xem thường văn hóa và thiếu sự tôn trọng nhau. Một bộ phận không nhỏ, sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, thiếu tình thương yêu trước cuộc sống, không quan tâm đến trách nhiệm của mình đối với xã hội và đất nước.

Từng ngày, sự tha hóa nhân cách, xói mòn đạo đức, đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự xã hội và văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc.

Xã hội ngày nay luôn phê phán những giáo dục thời phong kiến là bảo thủ, cố chấp, gia trưởng, trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng, nhưng chúng ta thử nhìn lại xem, ngày xưa xã hội sống trong một trật tự nhất định, có lề lối, có gia giáo, con cái hiếu thảo với cha mẹ, vợ chồng hòa thuận với nhau, người nhỏ nghe lời người lớn… Và những lời giáo huấn như vậy được ghi chép nhiều trong các tác phẩm Nôm, như:

– Khuyên con cháu trong nhà nên giữ trọn đạo ngũ luân, những lẽ luân thường đạo lý: Ngũ luân ký, Giáo huấn ca, Ca văn thi phú, Nhật tỉnh ngâm…

– Khuyên con cháu phải luôn luôn trau dồi đạo đức, có nếp sống cần kiệm ngay thẳng, ăn ở hòa thuận với xóm giềng…: Giáo huấn diễn ca, Hiếu cáo…

– Loại sách nhắc nhở con cháu phải hiếu kính với cha mẹ có: Tây Nam 28 hiếu diễn ca, Huấn tục Quốc âm ca…

Thấy được những hiện trạng về đạo đức mà xã hội phải đối mặt, cùng với những giá trị mà các nguồn sách giáo huấn Nôm mang lại, thiết nghĩ nền giáo dục hiện nay cần có những biện pháp, phương pháp giảng dạy thông qua các tác phẩm văn học Nôm, một trong những tác phẩm Nôm khuyên con cháu giữ trọn ngũ luân, những lẽ luân thường đạo lý là Nhật tỉnh ngâm. Vậy, giá trị mà tác phẩm Nhật tỉnh ngâm mang lại là gì?

Từ khóa: Nhật tỉnh ngâm, giá trị, văn học Nôm, Phật học, Nho học, ca dao tục ngữ, đạo đức…

1. Tổng quan về tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

Nhật tỉnh ngâm (日省吟) là văn bản Nôm, hiện được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Việt Nam, là văn bản có kí hiệu NLVNPF-0037, mã kho R.1914, nơi xuất bản là Quan Văn Đường tàng bản (觀文堂藏板), năm xuất bản là năm Đinh Tỵ đời vua Khải Định, (啟定丁巳) tức khoảng năm 1917, hiện nay vẫn chưa xác định được tác giả của văn bản này.

Thể loại của văn bản này là sách, được khắc in, số trang là 7, kích thước (25×15 cm). Trong văn bản có vài chữ bị mờ, nằm phía mép của tờ giấy, như chữ hàng 22, cột 8 trang 2a, chữ hàng 24, cột 8 trang 3a, chữ hàng 1, cột 8 trang 4a… có thể là do thời gian, do quá trình truyền bản, do việc sưu tầm, gìn giữ, bảo quản nên đa phần các văn bản Hán Nôm trong thư viện số hóa đều gặp trường hợp này.

Về tên gọi của tác phẩm, Nhật: là hằng ngày. Tỉnh là biết, phản tỉnh, tỉnh giác. Ngâm hay ngâm khúc là thể loại trữ tình trường thiên thuần túy Việt Nam viết bằng thể thơ song thất lục bát, thường có quy mô tương đối lớn (thường là trăm câu thơ, lớn hơn nữa là đến vài trăm câu thơ), theo định nghĩa đó, ngâm trong Nhật tỉnh ngâm chỉ cho thể thơ song thất lục bát.

Tóm lại, Nhật tỉnh ngâm là tác phẩm viết bằng thể thơ song thất lục bát, nhằm khuyên dạy con người phải luôn nhớ biết, phải luôn cảnh tỉnh hằng ngày những điều dạy trong sách. Cuốn sách khuyên răn con người sống có đạo đức, khuyên con người ăn ở phúc đức, trung thành với triều đình, có hiếu với cha mẹ, tu tập đức tính thiện lương như làm việc thiện, giúp đỡ người khác. Cuốn này là một trong những loại sách khuyến thiện, giáo dục gìn giữ thuần phong mỹ tục có tác dụng tích cực trong đời sống xã hội khoảng mấy thập niên đầu thế kỷ XX.

Về năm in sách, văn bản được khắc in vào năm Đinh Tỵ đời vua Khải Định, (啟定丁巳) tức khoảng năm 1917.

2. Giá trị của tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

Mỗi một tác phẩm đều có ý nghĩa và giá trị khác nhau, đối với văn bản Nhật tỉnh ngâm, chúng tôi xin trình bày giá trị trên ba phương diện

– Giá trị Nho học

– Giá trị Phật học

– Giá trị ca dao tục ngữ

2.1. Giá trị Nho học trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

Xã hội Việt Nam được nhận định là một xã hội mang đậm màu sắc Nho giáo, bởi vì trong một thời gian dài suốt hàng ngàn năm, đạo Nho đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong đời sống xã hội, từ tư tưởng, đạo đức, phong tục tập quán cho đến lối sống của mọi người dân Việt Nam. Vậy, Nho giáo là gì?

Nho giáo, còn gọi là đạo Nho, đạo nhân hay đạo Khổng (Nhơn đạo) là một hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị do Khổng Tử đề xướng cách đây hơn hai nghìn năm, và được các môn đồ của ông phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người biết ứng xử theo lẽ phải và đạo đức, đất nước thái bình, thịnh vượng. Nho giáo rất có ảnh hưởng tại ở các nước Đông Á là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm, học thuyết Nho giáo được trình bày ở nhiều khía cạnh.

Mở đầu, tác phẩm nhấn mạnh con người bản tính vốn thiện, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh “Tính lành ai cũng vẹn toàn từ xưa.

Vì nhiễm tục nên hư trăm nết” đó là học thuyết “nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn” của Nho giáo trong quyển Tam Tự Kinh của Trung Quốc. Đây là một tư tưởng của của Khổng Tử, và được các học trò của ông như Mạnh Tử ghi chép truyền đạt lại về sau.

Theo quan điểm của Nho giáo, luân lý và đạo đức chính là cái gốc của con người, là những khuôn mẫu căn bản nhất thể hiện tính cách của một con người. Nho giáo gom mọi mối quan hệ giữa người với người trong xã hội vào năm mối quan hệ cơ bản, gọi là Ngũ luân, gồm quan hệ vua – tôi, chồng – vợ, cha – con, anh – em và bạn hữu. Với mỗi mối quan hệ, Nho giáo lại tìm ra một cái lý riêng, chi phối, quy định cách ứng xử của con người trong mối quan hệ ấy.

Ví dụ, trong mối quan hệ vua – tôi thì vua đối với bề tôi phải theo lễ, bề tôi đối với vua phải theo đức trung. Trong mối quan hệ cha – con thì cha phải từ và con phải hiếu… Khi mỗi người hành động, ứng xử đúng với cái lý đúng đắn của mỗi mối quan hệ thì đó là người có đạo đức.

Khác với sự sắp xếp Ngũ luân trong Nho giáo là đạo vua-tôi đứng đầu, Nhật tỉnh ngâm đưa đạo cha-con lên đầu.

“Cha con này thật tính trời
Nghìn thu kinh nghĩa muôn đời di luân
…..
Hiếu mà không có trước sau
Còn mong hưởng thụ dài lâu được nào?”

Trong mối quan hệ này chữ Hiếu được đặt lên trên đầu. Bởi vì cha mẹ có công lao sinh thành, dưỡng dục không sao kể hết. Cho nên người con luôn phải hiếu thảo, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ không phải chỉ khi họ về già.

“Đạo làm con nên nghĩ báo đền”

Hay là

“Yếu đau mỏi mệt những lần
Lo toan cơm thuốc ân cần sớm khuya.”

Và điều quan trong là kính hiếu khi cha mẹ còn sống, đừng để đi mất rồi mới mong báo đền vì lúc đó không còn cha mẹ để phụng dưỡng.

“Thờ lúc sống ngọt ngon kính sợ
Đã thác rồi thương nhớ xiết bao.”

Thứ hai: Đạo Vua – tôi.

“Vua tôi cũng trong điều luân kỷ
Chữ nghĩa còn ghi để muôn thu
…..
Tô cùng thuế phải ra cho chóng
Báo ơn vua lấy bụng trung thành”

Trong mối quan hệ này coi trọng nhất là chữ “Trung” tức người bề tôi phải một lòng một dạ với vị vua mà họ đang phò giúp, đấng minh quân phải thưởng phạt công minh rõ ràng. Ngày nay, tuy không còn chế độ quân chủ tập quyền, không còn vua cai trị đất nước, nhưng chúng ta sống dưới sự che chở của Đảng và Nhà nước, thì mỗi người phải có trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện tốt các nghĩa vụ, sống theo hiến pháp và pháp luật

Thứ ba là đạo vợ – chồng:

“Vợ chồng kén chọn cho lành
Tìm người tính nết hiền lành mới nên.
….
Mấy nhau khuyên chữ thuận hòa
Bể đông còn cạn đạo nhà hẳn hay.”

Đây là quan hệ giữa vợ với chồng, coi trọng nhất chữ Trinh. Chồng phải yêu thương vợ và vợ phải giữ một lòng chung thủy với chồng. Đạo nghĩa chồng vợ trong gia đình tuy có sự khác biệt, như khi người chồng chính trực cao thượng, bảo vệ người vợ, người vợ nhã nhặn khiêm hòa, sinh thành giáo dưỡng con trẻ, mỗi người làm tốt bổn phận của mình, thì gia đình tự nhiên được hòa thuận. Đây cũng chính là luân thường đạo lý, là “nếp nhà” đã ăn sâu vào tâm thức có sức ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa của nhiều quốc gia ở phương Đông, trong đó có văn hóa Việt Nam.

Khi đề cập đến mối quan hệ anh – em, Nhật tỉnh ngâm cho rằng:

“Anh em giống chân tay người đấy
Đừng làm cho què gãy mà rầy

Lòng yêu kính mười phần trọn vẹn
Trong cửa nhà lắm chuyện vui yên.”

Điều này cho thấy, đã là anh em trong một nhà thì phải có tình thương yêu, phải biết nhường nhịn lẫn nhau, phải biết che chở và kính trọng lẫn nhau, anh em trong một gia đình phải luôn có trên, có dưới, phải thuận hòa sau trước và phải có trật tự, tôn ty, anh nói em nghe, em phải luôn vâng lời anh, chị, nghe theo lời chỉ bảo của anh, chị. Chỉ có thế gia đình mới hòa thuận trong ấm, ngoài êm.

Khi đề cập đến quan hệ bằng hữu, Nhật tỉnh ngâm miêu tả:

“Bạn bè gặp gỡ là duyên
Một lần mưa gió mấy phen đá vàng.

Muốn cho đi lại lâu dài
Đừng quên bụng kính chớ rời lòng tin.”

Cái gọi là kết bạn, là kết bạn với người có cùng phẩm chất đạo đức mà không cần dựa vào điều gì cả và lấy chữ tín làm chuẩn mực trong các mối quan hệ bằng hữu – “bằng hữu hữu tín”. Với chữ tín đã giúp bạn bè vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, để vượt qua hoạn nạn.

Như vậy, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo phản ánh năm mối quan hệ cơ bản của con người trong đời sống gia đình, xã hội và quốc gia, “nhưng về thực chất và suy đến cùng, nó chỉ phản ánh hai mối quan hệ. Đó là mối quan hệ trong gia đình (bao gồm các mối quan hệ: cha – con; vợ – chồng; anh – em) và mối quan hệ ngoài xã hội (bao gồm các mối quan hệ: vua – tôi; bạn bè).

Trong gia đình thì mối quan hệ cha – con là lớn nhất và nó được thể hiện bằng đạo hiếu. Trong xã hội thì mối quan hệ vua – tôi là quan trọng nhất và nó được thể hiện bằng đạo trung.

Nho giáo rất chú trọng dạy đạo làm người, đạo làm người ấy bao gồm hai chữ “Nhân nghĩa”. Nhân nghĩa được Đổng Trọng Thư mở rộng ra thành Ngũ thường: thường là cái hằng có, luôn luôn phải theo, cái phổ biến ở mọi thời, mọi chỗ. Ngũ thường là gì? Đó là năm đức tính mà Nho giáo đề cao và xem như năm đạo ăn ở con người phải hằng có: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.

Ta có thể hiểu như sau: Nhân là lòng yêu thương, tình bác ái. Nghĩa là cảnh ứng dụng cái nhân ấy để cư xử cho phải phép với các hạng người thân, sơ. Lễ là tỏ lòng tôn kính bằng cách tuân theo các nghi thức thích hợp có khuôn khép. Trí là áp dụng sự hiểu biết, sự kinh nghiệm để hành động. Tín là thành thật với mọi người để họ tin mình. Đó là những đức tính mà mọi người đều cần có để tu thân mà hành động và còn để cư xử với người ngoài.

Trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm, quan điểm Ngũ thường được bắt gặp rất nhiều, dạy con người sống lương thiện, yêu thương kính trọng mọi người, lễ phép, có lòng tin, tích cực làm việc thiện, tránh xa các việc ác…

“Người già cả nhẽ nên trọng đãi
Đứa bé con lòng phải thương yêu
Thờ thầy tôn kính trăm chiều
Đãi người hầu hạ có điều khoan dung.”

Tóm lại, luân lý đạo đức luôn là một chủ đề lớn của triết học thế giới qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Đây cũng được xem là chủ đề chủ đạo của Nho giáo, đặt nền tảng vững chắc giúp cho Nho giáo lan tỏa sức ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, tư tưởng, lối sống của nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng của học thuyết này, trong đó có Việt Nam.

Với các mối quan hệ chủ đạo là: Vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em và bằng hữu được xác lập theo các khuôn mẫu của “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo đã có những ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn.

Là một dân tộc mang đặc tính hòa hiếu và khoan dung, người Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn nhận Nho giáo một cách tích cực, đồng thời sử dụng những tinh hoa của Nho giáo (những giá trị tích cực đã trở thành các giá trị tinh thần của nhân loại) để bồi đắp, sáng tạo những giá trị mới và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập sâu rộng với văn hóa và văn minh nhân loại. Tác giả đã gửi gắm những điều cốt lõi đó vào tác phẩm, đây là giá trị lớn mà tác phẩm mang lại.

2.2 Giá trị Phật học trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

Ngoài yếu tố Nho giáo thì học thuyết Phật giáo cũng được đề cập trong văn bản này. Tại vì sao?

Ngược dòng lịch sử, khoảng hai nghìn năm trước, Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng hai con đường, chủ yếu bằng đường thủy, do các thương nhân và tu sĩ Ấn Độ mang sang. Lúc bấy giờ, các thương nhân Ấn Độ đi thuyền đến miền Viễn Đông để mua các thứ gia vị, hương liệu, quế, tiêu, gỗ trầm hương, ngà voi…, và đạo Phật đã theo họ để đến nước ta.

Các thương nhân Ấn Độ mỗi lần đến Việt Nam thường phải ở lại Giao Châu suốt cả năm cho đến năm tới, chờ gió mùa Đông Bắc họ mới trở về lại được Ấn Độ. Và trong các chuyến đi xa đó, các thương thuyền Ấn Độ thường đặt bàn thờ đức Phật và Bồ-tát, là những vị che chở cho thủy thủ đoàn được an lành ngoài biển khơi.

Ngoài ra, cũng vì lý do cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi trên biển nước mênh mông đầy sóng to gió lớn nguy hiểm như vậy nên những thương gia người Ấn thường mời một vài vị tu sĩ Phật giáo cùng đi trên thuyền với họ để cầu nguyện. Chính những vị tu sĩ Phật giáo này đã lưu lại Giao Châu và những sinh hoạt tín ngưỡng của họ đã dần dần ảnh hưởng một cách tự nhiên đến dân địa phương mà họ có dịp tiếp xúc.

Người Việt Nam được các vị tu sĩ dạy về Đức Phật (Bụt là xuất phát từ chữ Buddha), giáo lí nhân quả, nghiệp báo, và dần có nhiều người xin thọ Tam quy ngũ giới, làm đệ tử Phật. Như thế, Phật giáo đã được thâm nhập vào dân Việt Nam một cách rất ôn hòa, được đón nhận đầy thiện cảm của dân địa phương. Do đó, Phật giáo đã phát triển nhanh chóng và được lan dần ra các địa phương khác của Giao Châu lúc bấy giờ. Nhờ những thuận duyên như vậy nên trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được hình thành tại Giao Châu rất sớm.

Sau này, khi Phật giáo truyền bá rộng rãi ở Việt Nam, giáo lí Phật đà không ngừng được giảng dạy cho người dân, với sự tồn tại và phát triển lâu đời như vậy, Phật giáo đã là một phần trong văn hóa Việt Nam, đã ăn sâu trong máu thịt của người dân Việt. Cho nên, tác phẩm mang tính chất khuyên con người thức tỉnh, răn dạy về cách sống thì không thể thiếu yếu tố Phật giáo.

Học thuyết Phật giáo được đề cập trong văn bản Nhật tỉnh ngâm bao gồm giáo lí nhân quả, nghiệp báo, ngũ giới.

Về nhân quả, nghiệp báo:

Nhân quả theo nghĩa Hán Việt thì có nghĩa là hạt giống và quả trái. Trong cuộc sống của con người, nhân chính là hành động còn quả chính là kết quả của hành động đó. Nếu hiện tại, ta gieo nhân tốt thì tương lai sẽ gặt được quả chín thơm ngon. Còn nếu hiện tại, ta gieo nhân xấu thì tương lai sẽ gặt hái được quả xấu.

Nghiệp báo là nghiệp quả báo ứng, nghiệp nhân chúng ta đã gây ra thì sẽ nhận nghiệp quả tương ứng. Trước tiên chúng ta cần biết chữ nghiệp.

Nghiệp nghĩa là hành động từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm, tất cả đều sinh bởi ý muốn, có tác ý; do đó nghiệp là tư tưởng, lời nói, việc làm có tác ý, nếu không có ý muốn sẽ không có nghiệp. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác,… Nghiệp thiện là hành động tốt đẹp mang lại lợi ích và giúp đỡ chúng sinh. Nghiệp ác là những hành động dữ, xấu làm chúng sinh đau khổ.

Báo: chính là đền trả một cách công bằng, những hành động từ nghiệp mà ra. Hành động của chúng ta tốt hay xấu, lành hay dữ thì kết quả của hành động ấy sẽ đến chỉ là sớm hay muộn thôi.

Nghiệp báo nhân quả thuộc về tâm thức, nó vô hình không thấy được, nhưng nó điều khiển cả vật chất lẫn tinh thần; nghiệp quả trong phạm vi vật chất như giàu nghèo, thọ yểu v.v…; trong phạm vi tinh thần như vui sướng, buồn khổ, v.v…

Một nghiệp tốt mang lại kết quả tốt, có thể ở kiếp hiện tại hay ở kiếp tương lai, cũng vậy, một nghiệp xấu mang lại kết quả xấu, ở ngay kiếp này hay ở kiếp mai sau; muốn thoát khỏi luân hồi, phải thoát khỏi nghiệp báo nhân quả. Cho nên, trong tác phẩm, tác giả dạy rất nhiều điều thiện, khuyên mọi người siêng làm việc thiện, tránh làm điều ác. Nhờ làm việc thiện, gieo nhân thiện mà gặt được quả tốt, kiếp sau sinh vào cõi lành.

“Thiện ác ở lòng ta chứa chất
Họa phúc từ trời đất quyền hành”

hay

“Khác đâu cái bóng theo hình
Họa dâm phúc thiện dành dành không sai.”
“Sao người thiện lại hay gặp giở
Vì ông cha ăn ở vô nhân
Hoặc là thiện giả ác chân
Hoặc là con cháu hưởng phần giàu sang
Sao người ác lại càng vinh hiển
Vì ông cha tích thiện thuở nào”

Hay như câu:

“Hoặc là ác ít thiện nhiều
Hoặc là con cháu chịu điều hung tai
Họa phúc hợp ba đời mấy thật
Đừng xem nghe trước mắt mà ngu.”

“Thiện từ điều nhỏ làm đi
Ác thời một thí thỉ thi cũng chừa
Làm việc thiện dẫu chưa thấy khá
Khỏi được điều hoạnh họa tai bay
Làm nhiều ác nghiệt ghê thay
Họa kia chưa đến phúc này đã xa.”

Luật nhân quả nghiệp báo này không có một người nào bắt buộc chúng ta thi hành được, mà chỉ có sự khổ đau và sự an vui của chúng ta mới bắt buộc chúng ta phải thi hành nó. Bởi vì, con người ai cũng muốn sống an vui, hạnh phúc, chứ không có mấy ai muốn sống khổ đau bao giờ. Vì thế, chúng ta tự bắt buộc chúng ta làm thiện, sống thiện để sống được an vui, hạnh phúc.

Chính vì vậy, chúng ta mới thấy được lòng người sợ khổ, ưa vui. Còn nếu ngược lại, chúng ta ta không làm thiện, không sống thiện, thì sự an vui, hạnh phúc sẽ không đạt thành, và vì vậy chúng ta phải sống khổ đau.

Về Ngũ giới: Ngũ giới là năm giới, năm điều khuyến khích, phải giữ của người Phật tử tại gia (Giới: là hàng rào ngăn cấm những việc xấu của thân, khẩu, ý). Sở dĩ đức Phật đặt ra năm giới, vì Ngài mong muốn người Phật tử tại gia thọ hưởng được quả báo tốt đẹp. Người Phật tử không thể chỉ thọ Tam quy mà không trì Ngũ giới.

Người đã quy y là đã bước một nấc thang đầu tiên từ người phàm cho đến bén duyên với Phật pháp, nếu không giữ giới có nghĩa là dừng lại tại đó, không tiến bước tới nữa. Năm giới này không những để tiến bước trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội. Năm giới là năm thành trì ngăn chặn cho chúng ta đừng đi vào đường ác, là năm hàng rào cản cho chúng ta khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi.

Để hiểu rõ tường tận, chúng ta lần lượt phân tích từng giới một.

1. Không được giết hại:Điều ngăn cấm thứ nhất mà Phật khuyên chúng ta, là không được giết sinh mạng, từ loài người cho đến loài vật. Sinh mạng là một giá trị quý báu, nhất là sinh mạng người; giết hại sinh mạng kia để tô bồi cho sinh mạng này là một điều ác, không hợp lý đạo. Giới này được thể hiện trong tác phẩm ở câu:

“Kìa sâu kiến cũng rằng vật mệnh
Cất chân tay nên chạnh lòng thương
Sớm hôm quét dọn kỹ càng
Bếp không ô uế nhà thường bình yên.”

2. Không được trộm cướp: Ai cũng biết trộm cướp là lấy những tài vật thuộc quyền sở hữu của người, mà không có sự ưng thuận, hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng võ lực hay quyền hành. Những vật quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, ngọc ngà… cho đến vật hèn mọn như lá trầu, trái ớt… người ta không cho mà mình tự lấy đều là trộm cướp.

3. Không được tà dâm:Tà dâm tức là muốn nói về sự dâm dục phi lễ, phi pháp. Luật dạy người xuất gia ly tục phải dứt hẳn dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục. Khi vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chánh; ngoài ra, lén lút lang chạ làm việc phi pháp với người khác phái gọi là tà.

“Điều giăng gió tai không nghe nữa
Thú mây mưa miệng chớ nói gì
Chuyện phong tình ấy kể chi
Tranh xuân cung ấy ra gì mà trông.
Bạn dâm nọ chớ cùng vui thú
Chỗ chơi kia đừng có mơ màng
Ghê thay tiền mất tật mang
Kìa ai sinh dục lắm đường gian nguy”

Hay:

“Tội dâm ấy đứng đầu muôn ác
Có chừa đi mấy được yên lành”

4. Không được nói sai sự thật:Nói sai sự thật có bốn cách: Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

“Người tranh của đã đành mất của
Kẻ đua hơi cũng khó còn hơi
Được thua hại cả đôi người
Một đời đi kiện ba đời thù nhau

Sao bằng nói một câu hòa nhượng
Chịu ngu si mà hưởng thái bình
Những lời trừng ác phân minh
Nên răn rổ lấy đừng khinh thường mà.”

“Phàm nhiều nói là người dại cả
Chữ đa ngôn đa quá rành rành
Một câu nhịn chín câu lành
Thôi thôi bưng kín miệng bình cho xong.”

5. Không được uống rượu:Tất cả những thứ có chất men làm say người hay chất độc hại người đều không được uống.

“Rượu là thuốc dại rành rành
Xui người nhã nhặn ra tình kiêu ngoa.”

“Độc nào hơn thuốc phiện này
Còn đua mấy tục ắt rầy đến thân
Vui bè bạn mỗi lần vài khói
Bổng xui nên nông nỗi khó chừa.”
“Cuồng gì cờ bạc dong dài
Ấy ai chơi bậy ra người tham ngu.”

Người biết giữ gìn năm giới đã tạo thành căn bản đạo đức và sự an lành cho bản thân, gia đình nào gìn giữ trọn vẹn là gia đình ấy có hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, tin yêu thuần cẩn. Nếu mọi người trong xã hội ứng dụng triệt để là một xã hội văn minh, chan hòa sự cảm thông và thương mến. Chúng ta vì lợi ích bản thân, vì hạnh phúc của gia đình, vì sự an lạc của xã hội, nỗ lực gìn giữ năm giới. Gìn giữ năm giới là tôn trọng nhân bản, là nếp sống văn minh, là nền tảng đạo đức vậy.

2.3. Giá trị ca dao tục ngữ trong tác phẩm Nhật tỉnh ngâm

Nhật tỉnh ngâm là tác phẩm được ghi chép vào đời vua Khải Định, nhưng không xác định được tác giả. Qua nội dung, có thể nhận định đây là một tác phẩm mang yếu tố văn học dân gian, là những lời răn dạy của lớp người đi trước đối với thế hệ trẻ, cho nên ngoài giá trị về Nho học, Phật học đã trình bày trên, thì yếu tố văn học dân gian không thể thiếu.

Một tác phẩm mang thể loại ngâm, là thể loại thơ song thất lục bát, thì ca dao tục ngữ phù hợp hơn cả để đưa vào tác phẩm. Vì sao?

Trong kho tàng văn học dân gian, ông cha ta đã đúc rút từ quy luật của tự nhiên, xã hội thành những kinh nghiệm, kiến thức hết sức quý giá được thể hiện bằng những câu ca dao, tục ngữ. Trải qua thời gian, những kinh nghiệm, kiến thức đó ngày càng được bồi đắp, gìn giữ và được ông cha ta truyền lại cho các thế hệ sau học tập và noi theo.

Ca dao là một từ Hán Việt. Trong đó, “ca” dùng để chỉ những bài hát; còn từ “dao” được dùng để chỉ những bài hát ngắn, thường không có chương khúc, giai điệu. Vì vậy, có thể hiểu ca dao là những bài hát có hoặc không có chương khúc, được dùng để miêu tả, ngụ ý hay diễn đạt tình cảm. Hầu hết ca dao đều là lời thơ trữ tình dân gian, thường được kết hợp với âm nhạc để diễn xướng và phản ánh thế giới nội tâm của con người.

Tục ngữ là gì? Đây là một thể loại văn học dân gian, được đúc kết từ những tri thức, kinh nghiệm của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích và có nhịp điệu nên rất dễ nhớ và dễ truyền đạt.

Những câu ca dao tục ngữ được thể hiện trong văn bản là:

Nói về công ơn của cha mẹ:

“Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.”

Chỉ về mối quan hệ vợ chồng:

“Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”

Anh em hòa thuận:

“Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc dở hay đở đành.”

Hay là câu “Một điều nhịn chín điều lành” để nói lên sự nhẫn nhịn.

Cách giáo dục chân thực, hóm hỉnh bằng ca dao, tục ngữ của ông cha ta đã tạo nên đời sống vật chất và tinh thần phong phú, mang lại hiệu quả cao trong quá trình truyền thụ.

Ngoài các giá trị trên, tác phẩm còn đề cao giá trị cần cù, chịu khó – một đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam.

“Vui thay hai chữ an bần
Siêng năng tần tiện đủ phần ấm no.”

“Ngồi ăn mãi núi nào cũng lở
Kế nhất sinh ở chữ cần kia
Dẫu rằng ruộng tốt bề bề
Cũng không bằng kẻ có nghề trong tay.

Canh khuya thức sớm ngày đã dậy
Công việc mình làm lấy cho tinh
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Nhược bằng lười biếng ắt sinh khó hèn.”

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều cách dạy của tác giả về chữ nhẫn. Nhẫn nhịn khiêm nhường là một mỹ đức truyền thống “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, thế nên có nhẫn nại thì mới có thành tựu. Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn, ắt làm hỏng việc lớn”, và “Bậc quân tử không có điều gì phải tranh giành”.

Còn Lão Tử thì nói: “Đạo Trời không tranh mà luôn thắng, không nói mà vạn vật luôn hưởng ứng”.

Trong Phật giáo cũng giảng: “Trong sáu phép siêu độ (lục độ) và hàng vạn phương pháp tu hành (vạn hạnh), ‘Nhẫn’ là đệ nhất”.

“Điều nhỏ nhen ắt phải nhịn đi
Tranh khôn nào có ra gì
Thà rằng chịu dại lắm khi yên lành.
Nhịn là thiện tranh lanh là ác
Nhớ lấy câu dĩ nhược chế cường
Nhẫn kia là chữ tương vàng
Một lòng để tĩnh trăm đường điều hay.”

Nhẫn nhịn có thể khiến những chuyện xấu tự nhiên biến mất, tự phản tỉnh thì tai họa sẽ không đổ xuống thân mình.

“Một điều nhịn chín điều lành”.
“Chữ nhẫn là chữ tương vàng,
Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”.

Tóm lại, Nhật tỉnh ngâm là tác phẩm mang giá trị giáo dục cao, giáo dục con người cách sống từ trong các mối quan hệ từ gia đình cho đến xã hội, răn dạy con người sống tích cực, siêng năng, chịu khó, dạy con người làm thiện tránh ác, vì gieo nhân nào gặp quả đó.

3. Kết luận

Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cũng như việc xây dựng giá trị đạo đức mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Chúng ta đang sống trong thời đại mới – thời đại của công nghệ thông tin; đã làm cho đời sống vật chất của con người được nâng cao. Đáng tiếc thay chủ nghĩa đạo đức đang bị xói mòn bởi tính thực dụng của xã hội, kéo theo đó là cả một hệ lụy.

Bên cạnh những cái mới trong qua trình hội nhâp, những cái tiêu cực cũng dần xâm nhập vào đạo đức, lối sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên hiện nay. Vấn đề này đang là câu đố của các nhà giáo dục.

Cho nên, các nguồn sách về giáo huấn Nôm nói chung, tác phẩm Nhật tỉnh ngâm nói riêng rất quan trọng đối với giáo dục ngày nay, nhằm khuyên dạy con người phải luôn nhớ biết, phải luôn cảnh tỉnh hằng ngày những điều dạy trong sách. Cuốn sách khuyên răn con người sống có đạo đức, khuyên con người ăn ở phúc đức, trung thành với triều đình, có hiếu với cha mẹ, tu tập đức tính thiện lương như làm việc thiện, giúp đỡ người khác.

Cuốn này là một trong những loại sách khuyến thiện, giáo dục gìn giữ thuần phong mỹ tục có tác dụng tích cực trong đời sống xã hội khoảng mấy thập niên đầu thế kỷ XX.

Tác giả: Thích nữ Nhật Thiện
Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt:

1. Đào Duy Anh (1975), Chữ Nôm – nguồn gốc cấu tạo diễn biến, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Tài Cẩn (2004), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Thích Thiện Hoa (2018), Phật học phổ thông, Nxb Tôn giáo.

4. Nguyễn Quang Hồng (2008), Khái luận văn tự học chữ Nôm, Nxb Giáo dục.

5. Lan Hương (tuyển chọn) (2011), Ca dao Việt Nam về tình cảm gia đình, Nxb Thanh niên.

6. Trần Trọng Kim (2019), Nho giáo, Nxb Thế giới.

7. Vũ Trọng Phan (2017), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học.

8. Thích Chơn Thiện (2016), Phật học khái luận, Nxb Hồng đức.

Web:

9. Thư viện Quốc gia Việt Nam – Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm, Nhật tỉnh ngâm NLVNPF-0037, https://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/39/.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhat-tinh-ngam-nlvnpf-0037-r-1914.html