Giá trị của Tiến Linh, giá trị của trung phong kiểu mẫu

Cuối cùng, Tiến Linh đã ghi bàn. Bàn thắng quý giá để đưa U23 Việt Nam vào chung kết đồng thời khẳng định giá trị 'trung phong kiểu mẫu' của tiền đạo này.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chật vật. Nhọc nhằn. Đó là những gì có thể nói về hành trình đến chung kết SEA Games 31 của đội tuyển U23 Việt Nam. Những tưởng chiến thắng tưng bừng 3-0 trước U23 Indonesia sẽ giúp thầy trò Park Hang Seo có được sự hứng khởi trong lối chơi cũng như giành thêm những thắng lợi tưng bừng, tuy nhiên, thực tế rất khác.

Hai trận đấu tiếp theo, U23 Việt Nam bị U23 Philippines cầm hòa không bàn thắng và chỉ giành chiến thắng tối thiểu 1-0 trước U23 Myanmar nhờ pha lập công của Hùng Dũng ở những phút cuối trận. Cần biết thêm, hai đội bóng này nhận tổng cộng 15 bàn thua và bị loại ngay tại vòng bảng. Ở lượt trận cuối, chiến thắng 2-0 trước Timor Leste đảm bảo cho tấm vé đi tiếp của đoàn quân áo đỏ song đối thủ này quá yếu để đo lường thực lực.

Tại bán kết, U23 Việt Nam phải chờ đến thời gian thi đấu hiệp phụ để giải quyết U23 Malaysia. Nhìn chung, đó là màn trình diễn chưa đủ thuyết phục của thầy trò Park Hang Seo. Không chỉ là vấn đề tỷ số mà còn cả lối chơi và con người. U23 Việt Nam thiếu những mảng miếng tấn công sắc nét và cũng thiếu nốt nững nhân tố gây đột biến.

Tất nhiên, lật ngược vấn đề, thành công của bóng đá Việt Nam trong kỷ nguyên HLV Park Hang Seo đã khiến mọi đối thủ phải nhìn Những chiến binh sao vàng bằng con mắt e dè, điều trước đây chỉ có ở Thái Lan. Đó là điều đáng để tự hào.

Một khía cạnh khác, HLV Park Hang Seo không phải là mẫu chiến lược gia giỏi công kiên. Thành công của ông với các cấp đội tuyển Việt Nam đều dựa trên lối đá phòng ngự phản công và pressing sắc nét. Thế nên, ở thế trận phải cầm bóng để xuyên phá hàng phòng ngự bê-tông của đối phương nói thẳng ra là sở đoản của thầy Park.

Phân tích sâu hơn, đội tuyển U23 Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào Hoàng Đức và Hùng Dũng về mặt tổ chức lối chơi. Hoàng Đức phải lùi về thi đấu như một tiền vệ kiến thiết lùi sâu để “đưa” trái bóng lên trên vì cả 3 trung vệ lẫn những tiền vệ dưới 23 tuổi của chúng ta đều không phải những người giỏi chơi chân. Điều đó cũng phản ánh sự thiếu thốn về mặt nhân sự, đặc biệt là những cầu thủ có khả năng tạo đột biến của Việt Nam.

Tiến Linh không nổi bật như Hoàng Đức và Hùng Dũng, thậm chí còn chịu những chỉ trích về phong độ. Tuy nhiên, cũng có phần oan ức cho trung phong của Bình Dương bởi giá trị anh mang đến không hề nhỏ. Thể hình to cao, khả năng tì đè cùng thể lực bền bỉ của Tiền Linh đã gây ra vô vàn khó khăn cho các hậu vệ đối phương.

Ở trận mở màn, Linh đã có pha băng cắt sắc bén để sút tung lưới Indonesia. Đến trận đấu then chốt với Myanmar, Hùng Dũng là tác giả bàn thắng nhưng hãy để ý, tại sao Dũng lại có thể rảnh chân để đưa bóng vào góc hiểm như thế. Câu trả lời là Tiến Linh. Pha “nhập thành” của anh kéo theo cả 3 chốt chặn áo trắng và mở ra khoảng không gian mênh mông cho đồng đội.

Đến trận bán kết, Tiến Linh lại ghi bàn theo đúng “chuẩn” trung phong thời hiện đại. Một pha bật cao đánh đầu dũng mãnh ở hiệp phụ thứ hai. Không chỉ là kỹ năng, phải có cả nền tảng thể lực cực tốt mới thực hiện được pha dứt điểm như vậy. Ngoài ra, Tiến Linh luôn thực hiện rất tốt vai trò làm tường, một công việc rất đỗi thầm lặng. Cả Nhâm Mạnh Dũng hay Văn Tùng đều không có được sự quái như vậy.

Thế nên, thật đáng buồn khi có không ít ý kiến đòi “thay” Tiến Linh. Đòi thay Linh nhưng thay bằng ai lại không thấy nói… Cái cởi áo ăn mừng sau bàn thắng vào lưới Malaysia không chỉ thể hiện niềm hạnh phúc mà còn cả sự cởi bỏ áp lực và khẳng định bản thân của tiền đạo người Bình Dương. Sau bàn thắng này, hy vọng Linh sẽ thăng hoa và nhạy bén hơn nữa cho trận chiến cuối cùng với kình địch Thái Lan.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-tri-cua-tien-linh-gia-tri-cua-trung-phong-kieu-mau-a553622.html