Giá trị của văn hóa qua tiểu thuyết 'Đền Thiêng'

Cuốn tiểu thuyết 'Đền Thiêng' của Nhà văn Phù Ninh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2019 một lần nữa giúp người đọc hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Di tích đền Hạ (TP Tuyên Quang).

Phần 1 của tiểu thuyết, nhà văn kể lại câu chuyện lịch sử về quá trình đứng lên đấu tranh chống lại triều đình của Tiết chế Nông Văn Vân, người ở Châu Bảo Lạc, thuộc sứ Tuyên Quang xưa. Việc làm của ông đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của hàng vạn người, cả người Thổ, người Nùng, người Mán, người Thanh khắp các tỉnh trong khu vực. Bởi nhờ đó, người dân sẽ không còn “bị bắt đi phu xây đồn đắp lũy, không phải nộp thuế nặng sưu cao”. Tiếp đó, Tiết chế Nông Văn Vân đã đem quân đi đánh các tỉnh thành trong khu vực, với mong muốn người dân khắp nơi sẽ có được cuộc sống tự do, không phải chịu áp bức. Trên đường hành quân, theo đường thủy đến “ngã ba sông Năng hợp với sông Gâm”, ông nhìn thấy một ngôi đền dưới núi Pác Tạ, ông cung kính hỏi chuyện Thủ đền. Biết đền thờ Mẫu linh thiêng, ông cùng quan quân đã dâng hương xin được phù hộ đại quân đánh thắng. Sau đó, quan quân triều đình được lệnh đánh đuổi nghĩa quân cũng đến ngôi đền này và dâng hương xin được phù hộ. Sau này, do thua trận, Nông Văn Vân đã tự thiêu trong hang đá.

Về phía triều đình, được một vị tướng bẩm báo và kể về sự linh thiêng của hai đền thờ Thánh Mẫu Phương Dung, Ngọc Lân ở đền Hạ, đền Thượng gần lỵ sở tỉnh Tuyên, Hoàng Thượng đã gia ân xuống chiếu sắc phong cho nhị vị thánh Mẫu, ban cho việc thực hiện tế tự hàng năm. Từ đó, Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La bắt đầu diễn ra.

Phần 2, nhà văn tái hiện lại quá trình di tích đền Hạ được công nhận Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Một quá trình không dễ dàng, nhưng cuối cùng đã giúp giá trị văn hóa lịch sử của di tích được khẳng định.
Tiểu thuyết “Đền thiêng” mang đến thông điệp văn hóa sâu sắc, mỗi di tích không chỉ có giá trị riêng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mà còn là nơi để mỗi người thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần trong đời sống ngày nay.

Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/gia-tri-cua-van-hoa-qua-tieu-thuyet-den-thieng-129714.html