Giá trị lớn từ di chỉ gốm Bá Thủy

Được phát hiện từ sớm nhưng đến tháng 11/2023, di chỉ gốm Bá Thủy, xã Long Xuyên (Bình Giang) mới được khai quật. Từ đây, những giá trị lớn của gốm Bá Thủy được hé lộ, khiến các nhà nghiên cứu phải ngạc nhiên.

Vị trí khai quật di chỉ gốm Bá Thủy (tháng 11/2023)

Vị trí khai quật di chỉ gốm Bá Thủy (tháng 11/2023)

Những phát hiện quý giá

Tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di chỉ gốm Bá Thủy, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành phải thốt lên: “Kết quả của những cuộc nghiên cứu về di chỉ gốm Bá Thủy làm chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”.

Những ngạc nhiên mà Viện trưởng Bùi Minh Trí nói tới ở đây trước hết là những giá trị được phát hiện từ cuộc khai quật di chỉ gốm Bá Thủy vào tháng 11/2023.

Cuộc khai quật được Viện Nghiên cứu Kinh Thành phối hợp Bảo tàng tỉnh Hải Dương tiến hành trên quy mô hơn 80 m2 tại khu đất giáp ranh nhà ông Nguyễn Văn Pha, thu được khối lượng hiện vật lớn. Bên cạnh hàng nghìn mảnh vỡ bao nung, đồ sành được xếp tại chỗ, có trên 5.300 hiện vật đồ gốm men và các loại dụng cụ sản xuất (bao gồm 5.302 hiện vật gốm Việt Nam; 4 mảnh gốm có nguồn gốc từ thời Minh, Trung Quốc). Trong đó, hiện vật gốm Việt Nam tìm thấy có ở cả 3 thời kỳ: Lê sơ, Mạc và Lê trung hưng (từ thế kỷ XV XVII) với các dòng men chính: trắng, ngọc, nâu và hoa lam.

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành khẳng định những giá trị to lớn của gốm Bá Thủy

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành khẳng định những giá trị to lớn của gốm Bá Thủy

Điều đáng nói, trước đó, ở nước ngoài, cái tên gốm Bá Thủy đã được nhắc đến từ lâu. Năm 1970, K.T.Goh khi chú thích về một chiếc bình gốm lớn vẽ hoa sen dây có niên đại thế kỷ 15 cho cuốn sách Ceramic Art of Southeast Asia (Nghệ thuật gốm sứ Đông Nam Á), ông đã có sự so sánh về phong cách với chiếc bình vẽ lam có mã số 3760-1 đang lưu giữ tại Bảo tàng Volkenkunde, Leiden (Đức). Đáng lưu ý là chiếc bình gốm này có những dòng minh văn cho biết chính xác nó được sản xuất tại Bá Thủy (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) nay là thôn Bá Thủy, xã Long Xuyên (Bình Giang).

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng đang trưng bày một chân đế gốm hoa lam vẽ rồng, phượng và lân trong mây, niên đại Đoan Thái thứ 3 (1588), đời vua Mạc Mậu Hợp. Trước kia, chân đế này từng được giới thiệu là sản phẩm gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, 8 chữ viết trước đầu rồng, phượng và lân: “Bá Thủy xã, tượng nhân Nguyễn Nghiễm mại” (tức thợ gốm Nguyễn Nghiễm ở xã Bá Thủy làm để bán) đã cho biết chính xác đây là sản phẩm của lò gốm Bá Thủy.

Từng là trung tâm sản xuất gốm

Di chỉ gốm Bá Thủy nằm cùng dải bên hữu ngạn sông Kẻ Sặt. Xưa kia, thôn Bá Thủy thuộc tổng Phương Duy, huyện Gia Lộc. Tháng 4/1948, thôn Bá Thủy chuyển sang thuộc xã Tứ Xuyên rồi xã Long Xuyên (Bình Giang) như ngày nay.

Bá Thủy là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cả về môi trường tự nhiên và xã hội, góp phần phát triển nghề gốm. Làng gốm Bá Thủy nằm giữa vùng nguyên liệu dồi dào với đất sét trắng, cao lanh, than, củi ở Đông Triều (Quảng Ninh), Kinh Môn, Trúc Thôn (Chí Linh). Tại đây, sông Đò Đáy (một nhánh của sông Kẻ Sặt) đóng vai trò là đường giao thương kết nối giữa Bá Thủy với các di chỉ gốm nổi tiếng xung quanh như Láo, Ngói (xã Hùng Thắng), Hợp Lễ, Cậy (Long Xuyên). Dòng sông còn tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu về phục vụ sản xuất.

Với những thuận lợi đó, Bá Thủy từng là trung tâm sản xuất đồ gốm và sành lớn của cả nước. Là nơi hội tụ, tiếp thu nhiều thành tựu trong công nghệ sản xuất gốm với các lò gốm ở Ngói, Cậy, Hợp Lễ (Bình Giang), ở Thăng Long và xa hơn là gốm Cảnh Đức Trấn thời nhà Minh (Trung Quốc). Ở đây có nhiều loại gốm chất lượng cao, trong đó phổ biến nhất là dòng gốm hoa lam, chủ yếu dùng trong sinh hoạt.

Những mảnh gốm khai quật được tại di chỉ gốm Bá Thủy cho thấy đây từng là trung tâm sản xuất gốm lớn

Những mảnh gốm khai quật được tại di chỉ gốm Bá Thủy cho thấy đây từng là trung tâm sản xuất gốm lớn

Những nghiên cứu, đặc biệt là kết quả từ cuộc khai quật di chỉ gốm Bá Thủy cho thấy, làng gốm Bá Thủy được lập dựng từ khoảng thế kỷ XV, tồn tại và phát triển mạnh vào thế kỷ XVI, đến thế kỷ XVIII thì lụi tàn. Thế kỷ XIX, lò gốm ở Bá Thủy không còn tồn tại. Vì vậy, các tài liệu ghi chép của triều Nguyễn có nhắc đến các lò gốm ở làng Cậy nhưng không hề nhắc đến gốm Bá Thủy. Điều này hoàn toàn trùng khớp với câu chuyện người dân thôn Bá Thủy vẫn truyền miệng lại. Trước đây, người dân Bá Thủy làm nghề gốm. Khi giặc kéo đến, cả làng bị giết hại. Sau đó, người làng Lợ ở Yết Kiêu (Gia Lộc) di cư đến sinh sống cho đến ngày nay…

Bá Thủy là 1 trong 5 làng gốm cổ chuyên sản xuất đồ gốm men ở huyện Bình Giang, có lịch sử phát triển cùng thời với gốm Chu Đậu (Nam Sách), tạo ra lịch sử phát triển huy hoàng của gốm Việt Nam thời Lê, từng mang lại sự phát triển cho mảnh đất xứ Đông trong lịch sử. Do vậy, đây là di chỉ gốm có vai trò quan trọng trong lịch sử gốm Việt Nam.

Với những ý nghĩa đó, TS. Trần Anh Dũng, nguyên nghiên cứu viên chính tại Viện Khảo cổ học cho rằng: “Cần có chiến lược quy hoạch, khoanh vùng vị trí, tiếp tục khai quật với quy mô lớn hơn để làm sáng rõ về giá trị lịch sử, văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng gốm cổ Bá Thủy”.

Cũng theo ông, việc xác định được vị trí lò gốm được sản xuất tại đây là cần thiết. Với những hiện vật đã khai quật được, cần gìn giữ, bảo tồn bằng việc xây dựng nhà lưu niệm, cất giữ, trưng bày nhằm quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch.

“Ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, tạo thành chuỗi giá trị, phát huy cả về văn hóa, thậm chí khôi phục, khai thác kinh tế từ gốm Bá Thủy giống như gốm Chu Đậu đã từng làm”, TS. Trần Anh Dũng cho biết.

LÊ HƯƠNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gia-tri-lon-tu-di-chi-gom-ba-thuy-369197.html