Giá trị riêng của ASEAN trong một thế giới bất an và bất định

Trong một thế giới đang ngày càng phân mảnh và đối đầu, ASEAN vẫn duy trì vị thế đặc thù của một 'chủ thể tầm trung ôn hòa', có tiềm năng gắn kết và hòa giải trong một thế giới đang phân mảnh.

Hội nghị cấp cao ASEAN+3 nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN+3 thời gian qua. (Nguồn: Nhật Bắc)

Hội nghị cấp cao ASEAN+3 nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN+3 thời gian qua. (Nguồn: Nhật Bắc)

Thế giới đang trong một giai đoạn bất an và bất định với nhiều biến cố khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, ngày càng trở nên gay gắt, lan rộng từ thương mại sang công nghệ, an ninh và các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, các cơ chế quản trị toàn cầu như Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng hiệu quả và tính chính danh. Áp lực buộc các quốc gia phải "chọn bên" ngày càng gia tăng, trong khi tâm lý thực dụng, hành xử vì lợi ích ngắn hạn dẫn đến sự bất an và nghi kỵ lẫn nhau ngày càng trở nên phổ biến.

Trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay, khi các siêu cường đang thể hiện vai trò lấn át và chính trị cường quyền trở thành xu thế hành xử chủ đạo, dường như mọi sự chú ý đang tập trung vào các nước lớn và các chủ thể tầm trung đang ít được quan tâm.

Tuy nhiên có một hiện thực khác là khi cục diện quốc tế ngày càng phân mảnh và bất định, những chủ thể tầm trung với truyền thống trung lập, yêu chuộng hòa bình, và có khả năng kết nối và hòa giải như ASEAN sẽ lại càng có uy tín và giá trị. ASEAN đang nổi lên như những chủ thể đáng tin cậy trong một thế giới đang ngày càng bất an và nghi kỵ lẫn nhau - nơi mà sự đồng thuận và hợp tác trở nên khan hiếm.

Quan điểm này đã nhận được sự cộng hưởng rộng rãi từ nhiều chính khách và học giả hàng đầu thế giới tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 (AFF 2025) được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25-26/2. Diễn đàn đã cho thấy giá trị của những chủ thể tầm trung như ASEAN trong kiến trúc an ninh khu vực và toàn cầu, đặc biệt khi thế giới đang tìm kiếm những tiếng nói cân bằng và xây dựng giữa những xung đột gia tăng.

ASEAN - Chủ thể tầm trung ôn hòa với 5 giá trị độc đáo

Trong thông điệp ghi hình gửi tới Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed đã nhấn mạnh: "ASEAN đứng vững như ngọn hải đăng của hợp tác và cầu nối giữa các khu vực, minh chứng cho sức mạnh của đoàn kết, đồng thuận và hành động". Thông điệp này không chỉ khẳng định vai trò đặc biệt của ASEAN trong bối cảnh nhiều cơ chế quản trị toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng, mà còn là sự ghi nhận quốc tế về giá trị độc đáo của khối.

Trong một thế giới đang ngày càng phân mảnh và đối đầu, ASEAN vẫn duy trì vị thế đặc thù của một "chủ thể tầm trung ôn hòa", không quá lớn, không quá nhỏ: Đủ lớn về kinh tế để thu hút sự chú ý, nhưng không cấu thành một khối quân sự có thể đe dọa an ninh của bất kỳ cường quốc nào. Sức mạnh mềm độc đáo của ASEAN trong kiến trúc khu vực và quốc tế được hình thành từ năm yếu tố chính sau đây.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025: Những con số 'biết nói' và cuộc hội ngộ cùng chí hướng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025: Những con số 'biết nói' và cuộc hội ngộ cùng chí hướng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vị trí địa chính trị, địa chiến lược tự nhiên quan trọng

ASEAN chiếm giữ vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nằm tại tâm điểm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Với lãnh thổ trải dài từ Myanmar ở phía Tây đến Philippines ở phía Đông, từ Việt Nam ở phía Bắc đến Indonesia ở phía Nam, ASEAN kiểm soát một không gian địa lý rộng lớn và đa dạng, bao gồm cả đất liền và biển đảo.

Vị trí địa lý này đã biến ASEAN thành một nút giao thông kết nối Đông Á với Nam Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Khu vực này kiểm soát các tuyến đường biển huyết mạch toàn cầu, trong đó Eo biển Malacca là tuyến vận chuyển chiến lược kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi 1/4 thương mại hàng hải thế giới đi qua hàng năm.

Theo các chuyên gia hàng hải, khoảng 60% vận tải biển toàn cầu và hơn 80% nguồn cung dầu cho Đông Bắc Á đi qua các tuyến đường biển này, khiến vị trí của ASEAN trở nên không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, Biển Đông với các tuyến hàng hải quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú cũng là khu vực mà các quốc gia ASEAN có lợi ích trực tiếp.

Biển Đông không chỉ là nơi chứa đựng trữ lượng lớn dầu khí và hải sản, mà còn có giá trị sinh thái và đa dạng sinh học cao, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu khu vực. Điều này khiến tiếng nói của ASEAN về vấn đề Biển Đông luôn được quan tâm, đặc biệt khi ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Khu vực này là ngã tư giao thoa của nhiều nền văn hóa và tôn giáo, từ Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo đến Ấn Độ giáo, tạo nên một môi trường đa dạng và phong phú về văn hóa. Sự đa dạng này, cùng với vị trí địa lý đặc biệt, đã giúp ASEAN phát triển khả năng giao tiếp và kết nối với nhiều nền văn hóa và hệ thống chính trị khác nhau, từ đó tăng cường vai trò cầu nối của mình trong quan hệ quốc tế.

Điều này khiến ASEAN không thể bị bỏ qua trong bất kỳ tính toán địa chiến lược nào của các cường quốc, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra vào ngày 19/1 tại Malaysia, chính thức khởi động năm ASEAN 2025,Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cũng sẽ được thông qua trong khuôn khổ ASEAN 2025 dưới vai trò Chủ tịch của Malaysia. (Nguồn: VGP)

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra vào ngày 19/1 tại Malaysia, chính thức khởi động năm ASEAN 2025,Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cũng sẽ được thông qua trong khuôn khổ ASEAN 2025 dưới vai trò Chủ tịch của Malaysia. (Nguồn: VGP)

Quy mô kinh tế đủ lớn với triển vọng tích cực

ASEAN, với dân số hơn 650 triệu người và tổng GDP vượt 3 nghìn tỷ USD, là một trong những khu vực kinh tế năng động hàng đầu thế giới và đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2040.

Một số thành viên đã trở thành những nút mấu chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các sáng kiến như Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA) và các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đã nâng cao khả năng thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài.

Thế mạnh kinh tế này mang lại cho ASEAN tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn kinh tế toàn cầu. Tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, Thủ tướng New Zealand đã nhấn mạnh: "Ngày nay, Đông Nam Á là một trong những khu vực thú vị, năng động và hữu ích nhất thế giới. Các quốc gia của các bạn đang tăng trưởng với tốc độ gấp đôi, trong một số trường hợp, gấp ba lần tốc độ của các nước phát triển".

Ngoài ra, ASEAN đã chứng minh khả năng phục hồi và sức mạnh tập thể của mình qua việc ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ASEAN đã tăng cường hợp tác kinh tế khu vực thông qua các sáng kiến như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Khuôn khổ đầu tư ASEAN (AIA), và đặc biệt là các cơ chế tài chính khu vực như Sáng kiến Chiang Mai và Quỹ Dự trữ ngoại hối châu Á.

Trong đại dịch Covid-19, ASEAN đã nhanh chóng thiết lập Quỹ Ứng phó Covid-19, thúc đẩy chia sẻ thông tin và hợp tác y tế, đồng thời xây dựng các kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore tại Diễn đàn Tương lai ASEAN đã nhấn mạnh: "Chúng tôi đã hướng tới việc đào sâu hội nhập kinh tế của khu vực và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người dân của chúng tôi trong toàn khu vực. Chúng tôi đã nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN cũng như Khuôn khổ Kinh tế số ASEAN. Chúng tôi cũng đã nâng cấp các hiệp định thương mại tự do với Australia và New Zealand, với Trung Quốc, và sắp tới là với Hàn Quốc".

Những nỗ lực này cho thấy khả năng của ASEAN trong việc đoàn kết đối phó với các thách thức chung, đồng thời duy trì đà phát triển kinh tế ngay cả trong những thời điểm khó khăn, khẳng định giá trị của ASEAN như một tổ chức khu vực có khả năng thích ứng và vượt qua thử thách. Điều này đã thu hút sự chú ý của các đối tác về cơ hội và triển vọng lâu dài trong quan hệ hợp tác với ASEAN.

Sự ra đời của ASCC đã mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển Cộng đồng ASEAN theo hướng lấy người dân làm trung tâm và lấy người dân làm chủ. (Nguồn: Asia Society)

Sự ra đời của ASCC đã mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển Cộng đồng ASEAN theo hướng lấy người dân làm trung tâm và lấy người dân làm chủ. (Nguồn: Asia Society)

Mô hình liên kết ở tầm mức vừa phải, không gây bất an cho các đối tác

Khác biệt với Liên minh châu Âu (EU) với mô hình nhất thể hóa cao hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với cam kết an ninh tập thể rõ ràng, ASEAN đã chọn cách tiếp cận liên kết mềm, tôn trọng chủ quyền quốc gia của các thành viên, dưới khẩu hiệu "đoàn kết trong đa dạng".

Mô hình này không tạo ra một siêu nhà nước khu vực có thể đe dọa bất kỳ cường quốc nào, đồng thời vẫn cho phép ASEAN duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ mà không bị ràng buộc vào các cam kết an ninh một chiều.

Cách tiếp cận độc đáo này tạo nên sự khác biệt rõ rệt khi so sánh ASEAN với các nhóm khu vực khác. Trong khi Bộ tứ (Quad - gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) rõ ràng hướng đến đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) chủ yếu loại trừ các cường quốc phương Tây, thì các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) thành công trong việc đưa các đối thủ cạnh tranh đến cùng một bàn đàm phán - điều ngày càng hiếm trong môi trường địa chính trị phân cực hiện nay.

Thủ tướng New Zealand đã thừa nhận: "Kiến trúc khu vực ASEAN đã trở nên vô cùng quan trọng đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Tính trung tâm phải được tái tạo và tái tạo và tái tạo lại nhiều lần. Nhưng chính khả năng tập hợp đối thoại trong khu vực thông qua ASEAN là điều rất quan trọng và vô cùng thiết yếu, và đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương."

Đại sứ Singapore Bilahari, dù thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của ASEAN, vẫn phải thừa nhận tại Diễn đàn Tương lai ASEAN: "Tôi nghĩ chúng ta có thể tự tin nói rằng ASEAN vẫn giữ vai trò trung tâm với chức năng chính là quản lý quan hệ giữa các thành viên, quản lý quan hệ [giữa bên ngoài] với khu vực Đông Nam Á".

Những giá trị đặc trưng của ASEAN làm nền tảng gắn kết

ASEAN được hình thành và duy trì trên nền tảng các giá trị chung về đồng thuận, trung lập, ủng hộ hòa bình và hữu nghị. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và tôn trọng chủ quyền quốc gia đã tạo nên một môi trường ổn định cho hợp tác khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia thành viên có sự khác biệt lớn về chính trị, văn hóa và trình độ phát triển.

Bản sắc của ASEAN đã được tạo nên bởi các giá trị chung được vun đắp qua lịch sử, nhờ khát vọng hòa bình mà đã vượt qua chia rẽ, nghi kỵ. Hình ảnh của ASEAN ngày nay gắn với những tinh thần hòa bình, hữu nghị, đoàn kết trong đa dạng.

Giáo sư Amitav Acharya, một chuyên gia hàng đầu về ASEAN, nhận xét tại Diễn đàn Tương lai ASEAN: "ASEAN là một trung tâm của thích ứng và đổi mới, và không quốc gia nào đại diện tốt hơn Việt Nam. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu ASEAN từ những năm 1980, khi đó không ai có thể tưởng tượng sẽ đến một ngày Việt Nam là điểm hội tụ, tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN ở Hà Nội?". Nhận xét này phản ánh quá trình chuyển đổi đáng kể không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn bộ ASEAN từ một khu vực đối đầu, chia rẽ thành một cộng đồng đoàn kết, thống nhất trong đa dạng.

Chính những giá trị chung mà các thành viên cùng vun đắp đã giúp ASEAN trở thành một đối tác ôn hòa, đáng tin cậy trong mắt tất cả các đối tác. Trong thông điệp video gửi tới Diễn đàn Tương lai ASEAN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng chia sẻ: "Chúng ta có thể ở hai góc khác nhau của hành tinh, nhưng châu Âu và Đông Nam Á có rất nhiều điểm chung... Chúng ta đều tin vào thương mại mở và công bằng và sức mạnh của quan hệ đối tác để mang lại hòa bình và thịnh vượng. Bất chấp khoảng cách địa lý, sự hợp tác của chúng ta ngày nay gần gũi hơn bao giờ hết".

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 27 chụp ảnh chung. (Nguồn: TTXVN)

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 27 chụp ảnh chung. (Nguồn: TTXVN)

Mạng lưới cấu trúc với ASEAN là trung tâm

Một trong những thành tựu lớn nhất của ASEAN là xây dựng được một mạng lưới các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm. ASEAN đã có sẵn những không gian làm việc chung “co-working space” để mời các nước đến cùng ngồi trao đổi, hóa giải những bất đồng.

Các diễn đàn như ARF, EAS, ASEAN+3, và Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), các Thỏa thuận về hữu nghị và hợp tác (TAC) đều do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, tạo nên một kiến trúc khu vực đa tầng nấc, đa lĩnh vực. Kiến trúc này giúp ASEAN duy trì vị thế trung tâm trong các vấn đề khu vực, đảm bảo tiếng nói của các quốc gia nhỏ hơn không bị lấn át bởi các cường quốc.

Khi căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc về tranh chấp Biển Hoa Đông vào năm 2012-2013, các cơ chế của ASEAN, như Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) được thành lập vào tháng 11/2012, đã cung cấp không gian thiết yếu cho các trao đổi giữa các bên khi các kênh song phương hầu như đã đóng băng.

Tương tự, trong các vấn đề Biển Đông, mặc dù ASEAN không thể giải quyết trực tiếp các tranh chấp lãnh thổ, nhưng các cơ chế đối thoại do tổ chức này dẫn dắt đã giúp duy trì hòa bình, ngăn chặn leo thang xung đột, và tạo môi trường thuận lợi cho các bên tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán. Tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, dù còn nhiều thách thức, vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận nhằm thiết lập các quy tắc ứng xử trên biển, góp phần duy trì ổn định khu vực.

Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) là một ví dụ điển hình về cách ASEAN định hình cuộc thảo luận khu vực. Khác với các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của các nước có tính phiến diện, mang những hàm ý cạnh tranh lẫn nhau, Tầm nhìn của ASEAN nhấn mạnh hợp tác toàn diện và bao trùm trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội và chính trị-an ninh.

Cách tiếp cận này đã được các đối tác đối thoại bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc ở một mức độ nào đó chấp nhận, cho thấy khả năng của ASEAN trong việc định hình một tầm nhìn chung cho khu vực mặc dù ASEAN không phải là một chủ thể như các cường quốc top hàng đầu thế giới. Trong thông điệp gửi Diễn đàn Tương lai ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh cũng khẳng định: "Vương quốc Anh ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

AOIP cũng thể hiện tư duy "chiến lược tầm trung" (middlepowership) trong việc định hình môi trường bên ngoài thay vì chỉ bị định hình bởi nó. Đây là loại hình ngoại giao kiến tạo nhấn mạnh giá trị độc đáo của ASEAN trong thời đại bất ổn và nghi kỵ.

Ý thức rõ được điều này, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore đã nhấn mạnh: "chúng ta phải tiếp tục duy trì kiến trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khuôn khổ này thúc đẩy hợp tác và cộng tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt với sự tham gia ngày càng tăng của tất cả các cường quốc lớn".

ASEAN vượt thách thức, hướng tới tương lai

Mặc dù ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể, ASEAN vẫn đối diện với những thách thức to lớn trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và khó lường. Để duy trì và củng cố vai trò chủ thể tầm trung ôn hòa, tổ chức khu vực này buộc phải vượt qua những hạn chế nội tại và thích ứng linh hoạt trước một môi trường quốc tế biến động không ngừng.

Những hạn chế cố hữu trong cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành đang đặt ra thử thách không nhỏ cho ASEAN.

Mặc dù ASEAN luôn coi trọng quy trình ra quyết định dựa trên đồng thuận, điều này thường khiến tổ chức phản ứng chậm trước các tình huống cấp bách. Điều này bộc lộ rõ qua việc ASEAN mất nhiều thời gian để đạt được đồng thuận trong cách tiếp cận vấn đề Myanmar.

Tương tự, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ - một trong những trụ cột của "bản sắc ASEAN" - cũng đôi khi hạn chế khả năng giải quyết triệt để các cuộc khủng hoảng khu vực. Những thách thức này đòi hỏi ASEAN cần tính tới những cách thức linh hoạt, sáng tạo hơn trong quy trình ra quyết định.

Mặc dù ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể, ASEAN vẫn đối diện với những thách thức to lớn trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và khó lường. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể, ASEAN vẫn đối diện với những thách thức to lớn trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và khó lường. (Nguồn: TTXVN)

Có thể thấy ASEAN có sức hấp dẫn nội tại từ vị thế địa lý, sức mạnh kinh tế, và từ những giá trị chung. Nhưng ASEAN cần nỗ lực rất nhiều để giữ được ngọn cờ ASEAN là trung tâm trong một thế giới đang phân mảnh. ASEAN cần ưu tiên củng cố mạnh mẽ sự đoàn kết nội khối thông qua việc cân bằng hài hòa giữa lợi ích quốc gia của từng thành viên và lợi ích chung của cả khu vực.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, sự đoàn kết này trở thành yếu tố sống còn giúp ASEAN duy trì tiếng nói độc lập và tránh bị cuốn vào các cuộc cạnh tranh không mong muốn.

Song song đó, việc phát triển các cơ chế giải quyết tranh chấp nội khối hiệu quả sẽ góp phần tăng cường lòng tin giữa các thành viên và nâng cao năng lực xử lý các vấn đề khu vực từ sớm, trước khi chúng trở nên phức tạp.

Điều này được thể hiện rõ trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn AFF: “Củng cố một ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Một ASEAN tự chủ chiến lược là một ASEAN đồng thuận và đoàn kết, đồng thời cân bằng, linh hoạt trong mọi quan hệ đối ngoại; đóng vai trò tích cực trong định hình trật tự khu vực và đoàn kết, hợp tác quốc tế trong bối cảnh hiện nay”.

Tựu trung lại, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, ASEAN vẫn duy trì vị thế độc đáo của một "chủ thể tầm trung ôn hòa" trong trật tự thế giới đang phân mảnh. Kết hợp với vị trí địa chiến lược quan trọng, những giá trị chung về hòa bình và hợp tác, cùng mạng lưới các cơ chế đối thoại đa dạng, ASEAN vẫn có sức hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế và là tác nhân kiến tạo và duy trì hòa bình trong khu vực.

Chính vị thế không quá lớn, không quá nhỏ của ASEAN - đủ quan trọng để được lắng nghe nhưng đủ ôn hòa để không kích động sự bất an, nghi kỵ - là lợi thế đặc biệt mà tổ chức này cần tiếp tục phát huy trong bối cảnh hiện nay.

NCS. Từ Anh Tuấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tri-rieng-cua-asean-trong-mot-the-gioi-bat-an-va-bat-dinh-315437.html