Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49%
Trong 11 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49% so cùng kỳ, đạt 94,3% kế hoạch năm với hơn 51.343 tỷ đồng.
Trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo trên 49.316 tỷ đồng, tăng 16,33%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng cao so cùng kỳ năm 2023 như: Mực đông tăng 27,89%, giày da tăng 24,97%, khai thác đá tăng 21,34%, cá hộp tăng 17,61%, bột cá tăng 13,64%, điện thương phẩm tăng 11,97%, quần áo may sẵn tăng 11,66%.
Ở chiều ngược lại, do khó khăn về thị trường tiêu thụ nên một số sản phẩm có sản lượng giảm so cùng kỳ như: Xi măng giảm 13,24%, clinker giảm 12,32%, bao bì giảm 12,01%, gạch các loại giảm 4,72%…
Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt hơn 869 triệu USD, đạt 94,51% kế hoạch năm, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, gạo 234,09 triệu USD, hàng rau quả 1,83 triệu USD, hải sản 209,20 triệu USD, giày da 243,21 triệu USD và hàng khác 181,12 triệu USD.
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh cho hay, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 11 tháng qua của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao và vượt so với cùng kỳ năm 2023. Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nên ngành công nghiệp có những chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực chế biến - chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn, chiếm hơn 96% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Ngành chức năng tỉnh cùng với các địa phương tháo gỡ vướng mắc, xử lý kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Cùng đó, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động và có những giải pháp, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, triển khai kịp thời các hợp đồng với nhiều khách hàng. Mặt khác, tình hình đơn hàng của một số nhóm ngành trong chiều hướng tăng nhờ sự phục hồi của thị trường thế giới.
Các doanh nghiệp duy trì được khách hàng truyền thống và tăng cường tìm kiếm thị trường mới, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu. Ngành chức năng thông tin cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, cung cấp thông tin cảnh báo và thông báo của các nước WTO liên quan đến sản phẩm nông sản; thông tin thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương Kiên Giang, tỉnh có gần 50 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa qua hơn 50 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với các mặt hàng chủ lực như: Gạo, thủy hải sản, giày da…
Tháng cuối năm, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của doanh nghiệp, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hoàn thành đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch năm 2024. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh giúp doanh nghiệp ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tạo đà cho phát triển sản xuất công nghiệp, xuất khẩu năm 2025 khởi sắc hơn.
Mặt khác, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và xử lý những vướng mắc về đầu tư để mời gọi, thu hút đầu tư. Đến nay, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 28 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 8.337 tỷ đồng; trong đó, có 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 13.780 lao động.
Ngành chức năng tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả chính sách ưu đãi thuế quan từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; thông tin các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật (SPS), cập nhật danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp... của các nước đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thị trường cuối năm có nhu cầu hàng hóa lớn để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.