Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% và là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm 2011-2020.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2011-2020 lần lượt là: 13,37%; 8,96%; 5,61%; 6,61%; 10,0%; 10,50%; 10,52%; 12,87%; 11,18%; 4,96%.

Mức tăng trong năm 2019, quý I tăng 5,1% và quý II tăng 0,74%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,20%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,4% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%) làm giảm 0,35 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) 6 tháng đầu năm tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng giảm 0,71% (sản phẩm là tư liệu sản xuất giảm 0,79% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 3,27%).

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) trao đổi tại Họp báo. Ảnh:VGP.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) trao đổi tại Họp báo. Ảnh:VGP.

Đại diện Tổng cục Thống kê phân tích, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 16,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 8,8%...

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,9%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 15%; khai thác quặng kim loại tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô giảm 26,6%; đường kính giảm 23,7%; bia giảm 17,4%; dầu thô khai thác giảm 13,9%...

Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng cao như linh kiện điện thoại tăng 27,5%; xăng, dầu các loại tăng 20,9%; thép thanh, thép góc tăng 12,8%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2020 tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2020 tăng 26,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 16,1%).

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, Việt Nam thuộc nhóm ít quốc gia trên thế giới sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Triển vọng đến cuối năm, nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến tích cực hơn thì các ngành công nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phục hồi đà tăng trưởng.

“Đặc biệt, việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, thì sẽ kích cầu xã hội, tăng việc làm kích thích các ngành công nghiệp và xây dựng phát triển”, ông Phạm Đình Thúy dự báo.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/gia-tri-tang-them-nganh-cong-nghiep-tang-271/399308.vgp