Giá trị thiết bị sản xuất chip nhập từ Hà Lan vào Trung Quốc tăng 10 lần

Trung Quốc đã nhập khẩu 16 máy in thạch bản của Hà Lan trị giá 762,7 triệu USD vào tháng trước, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh: SCMP

Ảnh: SCMP

Giá trị nhập khẩu các máy in thạch bản sản xuất chip quan trọng từ Hà Lan đã tăng 1.050% trong tháng 11, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu một số lượng lớn thiết bị tiên tiến bất chấp các hạn chế ngày một nghiêm ngặt của Mỹ.

Trung Quốc đã nhập khẩu 16 máy in thạch bản của Hà Lan trị giá 762,7 triệu USD vào tháng trước, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó vào tháng 10, con số này là 21 máy in thạch bản trị giá 672,5 triệu USD. Mức chênh lệch giá trung bình 46% trên mỗi đơn vị cho thấy các công ty Trung Quốc đang tiếp tục có được những hệ thống in thạch bản tiên tiến hơn ngay cả khi Washington cố gắng ngăn cản những nỗ lực đó.

Hà Lan là nước xuất khẩu máy in thạch bản lớn nhất, được sử dụng để sản xuất các con chip tiên tiến nhất thế giới, hầu hết đều đến từ một công ty, ASML.

Tổng cộng, Trung Quốc đã nhập khẩu 42 máy in thạch bản trong tháng 11 với giá 816,8 triệu USD. Hà Lan và Nhật Bản chiếm gần như toàn bộ số tiền Trung Quốc chi cho số hàng nhập khẩu đó vào tháng trước.

Máy in thạch bản là hệ thống phức tạp, quan trọng nhất trong số 10 loại thiết bị cần thiết trong quá trình chế tạo chip. Trung Quốc được coi là đi sau nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ này và phần lớn đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách với các công ty hàng đầu mặc dù có sự đầu tư lớn của chính phủ.

Theo dữ liệu do CanSemi trình bày tại một diễn đàn công nghiệp ở Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh đã dành nhiều năm để thúc đẩy chương trình nghị sự về tự chủ công nghệ, chưa đến 5% hệ thống in thạch bản được sử dụng trong các nhà máy Trung Quốc được sản xuất ở quốc gia này tính đến năm 2021.

Nhật Bản và Hà Lan đã triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của riêng họ, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng sang Trung Quốc, sau khi cả hai đồng ý vào tháng 1 với yêu cầu của Hoa Kỳ. Nhập khẩu tăng vọt trong hai tháng liên tiếp diễn ra sau khi Bộ thương mại Mỹ mở rộng quy định kiểm soát xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc vào tháng 10.

Từ tháng 1, theo yêu cầu của Mỹ, một số nước đã triển khai biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tới Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng giá trị đơn hàng tăng bất thường vào tháng 11 do đây là các đơn hàng tồn đọng và được vội vã vận chuyển nhằm tránh các quy định mới của Mỹ. Thực tế, quá trình giao hàng tốn khoảng 18 tháng, nên nhiều thiết bị xuất xưởng vào tháng 11 nhưng thực tế đã hoàn tất giấy phép từ cuối 2022 hoặc đầu 2023.

Trung Quốc cũng được cho là nhập khẩu lượng lớn hệ thống in thạch bản DUV. Theo Bloomberg, mẫu Twinscan NXT:2000i sử dụng công nghệ quang khắc cực tím (EUV) dùng cho các tiến trình 7 nm và 5 nm, nên không được bán sang quốc gia tỉ dân trừ khi có giấy phép. Do đó, Trung Quốc phải nhập các mẫu như Twinscan NXT:1980i hay Twinscan NXT:1980Di, dùng công nghệ in thạch bản nhúng (DUV) cũ hơn như giải pháp thay thế.

Các nhà phân tích có quan điểm trái chiều về cách giải thích sự gia tăng nhập khẩu trong tháng trước. Một số người cho biết sự tăng đột biến có thể là kết quả của các chuyến hàng được gửi vội vã trước khi các hạn chế có hiệu lực.

“Hầu hết các nhà máy Trung Quốc vẫn có thể mua [hệ thống] DUV từ ASML", Dylan Patel, nhà phân tích trưởng của công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis có trụ sở tại San Francisco, cho biết. Ngay cả Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế [SMIC] - công ty chiến lược của Trung Quốc, cũng có thể mua hệ thống công nghệ này.

Mặc dù doanh thu giảm 15% trong quý tháng 9, SMIC – gần đây đã khiến cả thế giới ngạc nhiên với con chip 7nm được trang bị trong điện thoại thông minh Mate 60 Pro hàng đầu mới nhất của Huawei Technology. SMIC đã tăng ngân sách năm 2023 lên 7,5 tỉ USD, cao hơn 18% so với mức chi tiêu 6,35 tỉ USD của công ty vào năm ngoái.

Jan-Peter Kleinhans, giám đốc công nghệ và địa chính trị tại Stiftung Neue Verantwortung, cho biết: “Bạn sẽ không thấy doanh số bán hàng giảm ngay lập tức vì thiết bị được vận chuyển vào tháng 11 năm 2023 đã nhận được giấy phép, rất có thể là vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023”.

Kleinhans cho biết ASML có thời gian giao hàng khoảng 18 tháng vào giữa năm 2023, có nghĩa là thiết bị xuất xưởng trong quý 4 năm 2023 sẽ được đặt hàng vào quý 2 hoặc quý 3 năm 2022, và ASML sẽ xin giấy phép xuất khẩu sau đó.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gia-tri-thiet-bi-san-xuat-chip-nhap-tu-ha-lan-vao-trung-quoc-tang-10-lan-post172467.html