Giã từ 2023

Năm 2023 sắp qua, chỉ còn hơn ngày nữa. Một năm đầy biến động với biết bao sự kiện, sự cố trên thế giới này. Vui cũng không ít nhưng buồn và ghê sợ thì nhiều.

- Trước hết là sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ trên nhiều lĩnh vực, vừa tích cực, vừa tiêu cực và nguy hiểm. Loài người đã tìm ra các liệu pháp và hy vọng cho tăng tuổi thọ, chữa được ung thư, các bệnh nan y, hiểm nghèo, và nâng cao tuổi thọ con người. Trí tuệ nhân tạo phát triển chưa từng thấy đang thay thế con người cả về thể xác lẫn trí tuệ, thậm chí tâm hồn.

Các ChatGPT, Chatbot, AI, người máy làm được đủ thứ như con người. Nhưng cũng bắt đầu loài người bị đe dọa bởi sự tấn công của người máy, thậm chí cả trong hoạt động tranh cử bầu cử tổng thống, nghị viện. AI làm được tất cả!? Nếu không có giải pháp sớm nhân loại sẽ về đâu?

Năng lượng tái tạo đã từng bước thay một số lĩnh vực. Nhưng liệu loài người có sớm bỏ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050 không? Câu hỏi không phải của các nguyên thủ quốc gia mà là các nhà tài phiệt, nhà khoa học.

Bao cuộc cách mạng trong khoa học, trong dịch vụ kinh doanh… làm ra biết bao sản phẩm mới. Người ta không chỉ bay vào vũ trụ tìm kiếm cơ hội khám phá sao Hỏa, Mặt trăng và các hành tinh có thể có sự sống, mà đã thành công với nhiều thí nghiệm tạo vật chất, cây trồng trong vũ trụ, trên sao Hỏa, Mặt trăng. UFO xuất hiện nhiều nơi với mật độ dày đặc hơn và có dấu hiệu không bình thường… đặt ra trách nhiệm cho các chính phủ Mỹ, Nga, Trung Quốc và các cường quốc vũ trụ… Các công nghệ về vận tốc chuyển động đang dấy lên thành cao trào. Tên lửa, máy bay, tàu hỏa… siêu tốc, phản hấp dẫn, đường sắt chân không… đã hình thành, khiến vừa mừng vừa lo.

Nước là nguồn năng lượng mới với công nghệ HHO, hydrate, hydro hóa lỏng. Khoa học công nghệ lượng tử lên ngôi trong nhiều lĩnh vực: năng lượng, môi trường, tâm linh… Khi mà UAV - máy bay không người lái hiện đại đa năng, khi mà tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân đua nhau ra đời thì tác dụng của nó làm thay đổi hết chiến lược, chiến thuật trong chiến tranh. Kinh khủng lắm!

Nói chung thì trí tuệ con người siêu đẳng đã chinh phục thiên nhiên và cũng dùng để "giết nhau" ngày càng kinh khủng hơn thời nhà bác học Nobel tìm ra thuốc nổ.

- Hai là các xung đột vũ trang… với sự ác liệt có nhiều nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3 và chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Hơn 670 ngày kể từ khi Nga mở cuộc tấn công Ukraine với tên gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Hàng trăm ngàn người chết (theo Bộ Quốc phòng Nga công bố, chỉ riêng Ukraine đã chết trên dưới 500.000 người; theo truyền thông phương Tây thì phía Nga cũng mất trên dưới 160.000 người). Thành phố, làng mạc, hạ tầng kỹ thuật tan hoang. Kinh tế Ukraine suy thoái, gần 8 triệu dân di tản khắp châu Âu. Hơn 100 tỉ USD từ Mỹ, EU, NATO đổ vào cuộc chiến để giúp Ukraine…

Nhưng dường như các lệnh trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử của Mỹ và phương Tây lên Nga không có tác dụng lớn. Nga đang ít nhiều giữ được lợi thế cả trên chiến trường, kinh tế, ngoại giao và vị thế cường quốc quân sự, kinh tế. Thế giới đã phân cực mạnh mẽ. Liệu Nga có đứng vững, phát triển khi mấy chục quốc gia bao vây cấm vận? Nga cũng thêm nhiều đối tác lớn lâu dài ở Âu, Á, Phi, Trung Đông, và cả Mỹ Latinh. Rốt cuộc cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, xung đột Nga - Mỹ và NATO sẽ đi đến đâu? Hãy chờ thời gian sẽ rõ.

Cuộc chiến tàn khốc nhất ở Trung Đông bắt đầu từ việc nhóm Hamas chủ động tấn công Israel tối 7.10. Và sự trả thù khủng khiếp của Israel hơn 2 tháng qua vẫn chưa có hồi kết. Không còn lời nào để diễn tả sự tàn khốc khi hai bên dùng tất cả vũ khí, lực lượng trên cả thực địa Dải Gaza lẫn trên bàn hội nghị LHQ, các diễn đàn châu Âu, Mỹ... Gaza thành mồ chôn gần 20.000 người Palestine, trong đó nhiều phụ nữ và trẻ em. Thành phố tan nát hoang tàn. Nạn đói, thiếu bệnh viện thiếu thuốc men… và nhân quyền, nhân đạo bị chà đạp. Không có giải pháp nào lúc này khi hai bên không ngồi lại. Mỹ và EU vẫn chưa tỏ thái độ hòa bình trong giải quyết xung đột và chiến tranh, ngược lại còn viện trợ vũ khí, khí tài cho Israel. Có lẽ giải pháp lâu dài vẫn là 2 nhà nước Palestine và Do Thái cùng tồn tại. Thế giới phải đa cực!

Cuộc nội chiến Myanmar giữa quân nổi dậy và chính phủ quân sự vẫn đang là vấn đề phát sinh do lịch sử, tôn giáo, sắc tộc và bàn tay bọc nhung của nước ngoài, đang tiến tới bờ phân rẽ chia cắt đất nước theo đạo Phật này. Nền quân chủ chuyên chính cứ đảo chính nắm quyền và hành xử theo phong cách lính tráng thì khó cho sự phát triển và bình yên. Dân vẫn khổ!

- Ba là thế giới chưa bao giờ chia rẽ như năm 2023. Các sai lầm của Mỹ do đảng Dân chủ cầm quyền chọn “đối tác, đối tượng” sai cơ bản, đã làm cho Nga mạnh lên. Trung Quốc vươn lên đang uy hiếp vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Nhưng tai hại hơn là làm cho hai kình địch là Nga, Trung xích lại gần nhau chưa từng có trong gần 100 năm qua. Nga, Trung chưa phải là đồng minh, liên minh đúng nghĩa nhưng trên các bình diện kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhất là cùng nhóm 5 nền kinh tế mới nổi BRICS thì cả hai đều là nước sáng lập và có vai trò lớn nhất của khối.

BRICS đang thách thức G7 do Mỹ đứng đầu về hầu hết các lĩnh vực. Nếu BRICS tạo ra đồng tiền riêng hay chủ yếu sử dụng nội tệ để thanh toán thương mại thì vị trí đồng USD sẽ lung lay. Sang năm 2024 Nga lại là chủ tịch luân phiên của khối. Châu Phi, Trung Đông, khu nam bán cầu và Mỹ Latinh đang thay đổi theo hướng độc lập bất phục tùng Mỹ và G7 cũng như NATO. Những cuộc đảo chính ở châu Phi hất cẳng các cường quốc đế quốc già mạnh ra khỏi lục địa đen là dấu hiệu báo động suy thoái toàn diện của các cường quốc lục địa già và cả Mỹ. Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico… đang trỗi dậy. Nga đã là nền kinh tế số 1 châu Âu và có thể soán ngôi Mỹ về quân sự, soán ngôi Nhật Bản để thành nền kinh tế thứ 3 thế giới.

Kinh tế Anh quốc suy thoái chưa từng thấy 42 năm qua. Pháp lúng túng bởi Niger, bởi biểu tình và khủng hoảng kinh tế. Nhật Bản tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, dân số già cỗi, gần 1.000 trường học đóng cửa vì không còn trẻ con đi học… Các nước châu Âu, nhất là trong liên minh chia rẽ. Nền kinh tế đầu tàu là Đức đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, bị khủng hoảng năng lượng và nhu yếu phẩm. Đầu tàu kinh tế lục địa già đã yếu, mệt mỏi do phải cắt nguồn cung dầu khí, nguyên liệu, nông sản từ Nga. Nhiều nước như Hungary, Serbia, Slovakia, Áo, Ba Lan, Phần Lan… phản ứng trước nhiều chính sách của liên minh, có nước manh nha theo Anh ra khỏi EU. Lục địa già đã già thật rồi!

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, nguy cơ xung đột vũ trang lớn là có thể lắm. Liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng như NATO bắt đầu hiện diện ở khu vực này. Triều Tiên tuyên bố mạnh chưa từng có về vũ khí và đe dọa sẵn sàng san phẳng đối phương. Hàn Quốc cũng đã có nhiều chính sách, tuyên bố và báo động, tập trận…

Trung Quốc quyết tâm tái thống nhất Đài Loan khi mà năm 2024 hòn đảo này tổ chức bầu cử. Hiện 3 ứng viên chính là ông Lại Thanh Đức của đảng Dân tiến (DPP), Hầu Hữu Nghi của Quốc dân đảng (KMT) và Kha Văn Triết của đảng Nhân dân (TPP). Khả năng khó cho bà Thái Anh Văn và đảng của bà khi mà Quốc dân đảng ngày càng xích lại gần đại lục. Mỹ đã cũng phải "xuống nước" với Trung Quốc về nhiều mặt, trong đó có vấn đề chủ quyền Đài Loan.

Các cuộc bầu cử năm 2023 diễn ra ở nhiều quốc gia cũng góp phần làm thay đổi cục diện thế giới, tuy không lớn. Tại Ba Lan, cựu lãnh đạo EU Donald Tusk lãnh đạo Liên minh công dân KO thắng cử. Tại Slovakia, cựu Thủ tướng của đảng Dân chủ xã hội Smer, ông Robert Fico thân Nga đã thắng lợi. Tại Argentina, ông Javier Milei phe cực hữu thắng cử đã tuyên bố Argentina rút ra khỏi BRICS. Tại Phần Lan, đảng Liên minh quốc gia trung hữu của ông Petteri Orpo thắng cử...

- Nhiều lắm lắm sự kiện, vấn đề toàn cầu. Nhưng sẽ bỏ sót nghiêm trọng nếu không nhắc tới thiên tai năm 2023. Thiên tai là tai họa do thiên nhiên gây ra nhưng cũng không ít nguyên nhân do hành động thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của con người. Chả thế mà những năm gần đây LHQ thường tổ chức diễn đàn toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Năm qua thiên tai bão, lũ lụt, động đất, cháy rừng… xảy ra khiến hàng chục ngàn người chết, thiệt hại hàng nhiều trăm tỉ USD. Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria làm hơn 50.000 người thiệt mạng, tổn hại khủng khiếp. Morocco cũng trải qua cuộc động đất kinh hoàng ngày 12.9 làm 2.800 người chết, nhiều người mất tích. Ngày 7.10, trên vùng rộng lớn Afghanistan cũng xảy ra động đất lớn 6,4 độ richter làm hơn 2.000 người chết và thiệt hại vật chất rất lớn với đất nước mới thoát khỏi 20 năm chiến tranh.

Từ ngày 29 - 31.7, siêu bão Haikui tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến gây thiệt hại nặng nề. Mưa lũ tại Bắc Kinh trên 744mm và tại tỉnh Hồ Bắc là 1.003mm cũng làm thiệt hại hơn 2 tỉ USD. Bão Otis tại Mexico từ 25 - 29.10 với vận tốc gió lên nhanh gấp đôi từ 113 km/giờ lên 257 km/giờ trong khoảng thời gian quá ngắn, làm hư hỏng nhiều nhà cửa, công trình; khiến 54 người chết và mất tích. Lũ lụt tại Libya ngày 16.9 làm 11.300 người chết.

Hàng nghìn đám cháy rừng tại Canada làm mất hàng trăm nghìn ha rừng, khiến 150.000 người phải sơ tán. Vùng Evros đông bắc Hy Lạp xảy ra vụ cháy rừng lớn chưa từng thấy khi 81.000ha rừng bị thiêu rụi, 20 người chết. Đây là vụ cháy rừng lớn nhất châu Âu những năm qua. Cháy rừng tại Mỹ cũng kinh khủng chưa từng có khi vụ hỏa hoạn trên diện rộng ở đảo Maui, bang Hawaii làm hơn 1.500 người mất tích, ít nhất 110 người chết tại thị trấn Lahaina, hàng trăm nghìn ha rừng bị thiêu rụi.

Nắng nóng ở khắp châu Âu và châu Á. Ít có thời kỳ nào nắng nóng như thế tại nhiều nước châu Âu như Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... khi nhiệt độ trên 40 độ C, có nơi lên 48 độ C. Châu Á cũng xuất hiện nắng nóng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Lào… Ngày 14.4, một số vùng Thái Lan có nhiệt độ lên tới 44,6 độ C và có lúc vượt ngưỡng 45 độ C. Tại thủ đô Bangkok ngày 18.4 có nơi nóng kinh hoàng, lên đến 52,3 độ C. Tại Lào, cố đô Luang Prabang ngày 18.4 cũng ở mức 42,7 độ C...

- Cuối cùng vẫn là cuộc bầu cử tổng thống ở các cường quốc năm 2024. Nga sẽ bầu tổng thống vào tháng 3.2024. Đảng của ông Putin vẫn thông qua tuyệt đối ủng hộ ông ta. Ngoài ra, số liệu của chính quyền cho thấy trên 70% dân chúng được thăm dò vẫn ủng hộ Putin làm ông chủ Điện Kremlin.

Tại Mỹ, các ứng cử viên của hai đảng đối lập Cộng hòa và Dân chủ đang vận động tranh cử. Lại vẫn bài cũ “xưa như trái đất” giữa một bên là đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Kịch tính và gay cấn đến phút 89. Ai thắng thì người đó sẽ quyết định vị thế của nước Mỹ và xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm của thế giới: NATO, Ukraine, Dải Gaza… Chờ khá sốt ruột.

Năm 2023 với Việt Nam là năm nhiều thành tựu và dấu ấn: ngoại giao, kinh tế. Chắc phải có cuộc mổ xẻ thận trọng và căn cơ.

Cuối năm ngồi tản mạn vài lời để chia tay năm 2023 đầy biến động, nhiều thách thức và triển vọng. Chia tay, chúng ta cùng tiễn năm Quý Mão 2023 và bình thản đón năm con Rồng - Giáp Thìn 2024.

Chúc mọi người cuộc sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

Nguyễn Văn Lạng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-tu-2023-212538.html