Giá vàng biến động: Chuyên gia khuyến nghị phát triển thị trường an toàn, bền vững

Tuần qua, giá vàng trong nước liên tục biến động tăng-giảm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC lên mức 81 triệu đồng/lượng, phá đỉnh cũ thiết lập cuối năm 2023.

Giá vàng tăng sốc, lập đỉnh cao kỷ lục

Bắt đầu tuần mới, giá vàng giảm về ngưỡng 78 triệu động/lượng. Tuy nhiên, giá kim loại quý này nhanh chóng đảo chiều và bắt đầu chuỗi ngày tăng, giảm đan xen. Trong sáng phiên cuối tuần 2/3, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào vàng miếng ở mức 78,4 triệu đồng và bán ra ở 80,9 triệu đồng một lượng. Mức này tăng lần lượt 600.000 đồng và 1,1 triệu đồng so với cuối ngày trước đó.

Chỉ khoảng một tiếng sau, giá vàng miếng lên 78,5-81 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa chiều mua và bán là 2,5 triệu đồng. Như vậy, giá vàng SJC ở mức cao nhất lịch sử. Kỷ lục 81 triệu đồng một lượng, đạp đổ mức đỉnh cũ 80 triệu đồng được ghi nhận vào ngày 26/12/2023.

Giá vàng trong nước liên tục có nhiều biến động mạnh trong những ngày gần đây.

Từ sau ngày vía Thần tài (19/2) đến nay, giá vàng có xu hướng nhảy vọt. Từ vùng giá 77,5 triệu đồng, vàng miếng SJC đã tăng 3,5 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau chưa đầy hai tuần.

Không chỉ vàng miếng thương hiệu, giá vàng nhẫn cũng liên tục lập đỉnh. Giá vàng nhẫn tròn trơn được SJC niêm yết ở mức 65,73-66,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước đó. Đây là mức giá cao nhất của giá vàng nhẫn trong nước từ trước đến nay.

Trong bối cảnh giá vàng nhẫn đang tăng nóng thì nhiều thương hiệu vàng lớn lại báo hết loại vàng này. Nhiều tiệm vàng ở TP Hồ Chí Minh đã không còn chiếc nhẫn tròn trơn nào, hoặc nếu còn thì số lượng rất ít.

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia nhận định: nhiều người xem vàng nhẫn là một kênh đầu tư sinh lời. Ngay từ những ngày gần Tết Nguyên đán, không ít khách hàng đã tăng mua vàng nhẫn để kiếm lời. Sức mua tăng khiến số lượng vàng nhẫn tại các cửa hàng hiện không còn nhiều, thậm chí rơi vào tình trạng cháy hàng.

Chuyên gia Trần Duy Phương cho biết, một diễn biến đáng chú ý trên thị trường những ngày gần đây là: dù giá vàng tăng nhưng thay vì đi bán như trước đây thì người dân lại đi mua vàng. "Cứ 10 người thì có đến 8 người mua, chỉ 2 người đi bán vàng. “Lãi suất huy động đã giảm hơn một nửa so với một năm trước, do vậy những người có tiền nhàn rỗi gửi kỳ hạn một năm nay đáo hạn đã chuyển qua mua vàng hoặc mua vàng một phần thay vì dồn hết gửi tiết kiệm như trước”- chuyên gia này phân tích.

Dù rằng vàng nhẫn trên thị trường không thuộc hàng độc quyền, thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu nhưng giá ngày càng đắt đỏ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng cho hay, nguyên nhân chính đến từ giá nguyên liệu trong nước tăng lên. Thêm vào đó, nguồn cung chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Nhu cầu sản xuất vàng nữ trang mỗi năm qua cần khoảng 20 - 30 tấn. Nhưng từ hơn 10 năm trở lại đây, NHNN chưa cho phép đơn vị nào nhập vàng nguyên liệu nên các doanh nghiệp chỉ có thể mua vàng trôi nổi trên thị trường. Nay các doanh nghiệp cũng lo ngại rủi ro pháp lý khi các vụ bắt vàng lậu càng nhiều nên thận trọng hơn khi mua vàng nguyên liệu.

Bỏ độc quyền, tăng nguồn cung để rút ngắn khoảng cách

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 4,4 triệu đồng/lượng (+5,2%) và giá vàng nhẫn tăng 2,9 triệu đồng/lượng (+4,3%). Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng tăng lên do sức cầu tăng vọt. Kết thúc tuần ở mức 2.082,73 USD/ounce, tăng 1,9%, nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và các thị trường mới nổi.

Quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch giữa giá vàng thế giới và SJC trong nước vào khoảng 17,95 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn gần 4 triệu đồng/lượng.

Dự báo giá vàng thế giới, Chủ tịch của GoldSeek Peter Spina cho biết, nhu cầu mua vàng khiến cho giá có thể tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, kim loại quý này vẫn sẽ mắc kẹt trong phạm vi hiện tại cho đến khi thị trường biết chắc về thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Dự báo về giá vàng miếng trong nước, các chuyên gia đưa ra hai kịch bản, tùy thuộc vào can thiệp chính sách từ phía cơ quan quản lý.

Nếu NHNN chưa có chính sách can thiệp thị trường vàng, giá vàng được dự báo còn dư địa tăng trước kỳ vọng về việc USD yếu đi khi Fed cắt giảm lãi suất.

Trong kịch bản NHNN quyết định tăng nguồn cung vàng miếng, giá sẽ đảo chiều giảm tùy thuộc vào liều lượng cung ra thị trường. Hoặc, việc ngưng độc quyền vàng miếng SJC nếu có, cũng sẽ khiến giá loại vàng này giảm mạnh, tuy nhiên đây là bài toán khó với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế cũng như ưu tiên kiểm soát và ổn định tỷ giá.

Được biết, NHNN đã có tờ trình đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Đồng thời, NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; thống nhất với Bộ Công an các giải pháp quản lý thị trường vàng trong Quý I/2024 và sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay và sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Sau khi tăng vọt lên ngưỡng 81 triệu đồng, về cuối phiên cuối tuần, giá vàng SJC giảm nhiệt về 77,8 triệu đồng/lương (mua vào)- 80,33 triệu đồng/lượng (bán ra), xuống dưới ngưỡng 81 triệu đồng. Tuy nhiên, mức chênh lệch mua bán vàng lên mức 2,5 triệu đồng/lượng khiến người mua đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.

Nếu NHNN xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, các loại vàng miếng thương hiệu khác được cung ra thị trường khiến nguồn cung dồi dào, mức chênh với giá thế giới có thể về 1-2 triệu đồng/lượng; NHNN cũng nên xem xét phương án nhập khẩu và tái khởi động sản xuất vàng miếng nhằm tăng cung ra thị trường, giảm khoảng cách chênh lệch giá. Nếu nhập khẩu vàng có kiểm soát thì không ảnh hưởng quá nhiều đều dự trữ ngoại hối quốc gia.(Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng)

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-vang-bien-dong-chuyen-gia-khuyen-nghi-phat-trien-thi-truong-an-toan-ben-vung.html