Giá vàng biến động dữ dội; Tỷ giá dịu lại; Nỗ lực xử lý sở hữu chéo

Giá vàng vừa chinh phục kỷ lục mới, vẫn còn nhiều kênh rửa tiền lọt lưới, nhận diện sở hữu chéo, tỷ giá dịu đi kéo theo dư địa mở rộng chính sách tiền tệ... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Nhận diện và ngăn tuồn vốn vào sân sau

Các chuyên gia đề nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhận diện, làm rõ bức tranh thực trạng các ông chủ ngân hàng rót vốn vào sân sau, để từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội bất thường có thể diễn ra vào tháng 1/2024. Một nội dung quan trọng được Dự thảo đề cập là quy định nhằm ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng. Đây cũng là vấn đề nhức nhối của hệ thống ngân hàng nước ta hàng chục năm qua.

“Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cả cuộc đời và chưa thấy cuộc khủng hoảng nào xảy ra với lĩnh vực ngân hàng mà không xuất phát từ nguyên nhân này”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Sự cố SCB diễn ra tháng 10/2022 là minh chứng cho mức độ nguy hiểm của sở hữu chéo ngân hàng. Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua 27 pháp nhân và cá nhân đã sở hữu tới hơn 91,5% vốn điều lệ SCB (trên sổ sách chỉ đứng tên gần 5% vốn). Với việc nắm giữ cổ phần chi phối, bà Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính để rút tiền. Trong thời gian từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 677.286 tỷ đồng, đều là nợ có khả năng mất vốn.

Tình trạng cho vay sân sau khá phổ biến ở hệ thống ngân hàng nước ta không chỉ tại SCB. PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần thanh tra làm rõ tình hình cho vay nội bộ, cho vay sân sau của các ông chủ ngân hàng hiện nay.

NHNN cho hay, năm 2023, cơ quan này tập trung vào thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của tổ chức tín dụng).

Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc phát hiện sở hữu chéo không đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo mà thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Trong khi đó, việc giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng cũng như giảm tỷ lệ cấp tín dụng mà Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đưa ra khó trở thành vũ khí hữu hiệu chống sở hữu chéo.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, bà Phạm Thị Thúy Vân và ông Nguyễn Viết Trung (luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam) đều cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu trực tiếp như Dự thảo không có nhiều ý nghĩa trong chống sở hữu chéo. Vấn đề cốt lõi là làm sao kiểm soát được trường hợp một cổ đông gián tiếp sở hữu một tổ chức tín dụng thông qua một doanh nghiệp mà cổ đông đó có quyền chi phối, hoặc một cá nhân có quyền chi phối ở một tổ chức khác. Do vậy, thay vì phương án giảm tỷ lệ sở hữu, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung quy định về chi phối nhằm đánh giá toàn diện tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, gồm cả cơ sở để tính tỷ lệ sở hữu gián tiếp của cổ đông.

Phát biểu tại một hội thảo mới đây về tín dụng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Các ngân hàng phải chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, Dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn. Cùng đó, cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng".

Tuy vậy, chống sở hữu chéo, nhất là sở hữu gián tiếp, vẫn là bài toán khó với NHNN. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, vấn đề lớn nhất trong sở hữu ngân hàng hiện nay là “đầu tư núp bóng”. Đây là nguyên nhân khiến sở hữu chéo khó nhận diện. Vì vậy, quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng không quan trọng bằng việc phải công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu thực của các ông chủ nhà băng và cần có giải pháp xử phạt mạnh tay.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải giám sát được hệ sinh thái của các ngân hàng. Vấn đề này không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều bên vào cuộc.

Tất nhiên, mấu chốt của mọi vấn đề vẫn là phải tăng cường năng lực quản trị của các ngân hàng. Các chuyên gia kiến nghị, hệ thống ngân hàng cần tiến tới áp dụng chuẩn mực quản trị doanh nghiệp của OECD hoặc Ngân hàng Thanh toán quốc tế để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo. Đồng thời, tăng trách nhiệm với thành viên hội đồng quản trị của các ngân hàng. Bên cạnh đó, thường xuyên luân chuyển cán bộ để sớm phát hiện sai sót…

Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Thúy Vân, vai trò của NHNN là đặc biệt quan trọng trong việc ban hành các biện pháp cần thiết để giám sát, kiểm soát và hạn chế hành vi lợi dụng quyền chi phối, hoặc việc sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân có liên quan đến nhau nhằm thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Nhiều kênh rửa tiền vẫn lọt lưới

Hàng chục vụ việc rửa tiền được khởi tố thời gian qua chưa phản ánh hết thực trạng rửa tiền ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức rửa tiền cũng muôn hình vạn trạng, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng.

ThS. Nguyễn Thị Hải Bình, quyền Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, trong gần 15 năm qua, tính đến tháng 6/2023, Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) đã tiếp nhận khoảng 19.400 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các đối tượng báo cáo, trong đó đã xử lý xong 16.500 báo cáo, chuyển giao thông tin cho cơ quan chức năng gần 8.694 báo cáo liên quan đến 1.262 vụ việc.

Trên cơ sở thông tin mà Cục Phòng chống rửa tiền đã chuyển giao, đã có hàng trăm vụ việc được các cơ quan chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra, trong đó có 21 vụ việc có quyết định khởi tố; 15 vụ việc được truy thu thuế với tổng số tiền truy thu được trên 257 tỷ đồng; 159 vụ việc có văn bản đề nghị cung cấp bổ sung thông tin…

“Rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam đang là một thách thức, đặc biệt khi những hành vi giao dịch không minh bạch và tinh vi ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp”, bà Bình cho biết.

Đánh giá theo lĩnh vực, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và kênh chuyển tiền phi chính thức tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao. Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Theo đó, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Lĩnh vực bất động sản được đánh giá có nguy cơ rửa tiền cao ở Việt Nam là do các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Tuy vậy, ngoài điểm nóng là ngân hàng, bất động sản, nguy cơ rửa tiền cũng được ghi nhận ở nhiều hình thức khác, như chuyển và thu đổi ngoại tệ; buôn bán động vật hoang dã; thông qua tiền di động; ví điện tử; tiền ảo; hoạt động đầu tư tài chính vi mô; các quỹ phi chính phủ…

Luật Phòng chống rửa tiền số 14/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn đã thiết lập khung khổ pháp lý cho phòng ngừa, kiểm soát, nhận dạng và xử lý nhanh chóng các hoạt động rửa tiền.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hoạt động kinh tế phát triển, kèm theo sự ra đời của nhiều sản phẩm công nghệ tinh vi trên nền tảng công nghệ số, khung khổ pháp lý chưa kịp điều chỉnh đã dẫn tới hoạt động phòng chống rửa tiền trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Cụ thể, hiện nay, Luật Phòng chống rửa tiền tập trung chủ yếu vào phòng, chống rửa tiền thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, rửa tiền có thể được thực hiện thông qua rất nhiều kênh khác nhau, như nhà hàng, khách sạn, bất động sản, chứng khoán. Và với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nền kinh tế số cũng là một kênh rửa tiền khó nắm bắt.

Bên cạnh đó, pháp luật về phòng chống rửa tiền của Việt Nam vẫn chưa quy định cụ thể về các loại tiền ảo, tài sản ảo, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Ngoài sự phát triển của các công nghệ mới, điện toán đám mây, kinh tế số, ứng dụng số…, yếu tố dịch bệnh cũng góp phần làm thay đổi thói quen sống và hành vi đầu tư, tiêu dùng.

Chưa kể, các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng với tốc độ nhanh, độ chính xác cao và tính tiện lợi đã góp phần thúc đẩy và chuyển dần khỏi lối mòn sang các hoạt động tiền ảo, ngân hàng số, sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng cùng với đó, các tội phạm nguồn của rửa tiền cũng có sự biến chuyển, trở nên tinh vi và phức tạp hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, chuyển đổi số cũng khiến nhiều loại hình tội phạm tài chính mới xuất hiện, dẫn đến nguy cơ các tổ chức tín dụng bị lợi dụng. Chẳng hạn, tội phạm có thể lợi dụng tính năng của tài khoản ngân hàng để phục vụ hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến nhằm rửa tiền, thu lợi bất chính; lợi dụng tài khoản ngân hàng thực hiện hành vi trốn thuế; sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng khác; lợi dụng các tiện ích chuyển tiền quốc tế để chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền.

Để khắc phục các hạn chế trên, theo bà Lê Thu Hà (Học viện Tài chính), cần mở rộng khung khổ pháp lý, các đối tượng liên quan đến các dịch vụ tài chính. Theo đó, cả truyền thống như các ngân hàng, hay phi truyền thống như các công ty công nghệ cung ứng dịch vụ fintech mà tiền di động cũng nằm trong số đó, đều cần phải là đối tượng điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Đồng thời, phải tăng cường chia sẻ thông tin giữa Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật, cũng như các cơ quan chủ quản của các tổ chức mà có giao dịch tài chính thường xuyên. Điều này cũng nằm trong các khuyến nghị của Tổ chức Hành động tài chính đặc biệt (FATF) nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cần được chuyển dần từ giám sát tuân thủ sang phòng ngừa theo các rủi ro với việc xây dựng bộ các chỉ báo đỏ.

Cụ thể, thay vì xử lý các tổ chức sau khi quan sát thấy có vi phạm, các cơ quan thực thi có thể cảnh báo các tổ chức nếu thấy vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm một trong các chỉ báo đỏ. Điều này sẽ giúp các cơ quan thực thi chủ động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Từ đó, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam được giảm xuống.

Vàng SJC vượt mốc 77 triệu đồng, cao hơn giá thế giới gần 16 triệu đồng/lượng

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (22/12), vàng SJC trong nước lại thiết lập kỷ lục mới. Vàng quốc tế cũng trong xu hướng tăng nhưng khiêm tốn hơn thị trường trong nước. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới nới rộng lên hơn 15 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước băng băng đi lên, ghi nhận mức tăng vượt cả triệu đồng so với cuối ngày hôm qua. Tính đến cuối giờ sáng, tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 76,2 - 77,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với phiên trước. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán ở khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng đã tăng gần 1% do đồng USD suy yếu trước dữ liệu kinh tế mới được công bố thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất trong năm sau. Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,22% lên 2.050,12 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,51% lên 2.061,5 USD/ounce.

Dù vậy, mức tăng vàng thế giới vẫn khiêm tốn hơn thị trường trong nước. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới hơn 15 triệu đồng/lượng. Con số kỷ lục từng ghi nhận trước đây là hơn 17 triệu đồng mỗi lượng.

Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã công bố tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý III xuống còn 4,9%, điều chỉnh giảm so với mức 5,2% được dự báo.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm mặt hàng năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 2,0% trong quý 3/2023, mức tăng thấp nhất kể từ quý 4/2020, thay cho mức tăng 2,3% được dự báo.

Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 16/12 đã tăng 2.000 đơn, lên mức 205.000 đơn. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp chưa được điều chỉnh lại giảm 9.225 đơn, xuống còn 239.865 đơn.

Số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau một tuần thất nghiệp đầu tiên, chỉ số cho thấy tình hình tuyển dụng, cũng giảm 1.000 đơn, xuống còn 1,865 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 9/12.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 199.000 việc làm trong tháng 11, ít hơn mức trung bình hàng tháng là 240.000 trong năm 2023, nhưng nhiều hơn 150.000 việc làm được tạo ra trong tháng 10.

"Dữ liệu về GDP thấp hơn so với dự kiến đã khiến vàng được hưởng lợi. Có thể thấy, kỳ vọng Fed sẽ sớm phải xoay trục chính sách quản lý tiền tệ đang tăng cao như thế nào"., Tai Wong, nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York nhận định.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện đang đặt cược 83% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 3, cao hơn so với mức 79% trước đó.

Kỳ vọng về lãi suất sẽ sớm được cắt giảm đã tăng mạnh trong thời gian gần đây sau cuộc họp chính sách của Fed. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed vẫn giữ quan điểm thận trọng, cho rằng đường đi của chính sách tiền tệ sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của nền kinh tế. Trong trường hợp lạm phát dai dẳng hơn dự báo hoặc tăng trở lại, Fed có thể sẽ trì hoãn việc giảm lãi suất, hoặc thậm chí tiếp tục tăng lãi suất.

Ông David Meger, Giám đốc Phòng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho biết, vàng sẽ tiếp tục duy trì mức giá trên 2.000 USD và những kỳ vọng về việc áp lực lạm phát giảm sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng đi ngang của vàng”.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,08% xuống 101,82 điểm.

Đồng USD lại giảm xuống gần mức thấp nhất trong hơn 4 tháng sau khi dữ liệu mới được công bố.

Đà giảm của USD cũng hỗ trợ tỷ giá hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 22/12 được ngân hàng Nhà nước công bố là 23.915 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.719 - 25.111 đồng/USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.080 đồng/USD (mua vào) và 24.450 đồng/USD (bán ra).

Tìm cách đẩy vốn ra thị trường theo hướng khác

Lãi suất cho vay giảm sâu, nhưng tín dụng 11 tháng đầu năm 2023 mới tăng 9,15%, khả năng tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu (tối thiểu 14%) đã hiện hữu.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đã tìm mọi cách đưa vốn ra nền kinh tế, nhưng không đạt kế hoạch, vì vậy, cần phải tìm cách đẩy vốn ra theo hướng khác.

Ông Phạm Xuân Hòe

Ông Phạm Xuân Hòe

Theo ông Hòe, nguyên nhân quan trọng nhất của việc tín dụng tăng chậm nằm ở chỗ, muốn tiếp cận được vốn, khách hàng vay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Chứng minh tình hình tài chính lành mạnh thì doanh nghiệp làm được vì hoạt động sản xuất, kinh doanh có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, kế toán đầy đủ mọi khoản phải thu, phải trả, hàng tồn kho...

Nhưng doanh nghiệp làm sao chứng minh được sự “minh bạch”, vì muốn chứng minh sự minh bạch, chỉ có cách duy nhất là thuê công ty kiểm toán. Chắc có khoảng nửa triệu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng có mấy công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán để khẳng định hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp minh bạch. Tôi cho rằng, từ “minh bạch” là cái khóa đóng cửa nhà băng với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để đẩy vốn ra nền kinh tế, theo ông Hòe, phải tiến hành bằng nhiều cách. Cả nước có khoảng 25-26 quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quỹ đã tồn tại rất nhiều năm, có quỹ mới thành lập, nhưng tất cả giống nhau ở chỗ là “có cũng như không”, vì không thể bảo lãnh được tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại sao Quỹ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... hoạt động rất hiệu quả, là chỗ dựa về vốn khi doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, còn Việt Nam thì ngược lại? Vì cơ chế bảo lãnh tín dụng của Việt Nam rất phiền hà, nhiêu khê, doanh nghiệp muốn bảo lãnh phải có tài sản thế chấp. Nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp thì cần gì phải bảo lãnh để mất thêm hồ sơ, giấy tờ và phí bảo lãnh.

Nguyên nhân nữa là các quỹ bảo lãnh có vốn rất ít, nên có muốn cũng không làm được gì nhiều. Vì thế, giải pháp là dành khoảng 20.000 tỷ đồng trong số 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cấp cho quỹ bảo lãnh và thay đổi cơ bản hoạt động bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cả nước hiện có rất nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã... nằm rải rác ở các bộ, ngành và đều giống nhau ở chỗ hoạt động rất kém hiệu quả. Giải pháp là gom các quỹ này lại, thành lập một quỹ duy nhất với hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh, sử dụng một phần trong số 40.000 tỷ đồng cấp vốn cho quỹ để thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung, dài hạn rất hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì khi đi thuê tài chính, khách hàng không phải thế chấp tài sản; được thuê tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất… Doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng để mua dây chuyền, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải..., công ty cho thuê tài chính chính là cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Nhưng đến nay, dư nợ cho thuê tài chính chỉ vào khoảng 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, một tỷ lệ thấp đến không tưởng. Giải pháp là sử dụng một phần trong số 40.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công ty cho thuê tài chính.

Tỷ giá dịu đi, thêm dư địa mở rộng chính sách tiền tệ

USD liên tục hạ nhiệt trên thị trường quốc tế sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu có thể đảo chiều lãi suất năm 2024. Tỷ giá trong nước cũng giảm nhiệt, tạo điều kiện cho việc tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ để hỗ trợ thị trường.

Cuối tuần qua, Chỉ số USD Index giảm về quanh mức 102 điểm - mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua, sau khi Fed thống nhất giữ nguyên lãi suất và dự kiến về ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Thị trường kỳ vọng, Fed sẽ hạ lãi suất từ tháng 3/2024. Giới phân tích cũng kỳ vọng, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm lãi suất từ năm tới.

Cùng chiều với diễn biến USD thế giới, tỷ giá trong nước cũng hạ nhiệt mạnh. Trong phiên đóng cửa tuần qua, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm 63 đồng so với phiên trước. Giá USD bán ra tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.390 VND/USD, tăng 3% so với đầu năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều khả năng, Fed đã chấm dứt lộ trình tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc USD không tăng giá nữa và thực tế, đồng bạc xanh đang giảm giá. TS. Lực đánh giá, tỷ giá năm sau chỉ tăng 1,5 - 2,5% (tỷ giá năm 2023 tăng khoảng 3%).

Không chỉ sức ép bên ngoài giảm, tỷ giá trong nước còn được hỗ trợ bởi áp lực lạm phát thấp, nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 25,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD); vốn FDI giải ngân tháng 11/2023 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022; kiều hối dự kiến tiếp tục tăng. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương 17-18 tuần nhập khẩu (mức an toàn là trên 12 tuần nhập khẩu).

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích Ngân hàng UOB, tỷ giá VND/USD quý I/2024 là 24.000 VND/USD, quý II/2024 là 23.800 VND/USD, quý III/2024 là 23.800 VND/USD và quý IV/2024 là 23.500VND/USD. Nếu kịch bản này diễn ra, tỷ giá năm 2024 không những không tăng, mà còn giảm so với năm nay.

Mặc dù cao điểm cầu ngoại tệ cuối năm đang diễn ra, song TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá sẽ không có bất ngờ nào trong vài tuần còn lại của năm 2023 nhờ cung ngoại tệ dồi dào.

Theo các chuyên gia, ẩn số lớn nhất của tỷ giá năm tới là Fed có thể trì hoãn quá trình giảm lãi suất, rủi ro chiến sự leo thang ở một số khu vực, đặc biệt là cuộc chiến ở Trung Đông. Vì vậy, mặc dù tỷ giá dự đoán dễ thở hơn trong năm sau, song các chuyên gia vẫn khuyến nghị doanh nghiệp nhập khẩu nên sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Theo TS. Cấn Văn Lực, tính đến hết tháng 11/2023, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,66% so với đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,18% so với đầu năm. Riêng trong tháng 11, tỷ giá trung tâm và tỷ giá liên ngân hàng giảm đáng kể do Fed dừng tăng lãi suất khiến tâm lý đầu cơ USD giảm; nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào.

Do áp lực tỷ giá năm 2024 không quá lớn, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có cơ hội để gia tăng thêm quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời thuận lợi hơn trong điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý) cho rằng, năm 2024, tỷ giá sẽ tăng thấp hơn năm nay. “Nếu như USD vẫn tiếp tục giữ ở mức lãi suất cao, nhưng không lên giá, thì sẽ không tác động nhiều đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Từ đó, NHNN có dư địa để tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ”, ông Thành nhận định.

Tất nhiên, rủi ro với nền kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều, bao gồm các rủi ro từ bên ngoài (chiến sự ở một số nơi, lạm phát vẫn còn cao, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, nỗi lo an ninh năng lượng…); hoạt động xuất khẩu tiếp tục giảm; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tín dụng phục hồi chậm. Ngoài ra, áp lực lạm phát năm 2024 khả năng cao hơn năm nay do hiệu ứng khuếch đại đà tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý và giá hàng hóa thế giới còn ở mức cao.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, lạm phát năm 2024 chỉ khoảng 3,5-4%, không đủ lực để chính sách tiền tệ đổi chiều.

Riêng về tỷ giá, chuyên gia kinh tế Châu Đình Linh cho rằng, trong tình hình kinh tế có tính chu kỳ, cung - cầu ngoại tệ cũng diễn biến theo tính chu kỳ đó. Trong nước, cầu ngoại tệ dồi dào. Ở bình diện quốc tế, chính sách tiền tệ của Mỹ cho thấy, Fed có thể chưa hạ lãi suất, nhưng cũng sẽ không tăng lãi suất thêm nữa, nên sẽ không gây áp lực làm dịch chuyển dòng vốn từ nước nước ngoài vào Mỹ. Điều này ảnh hưởng tích cực tới các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù chính sách tiền tệ năm 2024 dự báo tiếp tục nới lỏng, song theo các chuyên gia, NHNN sẽ rất thận trọng trong việc hạ thêm lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nên lãi suất giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, tín dụng tăng chậm hiện nay có nguyên nhân chính không phải do lãi suất, mà chủ yếu do sức cầu của nền kinh tế yếu.

H.T

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-vang-bien-dong-du-doi-ty-gia-diu-lai-no-luc-xu-ly-so-huu-cheo-d205812.html