Giá vàng có tăng mạnh ngày vía Thần Tài?
Thị trường vàng trước ngày Thần Tài năm 2022 đang ghi nhận những diễn biến tượng tự năm 2021, điều này khiến triển vọng tăng của giá vàng trong nước tuần này kém khả quan.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, thị trường vàng trong nước bước vào tuần giao dịch đầu tiên của năm Âm lịch Nhâm Dần với kỳ vọng biến động lớn khi trùng với ngày vía Thần Tài (10/1 Âm lịch).
Trong những năm trước, thị trường vàng trong nước luôn biến động mạnh trong tuần giao dịch trước ngày vía Thần Tài. Giai đoạn 2018-2020, giá vàng giao dịch trong ngày Thần Tài luôn ghi nhận ở vùng cao nhất trong năm, tuy nhiên, đến năm 2021, bất chấp khối lượng mua - bán tăng mạnh trong ngày này nhưng giá vàng chỉ giữ xu hướng đi ngang và giảm ngày Thần Tài.
Năm nay, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2022, giá vàng miếng trong nước đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh, đóng cửa ở mức 61,8 - 62,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), vùng giá cao nhất mà vàng miếng SJC giao dịch từ trước đến nay.
Triển vọng giá vàng tuần tới
Tuy nhiên, thị trường vàng đang ghi nhận những diễn biến tương tự năm 2021 với triển vọng tăng giá của vàng thế giới thấp và vàng trong nước đã tăng mạnh trước khi nghỉ Tết.
Cụ thể, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay kết thúc tuần đầu tiên của tháng 2 với mức tăng gần 17 USD (0,9%), đóng cửa ở 1.808,4 USD/ounce. Với những biến động trên thị trường tài chính cuối tuần trước, triển vọng tăng của vàng vật chất đang ở mức thấp tuần này.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới đang mắc kẹt trong vùng 1.800 USD/ounce, với nguyên nhân chính là kỳ vọng đợt tăng lãi suất đầu tiên của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào tháng 3 tới.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của OANDA, cho rằng thị trường vàng đang định giá lại để chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất 0,5 điểm % vào tháng 3 tới của FED.
Đối với giá vàng, việc tỷ lệ lạm phát dự kiến tăng nóng hơn trong báo cáo sắp công bố khiến áp lực tăng lãi suất lớn hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng của kim loại quý.
Ngoài FED, ngân hàng trung ương các thị trường khác cũng đang phát đi tín hiệu về các đợt tăng lãi suất trong năm nay bao gồm Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh.
Cùng quan điểm, chiến lược gia thị trường cấp cao Frank Cholly của RJO Futures cho biết giá vàng đang bị mắc kẹt quanh vùng 1.800 USD với áp lực chính là dự báo tăng lãi suất của FED.
Vùng giá dao động của vàng trong tuần tới được các chuyên gia dự báo là 1.780-1.820 USD/ounce, tuy nhiên, triển vọng giảm giá đang cao. Thậm chí, giá vàng có nguy cơ giảm về dưới vùng 1.780 USD.
Cuộc khảo sát giá vàng tuần này (7-12/2) của Kitco với 17 chuyên gia phân tích phố Wall cho kết quả 5 người (30%) dự báo giá vàng tăng, mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây. Ngược lại, số chuyên gia dự báo giá vàng giảm hoặc đi ngang lên tới 12 người (70%) chia đều cho mỗi dự báo.
Triển vọng giá vàng tuần này ghi nhận tích cực hơn với các nhà đầu tư cá nhân khi có 385/683 người tham gia khảo sát kỳ vọng giá tăng, tương đương 56% số người đưa ra dự báo. Ngược lại, có 152 người (22%) cho rằng giá thấp hơn và 146 người (21%) đưa quan điểm trung lập.
Hầu hết chuyên gia đều dự báo giá vàng sẽ gặp khó khi thị trường đến gần hơn với thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của FED. Thêm vào đó là dữ liệu thị trường lao động tăng mạnh khi Cục thống kê Lao động Mỹ cho biết 467.000 việc làm mới đã được tạo ra trong tháng 1/2022. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt hơn, càng củng cố thêm cho chính sách thắt chặt tiền tệ của FED.
Gần 63 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC
Tại thị trường trong nước, việc giá vàng thế giới bị dự báo kém tích cực tuần tới khiến triển vọng tăng giá trong nước không cao, bất chấp tuần này diễn ra cùng thời điểm ngày vía Thần Tài 2022.
Trong năm 2021 trước đó, việc giá vàng thế giới suy yếu trong giai đoạn trước ngày Thần Tài cũng đã khiến giá vàng trong nước không thể tăng trong ngày này, thậm chí còn có xu hướng giảm.
Chia sẻ tại thời điểm đó, lãnh đạo một doanh nghiệp vàng lớn cho biết dù trùng ngày Thần Tài với nhu cầu mua - bán vàng của người dân tăng mạnh, nhưng giá vàng trong nước vẫn chịu tác động nhất định từ giá vàng thế giới.
Với việc giá trong nước đã tăng mạnh trước Tết, cùng việc chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới lên tới 12,7 triệu đồng/lượng (cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), triển vọng giá vàng thế giới kém tích cực tuần này dự kiến cũng tác động tương tự lên giá trong nước.
Hiện tại, trong khi các doanh nghiệp lớn như Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC); Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI chưa mở cửa giao dịch trở lại, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp tư nhân đang được đẩy lên sát mức 63 triệu đồng/lượng.
Trong đó, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 61,11 - 62,99 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng gần 600.000 đồng so với trước Tết.
Tương tự, Công ty Vàng Mi Hồng cuối ngày 6/2 niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 62,3 triệu/lượng (mua) và 62,95 triệu/lượng (bán), giảm 50.000 đồng so với giá buổi sáng nhưng đã tăng hơn nửa triệu đồng so với trước khi nghỉ Tết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-vang-co-tang-manh-ngay-via-than-tai-post1294415.html