Giá vàng còn tăng 'sốc': Nên mua hay bán thời điểm này?

Nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới, vậy, với người đang giữ vàng có nên bán ra hay đợi thêm và người sẵn tiền có nên mua vàng lúc này?

Lý giải nguyên nhân giá vàng tăng sốc chưa từng có

Ngày 29/11, giá vàng trong nước bất ngờ lập đỉnh và phá vỡ kỷ lục trong 2 năm gần đây. Theo đó, giá vàng miếng SJC chạm ngưỡng 74 triệu đồng/lượng rồi giảm nhẹ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn SJC cũng lên mức gần 63 triệu đồng/lượng.

Ở thị trường trong nước, qua từng năm, giá vàng lập mặt bằng mới. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 10-15 triệu đồng/lượng. Thậm chí, một số giai đoạn, chênh tới 20 triệu đồng/lượng. Với vàng nhẫn tròn trơn, giai đoạn 2015-2016, giá vàng quanh mức 34-35 triệu đồng/lượng; tăng dần lên ngưỡng 37-40 triệu đồng/lượng ở giai đoạn 2018-2019, duy trì khoảng 45-47 triệu đồng/lượng năm 2020 và từ 2021 tới nay luôn trên 50 triệu đồng/lượng.

Trên Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng - Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho biết, giá vàng SJC đang ở mức cao nhất và chưa từng có trong lịch sử.

Theo ông Hùng, vàng trong nước tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu bởi giá vàng thế giới tăng lên mốc 2.045 USD/ounce, tuy chưa bằng mốc lịch sử năm ngoái 2.075 USD/ounce nhưng giá vàng SJC phá vỡ kỷ lục năm ngoái lên 74,4 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất chưa từng có bởi hiện nay, tỷ giá USD lên trên 24.500 đồng/USD.

"Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm chạm đáy, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản còn nhiều rủi ro nên người dân lựa chọn đầu tư vàng", ông Hùng nói.

Còn trên VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, cho hay: Giá vàng trong nước tăng lên do giá vàng thế giới tăng mạnh, từ mức 2.010 lên 2.045 USD/ounce. Nếu giá vàng thế giới phá mức 2.050 USD/ounce có thể lên cao hơn, trên mức 2.080 USD/ounce.

Lý do giá vàng tăng cao, ông Khánh nói có 3 nguyên nhân, trong đó có yếu tố nhu cầu vàng của thế giới trong quý IV đang tăng cao khi cuối năm do mùa Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương mua để tăng dự trữ vàng. Năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua khoảng 1.100 tấn vàng. 9 tháng đầu năm nay, tổ chức này cũng mua vào 800 tấn. Dự kiến, năm nay các ngân hàng trung ương sẽ mua trên 1.000 tấn.

Theo vị chuyên gia này, nhu cầu tăng nhưng nguồn cung không tăng, điều này tác động lên giá vàng. Trong tương lai gần, giá vàng vẫn còn tăng.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, cũng có thể giá vàng thế giới lên mức cao rồi điều chỉnh giảm trở lại. Theo đó, giá vàng trong nước sẽ giảm bớt, nhưng khoảng vài ngày lại tăng tiếp. "Giá vàng ít khi tăng "một lèo", tăng rồi điều chỉnh trước khi tăng một mức mới. Từ nay đến hết Tết Nguyên đán, giá vàng còn nhiều dư địa tăng giá", ông Khánh nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lại nhận định, giá vàng cả trong nước và thế giới thời gian tới sẽ giảm xuống.

"Thời gian tới, giá vàng thế giới sẽ về quanh mức 2.000 USD/ounce, chứ không thể lên nữa. Vì thế, giá vàng Việt Nam cũng sẽ về lại mức giá 68-69 triệu đồng/lượng, không còn giá trên 70 triệu đồng/lượng. Có thể nửa tháng hoặc 1 tháng tới giá vàng sẽ xuống", ông Thịnh cho hay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết rất khó để có thể dự báo giá vàng lên hay xuống thời gian tới. Thị trường vàng là thị trường biến động khôn lường, chịu tác động bởi nhiều vấn đề, sự kiện.

Nên mua hay bán vàng thời điểm này?

Nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội kín khách trong ngày 29/11.

Nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội kín khách trong ngày 29/11.

Với tình hình giá vàng tăng phi mã như hiện nay, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi ra quyết định mua hay bán vàng.

"Không nên mua vàng thời điểm này sẽ rất rủi ro; lời thì ít và lỗ thì nhiều. Ngay cả việc bán vàng, thời điểm này cũng không nên bán vì khi bán rồi giá vàng tăng lên nữa lại không mua được", ông Khánh nói.

Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tầm nhìn dài hạn, việc mua vàng lúc này để đa dạng hóa kênh đầu tư, trú ẩn trước những biến động khó lường thì có thể cân nhắc.

"Với nhà đầu tư vàng, có thể đây là thời điểm tốt để mua vàng. Tuy nhiên, cần chú ý, giá vàng biến động rất bất thường, nếu mua vàng để dành ít nhất 6 tháng sẽ có lãi; còn nếu lướt sóng lúc này rất nguy hiểm. Người dân nên sử dụng 1/3 số tiền đang có để mua vàng, còn lại để gửi tiết kiệm và đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản. Không nên vay tiền để mua vàng", ông Hiếu lưu ý.

Đối với những nhà đầu tư đang "ôm" vàng, vị chuyên gia cho hay cần có điểm chốt lời và "cắt lỗ". Do đó, nếu có điểm chốt lời 10 hay 20% thì nên bán ra, không đợi giá lên thêm. Cần có kỷ luật đầu tư, có điểm chốt lời, đúng điểm chốt lời rồi, kể cả khi giá vàng đang tăng nóng, có thể tăng tiếp thì vẫn nên bán ra.

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại lưu ý: Bất cứ lúc nào giá vàng cũng có sự thay đổi theo từng giờ, chứ không phải theo ngày. Giá vàng thế giới cũng sẽ quay đầu, tỷ giá cũng không thể tăng tiếp. Chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới đã khá nhiều nên không còn nhiều dư địa để tăng chênh lệch nữa. Vì thế, nếu mua vàng giai đoạn này, kể cả giá vàng có lên mức 75 triệu đồng/lượng rồi cũng sẽ bất ngờ quay đầu lại, sẽ rất rủi ro.

"Còn với người đang có vàng, nếu bán đi và gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất khoảng 6%/năm, thì có thể vẫn tốt hơn là "ôm" số vàng đó sang năm sau. Kênh gửi tiền ngân hàng cũng là kênh an toàn", ông Hiển khuyến cáo.

Kinh nghiệm đầu tư vàng hạn chế rủi ro, dễ sinh lời

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/gia-vang-con-tang-soc-nen-mua-hay-ban-thoi-diem-nay-172231130085757898.htm