Giá vàng đạt 120 triệu đồng/lượng: Nên để tiền vào đâu?
Giá vàng đã đạt mốc cao kỷ lục mọi thời đại 120 triệu đồng/lượng khiến nhà đầu tư cân nhắc nên để tiền vào đâu để tối ưu hóa lợi nhuận.
Giá vàng đạt 120 triệu đồng/lượng
Thị trường vàng đang chứng kiến đà đi lên mạnh mẽ của giá vàng SJC và vàng nhẫn. Trong phiên 18/4, kim loại quý này chinh phục thành công mốc cao kỷ lục mọi thời đại 120 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, vào cuối ngày 18/4, tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, giá vàng SJC được niêm yết ở mức: 117 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) - 120 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), tăng 2 triệu đồng/lượng sau 1 ngày giao dịch nhưng đã tăng 35,5 triệu đồng/lượng, tương đương 41% so với phiên cuối cùng của năm 2024.
Diễn biến tương tự cũng đang xảy ra với kim loại quý này tại một số “nhà vàng” lớn.
Sau nhiều biến động, hiện tại, giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ và Tập đoàn Doji cũng được giao dịch ở mức 117 triệu đồng/lượng - 120 triệu đồng/lượng.
Giá vàng phi SJC cũng được niêm yết ở mức cao ngất ngưởng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long được mua bán ở mức 116,5 triệu đồng/lượng - 119,5 triệu đồng/lượng. Công ty PNJ trao đổi giá vàng nhẫn trơn PNJ 999,9 ở mức 114 triệu đồng/lượng - 117 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng cao khiến nhà đầu tư đổ xô đến các tiệm vàng để giao dịch, trong đó khá nhiều người mua vào thay vì bán ra. Dòng người vẫn đổ đến các cửa hàng vàng bất chấp giá vàng thế giới đảo chiều giảm sâu.
Lúc này, tại thị trường châu Âu, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 3.327 USD/ounce, giảm 14,6 USD/ounce, tương đương 0,44%. Trước đó, kim loại quý này chinh phục thành công đỉnh lịch sử 3.350 USD/ounce trong ngày 17/4.

Giá vàng tăng mạnh trong những ngày qua. Ảnh: Hoàng Quyên
Nên đầu tư vào đâu?
Ở thời điểm này, vàng đang là kênh “tỏa sáng” nhất. Dòng người vẫn tiếp tục xếp hàng để chờ mua vàng. Nhưng liệu đây có phải kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết, từ xưa tới nay, thị trường gồm 4 kênh đầu tư chính. Đó là vàng, chứng khoán, ngoại tệ và bất động sản. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây đã xuất hiện một kênh mới, tiền số.
“Trả lời cho câu hỏi nên đầu tư vào đâu cần xác định tùy theo mục tiêu đầu tư. Mục tiêu thứ nhất là an toàn vốn, bỏ tiền vào đâu để an toàn nhất. Mục tiêu thứ hai là tỷ lệ sinh lời. Mục tiêu thứ ba là có tính thanh khoản, chuyển ra tiền mặt dễ dàng”, ông Hiếu chia sẻ.
Về chứng khoán, ông Hiếu “chấm” an toàn vốn ở điểm thấp chỉ 6 điểm vì lúc này thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư mua đi bán lại chưa chắc đã có lời. Cũng chính vì vậy, điểm sinh lời của kênh này chỉ dừng lại ở 6 điểm. Tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán không thấp nhưng với một số mã, khả năng chuyển nhượng không cao nên ông Hiếu chấm 6 điểm. Tổng điểm cho kênh chứng khoán là 18 điểm.
Còn với bất động sản, ông Hiếu đánh giá, tính an toàn vốn tương đối cao nhưng mua đi bán lại có thể gây lỗ nên ông Hiếu chỉ chấm 7 điểm cho mục tiêu thứ nhất. Cũng chính vì vậy, khả năng sinh lời của kênh này chưa chắc đã tốt khi giá tăng quá cao suốt thời gian qua. Thế nên, mục tiêu thứ hai chỉ nhận được 6 điểm. Trong khi đó, tính thanh khoản của bất động sản tương đối thấp. Lúc này, mua nhà thì phải cả tháng sau mới bán được. Vì vậy, ông Hiếu chấm 6 điểm. Tổng số điểm mà kênh bất động sản nhận được là 19 điểm.

Người dân "ùn ùn" đi mua vàng trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh. Ảnh: Hoàng Quyên
Với kênh ngoại tệ, ông Hiếu đánh giá tính an toàn vốn khá cao, giá USD đang tăng nên khó thua lỗ. Vì thế, ông Hiếu chấm 7 điểm cho an toàn vốn, 9 điểm cho khả năng sinh lời. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của ngoại tệ chính là thanh khoản thấp nên điểm cho mục tiêu này chỉ là 6. Điểm cho kênh ngoại tệ là 22.
Tiền số là kênh ông Hiếu đánh giá thấp nhất vì biến động giá dữ dội, tính an toàn không cao và thanh khoản dù cao nhưng vẫn phải đổi qua một đồng tiền khác nên khá phức tạp. Tổng điểm ông Hiếu dành cho kênh này chỉ là 17.
Vàng và tiền gửi ngân hàng là hai kênh đầu tư được ông Hiếu đánh giá cao nhất.
“Hiện tại, tiền gửi ngân hàng rất an toàn, thanh khoản cao nhưng tỷ lệ sinh lời thấp. Với mức an toàn vốn, tôi đánh giá 10 điểm, khả năng sinh lời 4 điểm, thanh khoản là 10 điểm. Tổng điểm cho gửi tiết kiệm là 24”, ông Hiếu phân tích.
Vàng cũng là kênh đầu tư ông Hiếu đánh giá cao với số điểm 9 (an toàn vốn), 9 (khả năng sinh lời) và 6 (thanh khoản). Tổng số điểm của kênh đầu tư vàng là 24, bằng với tiền gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, ông Hiếu phân tích thêm, xét về góc độ đầu tư, góc độ của người dân, vàng là loại tự bảo hiểm với những ai không có tiền an sinh xã hội, không có bảo hiểm. Với những người này, bỏ tiền vào vàng, khi nào cần họ có thể lấy bán ra để chi trả cho cuộc sống, thừa kế. Dưới con mắt cá nhân, vàng là kênh đầu tư hợp lý.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ vĩ mô, so với vàng, tiền gửi tiết kiệm tốt hơn cho nền kinh tế. Khi người dân mua vàng về cất đi, đó là lãng phí. Còn tiền gửi tiết kiệm thì khác, dòng tiền này vào ngân hàng, ngân hàng sẽ đưa chúng ra nền kinh tế, đưa vào sản xuất, kinh doanh qua hình thức cho vay.
Ngoại tệ là kênh có điểm số cao thứ hai, sau vàng và tiền gửi tiết kiệm nhưng ông Hiếu lại không khuyến khích vì “ngoại tệ chỉ dành cho những ai được phép kinh doanh, chứ không phải cho tất cả. Vì vậy, kênh này bị loại trừ”, ông Hiếu phân tích.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 12/2024 đạt 7,065 triệu tỷ đồng, tăng 8,15% so với thời điểm cuối năm 2023, lập kỷ lục mới. Đây cũng là lần đầu tiên tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng đạt trên 7 triệu tỷ đồng. So với cuối tháng 11/2024 liền trước, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng.