Giá vàng điều chỉnh dưới áp lực từ USD phục hồi, SPDR Gold Trust tăng mua vào gần 4 tấn
Thị trường vàng quốc tế khép lại phiên giao dịch ngày 22/5 trong sắc đỏ, khi kim loại quý này không giữ được ngưỡng hỗ trợ tâm lý 3.300 USD/oz. Đà sụt giảm chủ yếu do đồng USD phục hồi mạnh và áp lực chốt lời sau ba phiên tăng liên tiếp.
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco, giá vàng giao ngay tại thị trường New York kết thúc phiên ở mức 3.296,7 USD/oz, giảm 18,8 USD/oz (tương đương 0,6%) so với phiên trước. Trong phiên, kim loại quý này từng chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/5.
Trên sàn COMEX, giá vàng giao tháng cũng giảm 0,6%, đóng cửa tại 3.294,9 USD/oz.
Sáng ngày 23/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á nhích nhẹ lên 3.299,4 USD/oz, tăng 2,7 USD/oz so với đóng cửa trước đó. Quy đổi theo tỷ giá bán ra của Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 104 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 1,3 triệu đồng/lượng so với sáng hôm trước.
Đồng USD ghi nhận phiên phục hồi đáng kể vào ngày thứ Năm, khiến giá vàng chịu sức ép. Chỉ số Dollar Index - đo lường sức mạnh của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,3%, tiệm cận mốc 100 điểm.

Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định: “Phiên này ghi nhận lực chốt lời sau chuỗi tăng ba phiên trước đó. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên là yếu tố tiêu cực đối với giá vàng”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng sự biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái phiếu kho bạc Mỹ, tiếp tục là yếu tố hỗ trợ nhu cầu nắm giữ vàng như một công cụ phòng ngừa rủi ro.
Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật bao gồm việc gia hạn cắt giảm thuế từ năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump và tăng chi tiêu quốc phòng.
Nếu được Thượng viện phê chuẩn, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính chi phí thực hiện dự luật có thể lên tới gần 4.000 tỷ USD trong một thập kỷ tới, làm gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ có khả năng tăng trở lại do chính sách thuế quan của ông Trump.
Diễn biến này đã gây áp lực lên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm có thời điểm chạm mức 5,161%, cao nhất kể từ năm 2023 trước khi hạ nhiệt về 5,05%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng mạnh, chốt phiên ở mức 4,54%.

Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz. Nguồn: Trading Economics.
Không chỉ thị trường Mỹ, giới đầu tư còn đồng loạt bán ra trái phiếu chính phủ tại các nền kinh tế lớn khác như Đức và Nhật Bản.
Đáng chú ý, trong phiên 22/5, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust đã mua ròng gần 4 tấn vàng, nâng tổng lượng nắm giữ lên gần 923,9 tấn. Động thái này cho thấy tín hiệu đảo chiều sau 4 tuần liên tiếp bán ròng trước đó.
Theo nhà phân tích Imaru Casanova từ Quỹ VanEck, vàng đang củng cố nền tảng giá vững chắc quanh mức 3.000 USD/oz. Việc điều chỉnh từ mức đỉnh lịch sử trên 3.500 USD/oz về quanh vùng hiện tại được đánh giá là hợp lý trong chu kỳ tích lũy.
Bà Casanova cũng cho rằng tỷ trọng đầu tư chiến lược vào vàng của các tổ chức quản lý tài sản hiện chỉ ở mức khoảng 1%, trong khi nên đạt ngưỡng tối ưu khoảng 5%. Dựa trên mối tương quan lịch sử giữa giá vàng và mức nắm giữ của các quỹ ETF, bà nhận định vàng còn tiềm năng tăng thêm khoảng 600 USD/oz.
Trong báo cáo mới nhất, các nhà phân tích của VanEck dự báo giá vàng có thể đạt mốc 4.000 USD/oz trong năm nay, nếu các yếu tố hỗ trợ tiếp tục duy trì, đặc biệt là những bất ổn địa chính trị và chính sách thương mại từ Mỹ.