Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu 'hoa mắt chóng mặt'

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, thị trường vàng chưa ổn định, tiềm ẩn rủi ro tác động tới thị trường ngoại hối. Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu 'hoa mắt chóng mặt'.

Vàng là vấn đề đau đầu của thế giới

Nêu vấn đề tại phiên chất vấn sáng 11/11 về thị trường vàng, Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, thực trạng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước quá cao, điều này cho thấy thị trường chưa ổn định, tiềm ẩn rủi ro tác động tới thị trường ngoại hối. Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu "hoa mắt chóng mặt". Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào để người dân yên tâm sự ổn định của VND, từ bỏ tâm lý tích trữ vàng?

Trả lời ĐBQH, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, "vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới". "Trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp, giá quốc tế mỗi ounce khoảng 2.300-2.400 USD, nhưng hiện đã tăng lên 2.700 USD. So với đầu năm, kim loại quý đã tăng hơn 50%", bà Hồng nói.

ĐBQH Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chất vấn sáng 11/11.

ĐBQH Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chất vấn sáng 11/11.

Đại diện NHNN cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế, bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau nhiều nỗ lực, hiện mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng. "Tuy vậy, giá vàng hiện vẫn chưa ổn định", lãnh đạo NHNN đánh giá.

Lý giải vấn đề này bà Hồng cho rằng, giá vàng phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới, biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế. Do đó, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ có giải pháp can thiệp khi cần thiết.

Ngoài ra, sau khoảng thời gian thực hiện NHNN cho biết đang cùng các bộ ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.

Thống đốc NHNN nhận mạnh, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa. Do đó, các chính sách đưa ra phải làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Với nhu cầu vàng để tích lũy theo truyền thống, cơ quan quản lý đánh giá để có giải pháp cung ứng kim loại quý ra thị trường một cách phù hợp.

Về câu hỏi của đại biểu khi kéo giá vàng SJC với giá vàng thế giới thì ai được hưởng lợi, ai sẽ thiệt khi đã mua vàng SJC, Thống đốc NHNN cho rằng, trên thực tế đối với người dân mua vàng, khi mua cao thì bán cũng sẽ giá cao, khi mua thấp thì bán cũng với giá thấp hơn. "Tuy nhiên, lợi của người này thì người kia bị mất" bà Hồng nói.

Còn đối với các thành viên tham gia thị trường vàng, bản thân doanh nghiệp khi tham gia mua bán vàng miếng cũng phải tính toán để họ không chịu rủi ro, bản chất các tổ chức này chỉ là trung gian mua và bán. Ngay cả NHNN, khi mua vàng trên thị trường quốc tế về bán can thiệp trong nước cũng phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro. "Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. NHNN cũng cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp", lãnh đạo NHNN cho hay.

Thành lập thị trường vàng ở thời điểm thích hợp

Tại phiên chất vấn hôm nay, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc thành lập sàn giao dịch vàng khi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và cho thấy sự hiệu quả. Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nêu vấn đề, việc cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. "Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không", đại biểu Khánh hỏi.

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thế giới một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải, nhưng cũng có những thị trường không tiến hành theo phương án này.

Theo bà Hồng, việc lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn nhưng cũng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, Việt Nam không phải là sản xuất vàng nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Về vấn đề thành lập sàn giao dịch vàng tại Việt Nam, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-gia-vang-dua-lap-dinh-nguoi-so-huu-hoa-mat-chong-mat-169241111103929522.htm