Giá vàng hôm nay 1/11: Chốt tháng 10 ảm đạm, tháng 11 cơ hội mới
Thị trường vàng trong nước kết thúc tháng không có nhiều biến động, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 55-56 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước
Giá vàng chốt phiên cuối cùng của tháng 10 với mức tăng 100 nghìn đồng/lượng. Giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,2 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,47 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 56,45 triệu đồng/lượng.
Tính trung bình tuần qua, giá vàng SJC tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Trong tháng 10, thị trường vàng không có nhiều biến động. Khởi đầu tháng mới, giá vàng giao dịch ở mức 56,04 triệu đồng/lượng mua vào và 56,57 triệu đồng bán ra.
Giá vàng SJC giảm mạnh nhất trong tháng ở mức 56,22 triệu đồng/lượng bán ra vào các phiên ngày 7, 15/10. Mức giao dịch chiều bán ra cao nhất là 56,52 triệu đồng/lượng vào ngày 13/10.
Ở chiều mua vào, giá vàng SJC giao dịch thấp nhất ở mức 55,7 triệu đồng/lượng ở các ngày 7, 15/10. Mức giá cao nhất ở chiều mua vào là 56 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC tháng 10 đã giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá trong nước đi ngang, giảm chưa tương xứng với mức của thế giới khiến chênh lệch hai thị trường tăng từ 3 triệu lên 3,5 triệu đồng một lượng.
Giá vàng thế giới
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.879,01 USD sau hai phiên giảm mạnh liên tiếp. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,6% lên 1.879,90 USD/ounce trong phiên này. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 24%.
Theo Reuters, giá vàng tăng khi đồng USD chững lại, cùng với đó là những lo lắng về các trường hợp Covid-19 tăng nhanh và sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tuần tới.
Các nhà đầu tư đã ngừng giao dịch và đứng ngoài thị trường, thận trọng quan sát, trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Vàng vốn đã rơi vào xu hướng giá xuống trong khoảng 2 tháng qua giờ thêm áp lực và dẫn tới tình trạng bán ồ ạt.
Vàng giảm chủ yếu do nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có châu Âu và Mỹ chuyển sang tình trạng hoảng loạn bán tháo. Tình trạng này đã khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải bán vàng để bù lỗ chứng khoán.
Mặt hàng kim loại quý giảm còn do đồng USD bất ngờ tăng mạnh khi đồng tiền này trở thành kênh trú bão trong bối cảnh các thị trường tài chính và hàng hóa chao đảo. Đại dịch Covid-19 diễn biến xấu với số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trong những ngày qua.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), doanh số bán ròng vàng thỏi đạt 12,1 tấn trong quý 3, so với mức mua 141,9 tấn vào năm ngoái. WGC cho biết, doanh số bán ròng được thúc đẩy bởi Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ngân hàng trung ương của Nga cũng đã đăng bán vàng thỏi quý đầu tiên sau 13 năm
Dự báo giá vàng
Ông Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý tại BMO, nhận định vàng tăng trở lại khi đồng USD đảo ngược giảm sau đà đi lên hai ngày trước đó.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới đầu tư Blue Line Futures, cho biết vàng đã bị “mắc kẹt” trong khoảng 1.930 - 1.880 USD/ounce và đang chờ đợi tín hiệu từ cuộc bầu cử cùng làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch.
Chuyên gia Jeffrey Sica, người sáng lập Circle Squared Alternative Investments, nhận định đà giảm của giá vàng diễn ra là do mối lo ngại trong ngắn hạn về thời điểm gói kích thích kinh tế tại Mỹ được thông qua. Bên cạnh đó, đà tăng của đồng USD cũng tác động đến thị trường vàng.