Giá vàng hôm nay 1/5/2025: Giá vàng thế giới 'xuống dốc', chuyên gia cho lời khuyên, quý kim vẫn là tài sản nổi bật nhất
Giá vàng hôm nay 1/5/2025 ghi nhận thị trường thế giới giảm do đồng USD mạnh lên và căng thẳng thương mại hạ nhiệt. Theo giới chuyên gia, sự điều chỉnh tăng-giảm đan xen là điều bình thường của thị trường.
TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 1/5 và TỶ GIÁ HÔM NAY 1/5

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 1/5/2025
Giá vàng trong nước nghỉ giao dịch Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chốt phiên 30/4, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 119,3-121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng miếng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết ở ngưỡng 119,3-121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 119,3-121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng SJC tại Phú Quý được doanh nghiệp giao dịch ở mức 118,3-121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 114-116,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 117,1-120,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh giá vàng trong nước biến động mạnh, khoảng cách mua - bán bị đẩy lên mức quá cao, khiến rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân tăng lên. Nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người có tâm lý “lướt sóng”, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch chiều 30/4 do đồng USD mạnh lên và căng thẳng thương mại hạ nhiệt.
Ghi nhận của Báo Thế giới và Việt Nam lúc 19h ngày 30/4, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 3.272,2 - 3.274,2 USD/ounce, giảm 44,5 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ thuế quan đối với ô tô, trong khi nhóm đàm phán thương mại của ông thông báo đạt thỏa thuận thương mại và thuế quan với một đối tác đầu tiên.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố số liệu kinh tế quan trọng để có thêm thông tin về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Những dữ liệu đó bao gồm chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào cuối ngày hôm nay và báo cáo việc làm vào ngày 2/5 để đánh giá thêm tác động của chính sách thuế quan mới đối với triển vọng lãi suất của Fed.
Dữ liệu PCE dự kiến sẽ cho thấy giá cả tiếp tục giảm, điều này có thể mở đường cho Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nếu dữ liệu vượt kỳ vọng, khả năng cắt giảm lãi suất có thể bị thu hẹp và điều đó có thể gây áp lực lên giá vàng.
Dù điều chỉnh trong vài phiên gần đây, dự kiến, giá vàng vẫn nối dài được tháng tăng thứ tư liên tiếp, với mức tăng khoảng 6% trong tháng 4.

Giá vàng hôm nay 1/5/2025: Giá vàng thế giới 'xuống dốc', chuyên gia cho lời khuyên, quý kim vẫn là tài sản nổi bật nhất. (Nguồn: Getty Images)
Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 30/4:
Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC: Vàng miếng SJC 119,3 - 121,3 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI: Vàng miếng SJC 119,3 - 121,3 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 114 - 117 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 119,3 - 121,3 triệu đồng/lượng.
Sự điều chỉnh tăng-giảm đan xen là điều bình thường
Phiên giao dịch ngày 30/4 đánh dấu 100 ngày đầu tiên nắm quyền Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ 2. Với loạt quyết sách khó đoán trước và tác động lớn đến nhiều mặt của thế giới, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn khi tăng hơn 20%.
Theo tính toán từ S&I Ratings, ở mốc 3.300 USD/ounce hiện tại, vàng đã vượt S&P 500 trở thành một trong những kênh cất giữ tài sản có lời nhất kể từ đầu 2023.
Nhận định về xu hướng giảm của kim loại quý, ông Bernard Dahdah, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Natixis, cho hay, giá vàng giảm từ mức kỷ lục 3.500 USD/ounce không phải điều bất ngờ.
Động thái này diễn ra khi Tổng thống Trump điều chỉnh chính sách thuế quan, áp mức thuế cơ bản 10% cho tất cả hàng hóa nhập khẩu và bày tỏ ý định đàm phán với Trung Quốc để giảm mức thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Dù căng thẳng quốc tế phần nào hạ nhiệt, nhưng ông Dahdah cho rằng, xung đột chưa hoàn toàn biến mất. Bất kỳ xung đột mới nào cũng có thể đẩy giá vàng chạm mốc 4.000 USD/ounce.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết, có vẻ như giá vàng đang tiếp tục xây dựng ngưỡng kháng cự vững chắc ở mức 3.000 USD/ounce. Ông Dahdah khuyến nghị các nhà đầu tư vàng nên chú ý đến nhu cầu của Trung Quốc. Nhu cầu của thị trường này sẽ tiếp tục quyết định diễn biến giá.
Trong khi đó, trưởng nhóm giao dịch của US Global Investor Michael Matousek cũng nhận thấy, sự điều chỉnh tăng-giảm đan xen là điều bình thường của thị trường.
"Trong quý cuối cùng năm nay, vàng có thể tăng lên mức 3.590 USD/ounce và có khả năng tăng lên mức 3.800 USD/ounce", ông Michael Matousek dự đoán.
Trong báo cáo triển vọng hàng hóa mới nhất, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, giá vàng trung bình năm nay sẽ đạt khoảng 3.250 USD/ounce, tăng 36% so với mức trung bình năm ngoái. Đây là một thay đổi lớn so với dự báo hồi tháng 11/2024 khi họ cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Dự kiến sang năm 2026, giá vàng trung bình sẽ giảm nhẹ còn khoảng 3.200 USD/ounce, tức giảm 1,5% so với năm nay.
Tuy vậy, trong bối cảnh rộng hơn, vàng vẫn được dự đoán sẽ là tài sản nổi bật nhất trong nhóm hàng hóa trong hai năm tới.
Báo cáo của WB nêu rõ: “Nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn vẫn cao trong ngắn hạn do bất ổn, căng thẳng địa chính trị và lo ngại về biến động trên các thị trường tài chính lớn, giá vàng được kỳ vọng sẽ giữ ở mức cao, khoảng 155% so với mức trung bình giai đoạn 2015-2019.
Nếu căng thẳng địa chính trị và sự bất định về chính sách tiếp tục gia tăng, giá vàng còn có thể vượt cả mức dự báo hiện tại”.