Giá vàng hôm nay 1/6/2023: Giá vàng tăng bất chấp, giới đầu tư vẫn lo âu, Ngân hàng trung ương yêu thích vàng
Giá vàng hôm nay 1/6/2023 tiếp đà tăng nhẹ sau khi đi lên gần 20 USD/ounce. Khảo sát về dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương năm 2023 của WGC cho thấy, các ngân hàng trung ương vẫn rất quan tâm đến việc tăng dự trữ vàng.
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 1/6 và TỶ GIÁ HÔM NAY 1/6
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 1/6/2023
Giá vàng thế giới đang hướng đến tháng giảm đầu tiên trong ba tháng, trước những tiến triển trong đàm phán nâng trần nợ của Mỹ. Bên cạnh đó, những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất đã củng cố đà tăng cho đồng USD và gây sức ép lên giá kim loại quý này.
Sáng 31/5, giá vàng thế giới tăng gần 20 USD/ounce, lên 1.959 USD/ounce. USD yếu hơn cũng như lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ thấp hơn (còn 3,7%/năm) đã khiến kim loại quý đi lên.
Ghi nhận của TG&VN, đến 19h ngày 31/5, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.961 - 1.962 USD/ounce, tăng 1,7 USD so với phiên liền trước.
Ngày 30/5, dự luật về vấn đề nâng mức trần nợ công của Mỹ, do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy nỗ lực đạt được, đã vượt qua rào cản quan trọng tại Hạ viện. Dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 31/5 (theo giờ Mỹ).
Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét. Dự luật này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiệt ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính.
Giá vàng đã rời khỏi các mức cao đạt được vào đầu tháng 5, một phần do dự báo Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng tới hơn là giữ nguyên.
Trong khi đó, tại châu Á, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đã giảm tốc nhanh hơn dự kiến trong tháng Năm, qua đó, gây thêm sức ép lên các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Giá vàng trong nước chiều 31/5 tại công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, SJC tại Hà Nội ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 31/5:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,45 – 66,05 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,50 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,47 – 67,03 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,64 – 56,54 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,25 – 56,35 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng trung ương vẫn rất quan tâm đến việc tăng dự trữ vàng
Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Fed vẫn đang là một vấn đề gây lo ngại đối với giới đầu tư. Số liệu công bố ngày 30/5 cho thấy, niềm tin tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh hơn dự báo, và điều này có thể làm dấy lên đồn đoán rằng, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank nói rằng, việc điều chỉnh kỳ vọng về đường đi lãi suất của Fed đang duy trì áp lực mất giá đối với vàng. Các nhà giao dịch đang đặt cược nghiêng về khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, thay vì giữ nguyên lãi suất như đặt cược trước đó.
Theo Kitco News, khảo sát về dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương năm 2023 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng trung ương vẫn rất quan tâm đến việc tăng dự trữ vàng.
Cụ thể, cuộc khảo sát thăm dò 59 ngân hàng trung ương từ ngày 7/2 đến ngày 7/4 cho thấy sau sức mua đạt kỷ lục vào năm ngoái, sang tới năm nay, vàng vẫn tiếp tục được nhiều quốc gia coi là tài sản dự trữ lý tưởng.
Trong đó, có 24% ngân hàng trung ương có kế hoạch mua thêm kim loại quý trong vòng 12 tháng tới.
Những lo ngại về thị trường tài chính, kế hoạch mua vàng sản xuất trong nước và tái cân bằng danh mục đầu tư đang thúc đẩy việc mua thêm kim loại quý từ các ngân hàng trung ương.
WGC lưu ý, kết quả trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra khi xung đột quân sự Nga-Ukraine chưa dừng lại, sự sụt giảm kinh tế vĩ mô kéo theo lạm phát kéo dài, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn tiếp diễn tại các quốc gia có nền kinh tế lớn. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu xảy ra vào đầu năm 2023.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra hiện có sự khác biệt gia tăng trong cách nắm giữ vàng của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) so với các nền kinh tế tiên tiến.
Khi được hỏi về tỷ trọng tương lai của vàng trong dự trữ toàn cầu, 68% ngân hàng trung ương thuộc EMDE cho rằng sẽ tăng, nhưng chỉ có 38% số ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến đồng ý với điều này. Thậm chí, tỷ lệ nhỏ các ngân hàng trung ương thuộc EMDE còn dự báo tỷ lệ dự trữ vàng sẽ tăng trên 25%.
Các nước EMDE hiện coi vàng là tài sản đóng vai trò chiến lược trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và bày tỏ sự quan tâm lớn đến kế hoạch mua vàng sản xuất trong nước.