Giá vàng khó lường, điều hành cách nào?
Từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường vàng trong nước liên tục ghi nhận các mức đỉnh lịch sử, theo sát xu hướng tăng nóng giá vàng thế giới. Điều đáng lo ngại là khoảng cách chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế ngày càng tăng, có thời điểm lên tới 17-18 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới biến động không ngừng
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng thế giới lập đỉnh mới khoảng 17 lần, trong đó đỉnh điểm trong phiên 22-4 đã chạm mốc 3.500 USD/ounce. Sau đó thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, giá vàng thế giới vẫn dao động trong vùng từ 3.180-3.400 USD/ounce trong vòng một tháng trở lại đây.
Ghi nhận tại ngày 22-5, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đạt khoảng 3.337 USD/ounce, tương đương mức tăng gần 60,3% so với đầu năm 2024, một con số cho thấy mức tăng trưởng rất mạnh trong thời gian ngắn.
Giá vàng thế giới biến động mạnh suốt 5 tháng qua trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu gia tăng bất ổn, xung đột quân sự và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Do vậy hoạt động mua vào mạnh mẽ của nhiều Ngân hàng trung ương và các quỹ đầu tư, nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối.
Đồng thời, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế cao đối ứng với nhiều quốc gia đã gây tâm lý lo ngại, tác động tiêu cực đến kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang vàng, tài sản được coi là kênh trú ẩn an toàn.
Trong báo cáo công bố mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã nhấn mạnh sức hấp dẫn của vàng như tài sản trú ẩn an toàn, giữa bối cảnh kinh tế biến động và bất ổn địa chính trị gia tăng.
Theo dự báo của Ngân hàng UOB (Singapore), nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục được duy trì, cùng với việc các Ngân hàng trung ương đều đặn tăng tỷ trọng nắm giữ vàng, và khả năng dòng vốn quay lại các quỹ ETF vàng tại Mỹ. Tất cả những yếu tố này tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Hiện UOB giữ nguyên quan điểm tích cực và nâng dự báo giá vàng lên mức 3.600 USD/ounce vào quý I-2026. Trong khi đó, vào giữa tháng 4, Goldman Sachs đã tăng dự báo đối với giá vàng lên 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025. Đó cũng là lần thứ 3 trong năm nay ngân hàng này tăng mục tiêu giá vàng, khi hồi tháng 3 là 3.300 USD/ounce.
Khó kìm hãm nhà đầu tư vàng
Ngày 22-4, giá vàng miếng SJC đã có thời điểm chạm mốc kỷ lục 124 triệu đồng sau đó đi lùi. Ngày 6-5, vàng miếng bật tăng lên mức 123,3 triệu đồng/lượng. Ngày 22-5, giá vàng miếng bán ra ở mức 120,8 triệu đồng/lượng. So với cuối năm 2024, giá bán vàng miếng đã tăng 36,6 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 43%.
Diễn biến tăng mạnh của giá vàng miếng trong nước, vượt tốc độ tăng của giá vàng thế giới, dẫn đến mức chênh lệch cao, chủ yếu xuất phát từ một số nguyên nhân như giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới, trong khi giá thế giới lên xuống thất thường, dẫn đến doanh nghiệp phải đội giá để tránh rủi ro những lúc vàng thế giới hạ giá bất ngờ.
Song song đó, nguồn cung trong nước hạn chế nhưng cầu tăng cao, do tâm lý thị trường kỳ vọng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các yếu tố bất ổn liên quan đến địa chính trị và kinh tế vẫn còn đó.
Theo NHNN, nguồn cung vàng miếng trong nước không được bổ sung thêm kể từ đầu năm 2025, trong khi thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định, dẫn đến việc NHNN chưa cần thiết phải can thiệp thị trường. Bên cạnh đó, NHNN không loại trừ khả năng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình thị trường để đầu cơ, thao túng giá nhằm trục lợi.
Đối với kênh đầu tư vàng, cơ quan quản lý lẫn các chuyên gia đã khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân không nên chạy theo tâm lý đám đông, “đu đỉnh” vì dễ rủi ro. Nhưng thực tế, sau khi Chính phủ và NHNN có các văn bản chỉ đạo liên quan, giá vàng có điều chỉnh giảm nhưng chỉ giảm vài phiên, hoặc thậm chí vài giờ lại tăng trước biến động của giá vàng thế giới.
Mặt khác, mức lợi nhuận từ kênh vàng so với các kênh đầu tư khác cũng rõ rệt hơn, càng khiến người dân rất quan tâm đến kênh đầu tư này bất chấp cảnh báo rủi ro.
Trong bối cảnh lãi suất huy động VNĐ ở mức thấp, các kênh đầu tư khác vẫn chưa khởi sắc mạnh, vàng dự kiến vẫn là một kênh đầu tư đang rất được quan tâm trong năm 2025. Thời gian qua, mặc dù nguồn cung hạn chế nhưng người dân vẫn tìm mọi cách để mua vàng, kể cả giao dịch qua mạng bất chấp rủi ro.
Phía NHNN cũng đánh giá, thị trường vàng hiện vẫn chưa đạt được sự ổn định bền vững, khi còn chịu tác động mạnh từ tâm lý và kỳ vọng của người dân cũng như nhà đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Chờ giải pháp ổn định
Vậy giải pháp nào để đạt được sự ổn định bền vững, giảm rủi ro cho người dân và nhà đầu tư? Cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo ổn định thị trường vàng theo đúng thẩm quyền và mục tiêu điều hành.
Đặc biệt, tại Công điện 64, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng được giao.
NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, khẩn trương theo thẩm quyền thực hiện các giải pháp theo quy định khi cần thiết nhằm bình ổn, ổn định thị trường vàng; không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5.
Cùng với đó, NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bổ sung, củng cố các quy định nhằm tăng cường hiệu quả của các công cụ quản lý nhà nước, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 6.
Trong bối cảnh thị trường vàng trong nước liên tục ghi nhận biến động mạnh về giá và chênh lệch lớn so với giá thế giới, muốn kéo giảm chênh lệch chỉ có thể tăng cung. Song bền vững hơn cần phải nhanh chóng xây dựng một chính sách vàng vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, vừa phát huy hiệu quả của cơ chế thị trường.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/gia-vang-kho-luong-dieu-hanh-cach-nao-post122981.html