Giá vàng lên mức kỷ lục:Vẫn rất cần thận trọng

Thời gian gần đây, giá vàng biến động mạnh, liên tục tăng cao, xô đổ các mốc kỷ lục. Trong nhiều thời điểm, khi giá tăng cao, tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua vàng lại tái diễn.

Các chuyên gia cho rằng, người dân cần thận trọng nhằm tránh rủi ro, bởi giá vàng tăng mạnh song cũng có thể giảm nhanh.

Liên tục vượt mức kỷ lục mới

Người dân mua vàng tại cửa hàng ở phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Tuấn Sơn

Người dân mua vàng tại cửa hàng ở phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Tuấn Sơn

Chưa khi nào giá vàng trong nước lại tăng liên tục và mạnh như thời gian qua. Nhìn lại thị trường từ đầu năm đến nay, hầu như giá kim loại quý đi theo hướng tăng. Từ mức 82,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 84,2 triệu đồng/lượng (bán ra) hồi cuối năm 2024, giá vàng miếng SJC liên tục đi lên. Đặc biệt, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, đầu tháng 2-2025, sát ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng), giá vàng trong nước lên trên mốc 91 triệu đồng/lượng bởi nhiều người đi mua vàng đầu năm cũng như dịp ngày vía Thần tài nhằm cầu may và giá vàng thế giới cũng liên tục đi lên, có lúc đạt mức kỷ lục 2.850 USD/ounce.

Đáng chú ý, trong tháng 3-2025, giá vàng biến động dữ dội, liên tục xô đổ các mức kỷ lục 93, 94 và 95 triệu đồng/lượng, rồi vượt mốc 100 triệu đồng/lượng vào ngày 20-3 (100,1 triệu đồng/lượng). Sau khi đạt mức kỷ lục trên, giá vàng hạ nhiệt xuống mức 94,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 97,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, đến ngày 28-3, giá vàng lại tăng vọt lên mức kỷ lục mới là 98,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 100,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến ngày cuối cùng của tháng 3, giá vàng lên mức đỉnh lịch sử 99,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 101,8 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 3-2025, giá vàng miếng SJC “đội” tới 11 triệu đồng/lượng. Chưa dừng lại, đầu tháng 4-2025, giá vàng tiếp tục đi lên. Sáng 1-4, giá kim loại quý này tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 100,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 102,6 triệu đồng/lượng (bán ra) rồi giảm xuống mức 99,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 102,1 triệu đồng/lượng (bán ra) vào cuối ngày. Đến ngày 2-4, giá vàng xuống dưới mốc 102 triệu đồng/lượng, lúc gần 16h giao dịch tại mức 99,1 triệu đồng/lượng (mua vào) -101,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối năm 2024, giá vàng miếng tăng tới gần 18 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng diễn biến tương tự. Nếu như cuối năm 2024, giá vàng nhẫn phổ biến là 83,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 84,2 triệu đồng/lượng (bán ra) thì đến ngày 2-4 ở mức 99,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 101,9 triệu đồng/lượng (bán ra).

Về sự tăng giá mạnh của thị trường vàng trong nước, theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân chính đến từ thị trường quốc tế. Thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục đi lên và đã vượt mốc 3.000 USD/ounce, rồi vượt xa mốc 3.100 USD/ounce bởi bất ổn kinh tế. Chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm gia tăng lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu. Việc áp thuế sẽ khiến giá hàng hóa tăng, đẩy nguy cơ lạm phát toàn cầu. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế khiến nhiều quỹ đầu tư, ngân hàng trung ương, nhà đầu tư tăng cường mua vàng nhằm bảo đảm tài sản, dẫn đến nhu cầu về vàng trên toàn cầu tăng mạnh.

Ngoài ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, giá vàng trong nước tăng mạnh còn bởi sức cầu trong nước tăng, nguồn cung hạn chế. Giá vàng liên tục đi lên, nhiều người dân sốt ruột đi mua vàng. Thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp giúp giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch cung - cầu vẫn rất lớn. Những ngày gần đây, thị trường vàng lại trở nên sôi động, tình trạng người dân xếp hàng lấy số mua vàng lại tái diễn.

Có khả năng giá vàng sẽ giảm

Khách hàng mua vàng tại trung tâm trang sức DOJI. Ảnh: DOJI

Khách hàng mua vàng tại trung tâm trang sức DOJI. Ảnh: DOJI

Trước tình trạng "nhảy múa" của giá vàng và người dân đổ xô đi mua vàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mỗi khi giá vàng trong nước tăng nóng, các công ty kinh doanh vàng thường nới rộng biên độ mua - bán, đẩy rủi ro về phía người mua. “Thực tế, những người mua tích lũy trước đây hiện có mức lãi từ vàng rất tốt. Nhưng ngược lại, việc đầu tư theo kiểu ăn xổi, “lướt sóng” rất nguy hiểm vì thị trường vàng biến động khó lường. Khi giá vàng lên cao sẽ có hiện tượng các nhà đầu tư bán vàng ra chốt lời và từ đó đẩy giá vàng xuống. Đặc biệt, người dân không nên vay tiền để đầu tư vàng vì dễ bị thiệt hại, bởi đầu tư vào vàng một cách an toàn cần phải theo dõi thị trường vàng thường xuyên, cả thị trường trong nước cũng như thế giới” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh khuyến cáo, nếu chưa có vàng trong danh mục đầu tư và có nhu cầu đầu tư dài hạn, người dân có thể mua. Nếu chỉ đi mua vì tâm lý đám đông, mua để “lướt sóng” thì không nên vì sẽ gặp rủi ro, bởi không giá mặt hàng nào có thể tăng mãi. Giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng đến một thời điểm sẽ giảm do áp lực chốt lời.

Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, một số chuyên gia nhìn nhận, trước mắt, nhiều khả năng giá vàng sẽ giảm. Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, giá vàng đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, chỉ tính riêng từ đầu tháng 2-2025 đến nay giá vàng tăng gần 400 USD/ounce. Khả năng thị trường đã “hấp thụ” tin tức về thuế quan nên dư địa tăng thêm của giá vàng không còn nhiều. Trong tháng 4 và tháng 5-2025, giá vàng có thể giảm xuống mức 2.800-2.900 USD/ounce, bởi nhà đầu tư chốt lời; nhiều nước sẽ đàm phán với Mỹ để giảm thuế nên căng thẳng thương mại sẽ hạ nhiệt. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị cũng đang được các bên tích cực thương thảo. Một yếu tố quan trọng nữa là trong nhiều năm qua, cuối tháng 4 và trong tháng 5 thường là thời điểm ảm đạm của giá vàng thế giới. Sau thời điểm trên, diễn biến của giá vàng như thế nào sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh tế, địa chính trị.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong:
Người dân cần cân nhắc thật kỹ!

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý thị trường vàng như: Đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp; phối hợp các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng... Đến nay, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã bước đầu thu hẹp.

Về xu hướng, giá vàng sẽ tăng trong trung và dài hạn, song trước mắt sẽ biến động lên xuống bất ngờ, phức tạp và khó đoán do phụ thuộc thị trường thế giới.

Giá vàng tăng cao sẽ gây nhiều ảnh hưởng, làm giảm nguồn vốn vào các lĩnh vực khác; làm giảm tổng cầu bởi người dân tích trữ tài sản thay vì tiêu dùng.

Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, người dân nên cẩn trọng bởi rủi ro khá lớn. Vàng có ưu thế là có tính thanh khoản cao nên người dân ưa chuộng. Cũng vì dễ chuyển thành tiền nên đầu tư ngắn hạn kiếm lời không phải là câu chuyện đơn giản, cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Giám đốc kinh doanh vàng trao đổi, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu:
Giới hạn số lượng bán ra để bảo đảm phục vụ tối đa khách mua

Thời gian gần đây, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước biến động mạnh. Trên thị trường, giao dịch khá sôi động, khách mua vào chiếm đa số với khoảng 60%.

Thời điểm này giá cả cũng như lạm phát đang được kiểm soát, khủng hoảng địa chính trị còn khá phức tạp nên lựa chọn đầu tư vàng là phương án đảm bảo an toàn tài chính. Tuy nhiên, người dân cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin chính thống trong và ngoài nước cũng như tìm đến cơ sở có uy tín để giao dịch, không giao dịch trên các trang mạng xã hội để tránh rủi ro lừa đảo.

Nguồn cung vàng có thời điểm khan hiếm nên chúng tôi phải giới hạn số lượng bán ra để bảo đảm phục vụ tối đa được lượng khách đến cửa hàng.

Do tình hình thế giới biến động và chưa tìm ra được phương án giải quyết rõ ràng nên nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, nhu cầu vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng, thậm chí trong dài hạn.

Bà Lê Thị Lan, quận Long Biên, Hà Nội:
Mong nhu cầu chính đáng của người dân được đáp ứng

Mua vàng tích trữ là thói quen của người Việt Nam đã từ nhiều năm qua, coi như một khoản tiết kiệm để tặng con cháu hoặc phòng khi về già.

Trước đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, có lúc lên đến 20 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp, giá vàng trong nước đã sát với giá quốc tế.

Mặc dù vậy người dân vẫn rất khó mua vàng. Tình trạng này đã kéo dài chứ không phải mới diễn ra. Bản thân tôi đã từng xếp hàng 2-3 tiếng đồng hồ mới mua được một chỉ vàng, bởi doanh nghiệp hạn chế số lượng bán ra. Có lẽ không ở đâu người dân mua vàng lại vất vả như ở Việt Nam.

Nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu cao có thể sẽ khiến tình trạng buôn lậu gia tăng. Người dân có thể mua phải vàng kém chất lượng. Vì vậy, tôi rất mong cơ quan quản lý có giải pháp để nhu cầu chính đáng của người dân được đáp ứng.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gia-vang-len-muc-ky-luc-van-rat-can-than-trong-697691.html