Giá vàng nửa cuối năm nay diễn biến ra sao?

Chuyên gia dự đoán khả năng cao trong những tháng cuối năm 2024, giá vàng sẽ bình ổn và dao động ở mức giá hiện tại, ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Những động thái lạ của thị trường vàng

Những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thị trường vàng trong nước đã và đang ghi nhận những động thái chưa từng có: Giá vàng lập đỉnh, chênh lệch cao nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, giá vàng SJC với giá vàng các thương hiệu khác, giá vàng bán ra-mua vào, biên độ tăng giảm giá trong ngày… lớn nhất từ trước đến nay.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh cơ hội và lợi nhuận đầu tư đa số các lĩnh vực khác gặp khó khăn, thì những động thái chênh lệch giá vàng nêu trên đã làm tăng các hoạt động buôn lậu vàng. Thậm chí, tăng xu hướng sùng bái, kể cả “tiền tệ hóa” vàng SJC và tạo cơ hội cho những hoạt động đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm gắn với việc sản xuất và kinh doanh vàng SJC trên thị trường trong nước.

Theo PGS-TS Võ Thị Vân Khánh (Học viện Tài chính), sự chênh lệch và cơn sốt săn vàng SJC khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi do phải mua vàng với giá đắt và nhiều người dân tất toán tiền tiết kiệm, chuyển sang nắm giữ vàng.

Giá vàng diễn biến bất thường đầu năm 2024

Giá vàng diễn biến bất thường đầu năm 2024

Không chỉ vậy, dòng tiền trong nền kinh tế bị vướng vào vòng luẩn quẩn: Nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất; khiến chính sách phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn, phục hồi xu hướng vàng hóa và tiền tệ hóa vàng SJC.

“Việc giá chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giữa vàng SJC với các vàng thương hiệu khác cho thấy sự tắc nghẽn trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự thiếu minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước”, bà Khánh nêu.

TS Hà Thị Đoan Trang (Học viện Tài chính) cho rằng có nhiều nguyên nhân giá vàng Việt Nam đạt kỷ lục.

Thứ nhất là giá vàng thế giới tăng cùng những nguyên nhân nội tại khiến giá vàng trong nước tăng theo.

Thứ nhì, nguồn cung vàng khan hiếm. Kể từ khi thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu mà chỉ được thu mua trên thị trường là nguồn nguyên liệu duy nhất cho sản xuất trang sức mỹ nghệ.

“Hạn chế nguồn cung vàng hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn đến thao túng giá vàng không thể kiểm soát. Khi nguồn cung thắt chặt, được tiếp sức bởi xu hướng giá vàng thế giới tăng, sẽ tạo tâm lý đầu cơ, thao túng giá vàng. Ngoài ra, tình trạng nhập khẩu vàng lậu sẽ nảy sinh, khó có thể kiểm soát”, bà Trang nói.

Thứ ba, nhu cầu vàng tăng cao cùng yếu tố tâm lý. Trong khi các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn (lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp, thị trường bất động sản chứa đựng nhiều rủi ro, thị trường chứng khoán yêu cầu người đầu tư phải có những hiểu biết nhất định…), do đó đầu tư vào vàng là lựa chọn được ưa chuộng trong giai đoạn này.

Với mục tiêu bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục tổ chức các cuộc đấu thầu vàng miếng nhưng không thể hạ nhiệt giá vàng. Nguyên nhân là giá thầu còn cao, lượng vàng đấu thầu khá lớn.

Ngày 3.6.2024, NHNN Việt Nam thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng lớn bán vàng trực tiếp cho người dân. Sau những lộn xộn ban đầu, các ngân hàng được cho đăng ký mua vàng trực tuyến.

Những giải pháp trên được cho là phương án phù hợp trong giai đoạn này và giá vàng miếng SJC đã ổn định, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới.

Giá vàng ra sao những tháng cuối năm 2024?

Diễn biến giá vàng trong quý 1/2024 đã khiến nhiều tổ chức phải điều chỉnh dự báo giá vàng trong năm 2024, hầu hết là điều chỉnh tăng so với dự báo trước đó. Theo đó, Bank of America dự báo cuối năm 2024 giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce; Long Forecast dự báo giá vàng sẽ ở mức 2.652 USD/ounce vào cuối năm nay và xu hướng tăng sẽ tiếp tục sang năm 2025.

Giá vàng nửa sau 2024 dự kiến không nhiều biến động

Giá vàng nửa sau 2024 dự kiến không nhiều biến động

Theo TS Hà Thị Đoan Trang, năm nay có nhiều yếu tố thúc đẩy vàng tăng giá (sự căng thẳng ở Đông Âu và Trung Đông; Fed cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào quý 3/2024 kéo theo ngân hàng trung ương nhiều nước cũng cắt giảm lãi suất; cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ cũng gây nên tâm lý bất ổn thúc đẩy xu hướng tích trữ vàng; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng với các lệnh trừng phạt Nga làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước vẫn tích cực mua vàng…), nhưng cũng nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc giảm giá vàng.

Cụ thể, nhu cầu dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chững lại sau khi đã tích trữ được 1.264 tấn vàng vào tháng 5.2024. Sức cầu giảm hỗ trợ giá vàng giảm trong tương lai.

Tại Việt Nam, NHNN đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, khả năng sẽ tác động tích cực tới việc bình ổn giá vàng khi nguồn cung được nới lỏng.

Theo bà Trang, giá vàng đã tăng cao ở mức kỷ lục từ trước tới nay và đã có xu hướng giảm trong vòng hơn 1 tháng qua. Khả năng cao trong những tháng cuối năm 2024, giá vàng sẽ bình ổn và dao động ở mức giá hiện tại ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Nhìn chung, để có được một thị trường ổn định trong dài hạn, cần phải xây dựng một thị trường vàng mang tính chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Cần xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng hội nhập quốc tế.

Ghị nhận những giải pháp của NHNN trong việc hạ nhiệt thị trường vàng thời gian qua, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định giá vàng có thể sẽ xuống đến mức 75 - 76 triệu đồng/lượng vì hiện nay giá thế giới đang tương đương khoảng 72 triệu đồng/lượng.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-vang-nua-cuoi-nam-nay-dien-bien-ra-sao-219338.html