Giá vàng 'rơi thảm' rồi 'nhảy múa' hồi lại

Giá vàng 'rơi thảm' vào cuối phiên sáng khiến nhiều người nắm giữ vàng ở thời điểm giá cao 'rụng rời'. Tuy nhiên, do vàng thế giới hồi phục, nên giá vàng trong nước cũng hồi mạnh. Cập nhật lúc 19h, ngày 12/8, giá vàng SJC bán ra hồi hơn 5 triệu đồng so với giá thấp nhất vào phiên sáng.

Ngày 12/8/2020 là một phiên đầy cảm xúc của thị trường vàng Việt Nam.

Ngày 12/8/2020 là một phiên đầy cảm xúc của thị trường vàng Việt Nam.

>> Giá vàng neo ở mức cao, khách hàng vẫn tiếp tục mua vào

>> Người mua vàng 'đu đỉnh' lỗ khoảng 2 triệu đồng sau một đêm

>> Giá vàng "rơi mạnh"

Giá vàng thế giới hồi kỹ thuật

Ngày 12/8, giá vàng thế giới diễn biến theo chiều hướng giảm dần rồi tăng dần trở lại. Cụ thể, giá vàng thế giới giảm dần về mức đáy trong ngày vào 11h30, ngày 12/8 (giờ Việt Nam) ở mức 1.868,1 USD/ounce. Đây là xu hướng giảm đã khởi nguồn từ ngày 11/8 trước đó trên thế giới.

Tuy nhiên, sau điều chỉnh về mức đáy của ngày, giá vàng thế giới đã hồi phục dần trong phiên chiều. Tới 18h00, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.937 USD/ounce, tới 19h00 đang giao dịch ở mức 1.936 USD/ounce.

 Diễn biến giá vàng thế giới ngày 12/8/2020. Nguồn: kitco.com.

Diễn biến giá vàng thế giới ngày 12/8/2020. Nguồn: kitco.com.

Trên thực tế, việc giá vàng điều chỉnh về mức dưới 2.000 USD/ounce là điều được dự báo trước, bởi giá vàng thế giới đã tăng gần như một mạch trong nhiều ngày qua và vượt mốc 2.000 USD rất nhẹ nhàng. Trong chặng tăng đó, thị trường chưa xuất hiện một phiên giảm đủ mạnh, nên việc có một phiên giảm ở mức khá sâu như một vài ngày qua chỉ là vấn đề thời gian.

Giá vàng thế giới giảm nhiệt là do hội tụ của nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do Nga công bố đã có vắc-xin phòng Covid-19; đồng thời số ca lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ cũng giảm. Một nguyên nhân khác được giới chuyên gia lý giải là do khả năng sẽ có một gói cứu trợ kinh tế mới ở Mỹ. Giới đầu tư kỳ vọng một gói cứu trợ mới được đưa ra để hỗ trợ cho 30 triệu người Mỹ thất nghiệp.

Vàng giảm mạnh còn do chứng khoán Mỹ tăng vọt lên các đỉnh cao kỷ lục mới và quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ thông qua một gói kích thích mới. Giới đầu tư kỳ vọng 2 đảng tại Mỹ sẽ giải quyết những bất đồng để thông qua một chương trình giải cứu mới, hỗ trợ khoảng 30 triệu người Mỹ thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, giá vàng vẫn được dự báo trong xu thế tăng, có thể còn tăng lên 2.400 USD/ounce, thậm chí có dự báo còn “thét’” con số 3.000 USD/ounce. Mặc dù vậy, việc giá vàng xảy ra biến động mạnh, chẳng hạn như phiên hôm nay là điều khó tránh khỏi. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới cũng đã tăng ngấp nghé 30%.

Nhiều người mua vàng “sáng chết lặng – chiều hồi tỉnh”

Hôm nay (12/8) có thể là một ngày khó quên đối với những người “chơi vàng”, đặc biệt là những “người mua vàng F0” mới tham gia khi giá vàng trong nước leo đỉnh trên 62 triệu đồng/lượng. Cũng khá nhiều năm trở lại đây, người quan tâm thị trường vàng lại có nhiều cảm xúc đến như thế, khi giá vàng “rơi thảm” trong phiên sáng rồi hồi phục mạnh mẽ trong phiên chiều.

Cụ thể, giá vàng SJC tại SJC mở cửa giảm theo xu thế của ngày 11/8. Giá vàng rơi mạnh về mức bán ra - mua vào tại SJC là 51,37 triệu đồng/lượng - 47,42 triệu đồng/lượng. Ghi nhận tại một số cửa hàng vàng, người nắm giữ vàng đã có dấu hiệu tranh bán. Tuy nhiên, giá vàng bớt ngờ hồi mạnh vào phiên chiều. Giá đỉnh trong ngày được ghi nhân vào hồi 15h30, tại SJC là 56,93 triệu đồng – 53,11 triệu đồng (bán ra – mua vào). Ghi nhận vào 19h ngày 12/8, giá vàng SJC tại SJC là 56,4 triệu đồng – 52,56 triệu đồng/lượng.

 Diễn biến giá vàng tại DOJI gày 12/8/2020. Nguồn: DOJI.

Diễn biến giá vàng tại DOJI gày 12/8/2020. Nguồn: DOJI.

Như vậy, giá vàng trong nước không chỉ “nhảy múa” trong ngày, mà còn tạo mức chênh lệch ấn tượng giữa giá mua vào – bán ra. Cụ thể, so sánh mức giá bán ra cao nhất trong ngày (56,93 triệu đồng) và mức giá bán ra thấp nhất trong ngày (51,37 triệu đồng), mức chênh lệch lên tới 5,56 triệu đồng/lượng. Tương tự, mức chênh lệch giữa đỉnh giá mua vào và đáy giá bán ra trong ngày là 5,69 triệu đồng/lượng. Đồng thời, mức giá chênh giữa bán ra và mua vào ở thời điểm đỉnh giá trong ngày cũng đạt tới 3,82 triệu đồng/lượng.

 Biến động giá vàng trong nước từ 07/8 đến 12/8/2020. Nguồn: webgia.com.

Biến động giá vàng trong nước từ 07/8 đến 12/8/2020. Nguồn: webgia.com.

Một so sánh khác để cho thấy mức độ “khốc liệt” về biến động của thị trường vàng trong nước, qua đó thấy được mức giảm sốc của giá vàng. Cụ thể, nếu ai lỡ mua giá “đỉnh” vào lúc 15h05 ngày 7/8 là 62,45 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức đáy vào 10h10 ngày 12/8 là 47,42 triệu đồng/lượng, thì người mua vàng đã lỗ tới hơn 15 triệu đồng/lượng. Đây là mức giảm mà nhiều người mua vàng không thể ngờ tới trong thời gian chỉ sau 5 ngày. Đồng thời, đây cũng là biên độ biến động hiếm thấy trong lịch sử giá vàng Việt Nam.

Một ghi nhận rất đáng theo dõi khác, quan sát tại một số “nhà vàng” tại Hà Nội, dù không còn đông như tuần trước, nhưng người vào/ra vẫn tương đối nhộn nhịp trong chiều nay. Người cầm vàng thấy giá “tụt dốc không phanh” đã đến bán vàng ra, song cũng có người tranh thủ vàng giảm vấn ôm vào. Đặc biệt, lực mua tốt hơn hẳn lúc giá vàng bán ra xuống dưới mốc 52 triệu đồng/lượng và mua vào dưới mốc 48 triệu đồng/lượng. Tranh thủ lực mua vàng mạnh, một số “nhà vàng” cũng tranh thủ đẩy giá bán lên cao, khi bán ra vượt mốc 56 triệu đồng/lượng./.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-12/gia-vang-roi-tham-roi-nhay-mua-hoi-lai-90900.aspx