Giá vàng rơi thẳng đứng

Thông tin Mỹ và EU sắp đạt thỏa thuận thuế quan khiến nhu cầu trú ẩn an toàn suy yếu, kéo theo giá vàng mất gần 45 USD/ounce chỉ trong một phiên.

 Giá vàng thế giới lao dốc sau thông tin Mỹ và EU sắp đạt được thỏa thuận thương mại. Ảnh: Reuters.

Giá vàng thế giới lao dốc sau thông tin Mỹ và EU sắp đạt được thỏa thuận thương mại. Ảnh: Reuters.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/7, giá vàng thế giới giao ngay giảm 44 USD, xuống còn 3.385 USD/ounce. Trong phiên liền trước, kim loại quý đã ghi nhận phiên tăng mạnh chạm mốc 3.430 USD/ounce sau khi Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Nhật Bản.

Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng đảo chiều khi xuất hiện thông tin Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sắp đạt được một thỏa thuận thương mại, trong đó Mỹ dự kiến áp mức thuế 15% lên hàng hóa EU nhập khẩu vào nước này. Diễn biến kể trên khiến tâm lý tìm đến tài sản trú ẩn như vàng suy yếu, kéo giá lao dốc.

Trong phiên giao dịch đang diễn ra, giá vàng dù đã phục hồi nhẹ sau phiên lao dốc nhưng hiện vẫn giao dịch dưới vùng 3.390 USD/ounce.

"Sau thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Mỹ đang tiến đến một kịch bản tương tự với EU, đồng nghĩa với việc không có khả năng Brussels trả đũa mạnh tay. Điều này hỗ trợ tâm lý ưa rủi ro trên thị trường và thúc đẩy chứng khoán", ông Bart Melek, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại TD Securities, nhận định.

Giá vàng thế giới tăng vọt trong phiên 22/7 nhưng rồi rơi thẳng đứng trong phiên 23/7 (giờ Mỹ). Ảnh: Tradingview.

Giá vàng thế giới tăng vọt trong phiên 22/7 nhưng rồi rơi thẳng đứng trong phiên 23/7 (giờ Mỹ). Ảnh: Tradingview.

Ngày 23/7, 2 nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ EU và Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đạt được "thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay" với Nhật Bản, bao gồm mức thuế đối ứng 15% áp lên hàng xuất khẩu của Nhật vào thị trường Mỹ.

Đổi lại, Nhật Bản cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ, với kỳ vọng mang lại "90% lợi nhuận" cho Washington và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, theo lời ông Trump. Đáng chú ý, thỏa thuận này còn bao gồm việc Nhật Bản mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ, bao gồm ôtô, xe tải, gạo, các mặt hàng nông sản và nhiều sản phẩm khác.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng vừa đạt được thỏa thuận thương mại với Philippines và Indonesia. Cả 2 quốc gia này đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, trong khi Mỹ sẽ áp thuế 19% lên hàng nhập khẩu từ 2 nước.

Vàng thường tăng giá trong thời điểm bất ổn hoặc khi lãi suất thấp, bởi nhà đầu tư không phải chịu chi phí cơ hội cao khi nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Hiện tại, thị trường không kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong tháng 7. Tuy nhiên, theo khảo sát của Reuters, phần lớn chuyên gia cho rằng Fed đang chịu sức ép chính trị, có thể ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạch định chính sách.

Ở thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm nhẹ 0,1%, còn 39,2 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên mức cao nhất trong gần 14 năm.

"Giá bạc tăng mạnh gần đây do nhu cầu công nghiệp ổn định, nguồn cung khan hiếm kéo dài và dòng tiền đầu tư đổ vào ngày càng lớn", ông Alexander Zumpfe, chuyên gia giao dịch kim loại quý tại Heraeus Metals Germany, cho biết.

Theo ông, bạc có thể vượt ngưỡng 40 USD/ounce nếu giá vàng tiếp tục tăng, đồng USD suy yếu hoặc thị trường châu Á xuất hiện dấu hiệu thiếu hàng vật lý.

Trong khi đó, giá bạch kim giảm 2,1%, xuống 1.411,6 USD/ounce. Giá palladium cũng giảm nhẹ 0,2%, còn 1.272 USD/ounce.

Giá vàng thế giới lao dốc kéo theo giá vàng trong nước sáng nay giảm mạnh, mất gần 1 triệu đồng mỗi lượng. Cụ thể, vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 120 triệu đồng/lượng (mua) và 122 triệu đồng/lượng (bán), giảm 700.000 đồng ở cả 2 chiều so với phiên hôm qua.

Vàng nhẫn điều chỉnh nhẹ hơn, khi giá mua vào giảm 500.000 đồng xuống còn 115 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra giảm từ 118 triệu xuống còn 117,5 triệu đồng/lượng.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-vang-roi-thang-dung-post1571189.html