Giá vàng sẽ lập đỉnh 3.000 USD/ounce?

Không gì có thể ngăn cản được đà tăng của vàng và cột mốc tiếp theo các chuyên gia kinh tế cho rằng mặt hàng kim quý sẽ đạt được là 3.000 USD/ounce.

 Các nhà kinh tế dự báo giá vàng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: SCMP.

Các nhà kinh tế dự báo giá vàng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: SCMP.

Kể từ đợt phục hồi đột phá đầu tiên vào tháng trước, không có dữ liệu kinh tế nào có thể ngăn cản được đà tăng của giá vàng thế giới. Gần như mỗi ngày, kim quý đều đạt mức kỷ lục mới.

Tuần trước, giá vàng thế giới bắt đầu chinh phục mức đỉnh lịch sử 2.300 USD/ounce và ngay lập tức thiết lập các kỷ lục mới vào các phiên giao dịch liền sau. Đỉnh điểm, vàng thế giới đã lập kỷ lục giá ở 2.365 USD/ounce ngay trong phiên tối hôm qua 9/4 (theo giờ Việt Nam).

Nhà kinh tế học nổi tiếng David Rosenberg, Chủ tịch của Rosenberg Research, cho biết đợt tăng giá vàng lần này “đặc biệt ấn tượng”. Bởi nó không chỉ vượt qua Bitcoin và mọi loại tiền tệ chính khác mà còn vượt qua cả những cơn gió vĩ mô điển hình của nền kinh tế Mỹ trong lịch sử vẫn thường làm giảm giá trị của vàng.

“Giá vàng tăng vào thời điểm đồng USD mạnh lên, kỳ vọng lạm phát giảm và trong thời gian đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn lấp lửng về việc đảo chiều chính sách tiền tệ. Tất cả những diễn biến đó thường sẽ làm tổn hại đến giá vàng, nhưng kim quý vẫn vững vàng tiến về phía trước", vị này đánh giá.

 Trong vòng 3 tháng, giá vàng thế giới đã tăng dựng đứng và liên tục chinh phục các đỉnh lịch sử mới. Ảnh: Kitco.

Trong vòng 3 tháng, giá vàng thế giới đã tăng dựng đứng và liên tục chinh phục các đỉnh lịch sử mới. Ảnh: Kitco.

Nhu cầu mua mạnh mẽ

Ông Rosenberg và nhóm nghiên cứu thị trường vàng của Rosenberg Research cho biết động lực chính giúp vàng liên tục chinh phục đỉnh lịch sử mới đang không nằm ở phía cung - vốn đã ổn định trong những năm gần đây - mà là ở phía cầu, nhờ các ngân hàng trung ương xem vàng như một tài sản dự trữ.

Việc nhân dân tệ của Trung Quốc mất đi vị thế đồng tiền dự trữ thứ 2 trên thế giới và khi các quốc gia như Nhật Bản, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan lo ngại sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD, nhiều ngân hàng trung ương đã chuyển sang dự trữ lượng lớn vàng để đảm bảo an toàn.

Các chuyên gia nhận thấy vàng được ưa chuộng ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi các nhà đầu tư phương Tây tụt lại phía sau do lãi suất cao và giá cổ phiếu bùng nổ làm giảm sức hấp dẫn của mặt hàng này.

Chưa kể, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ đã đạt 120% và chi phí dịch vụ leo thang đang khiến các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ vàng trong bối cảnh không chắc chắn về kết quả bầu cử cũng như khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.

Điểm dừng tiếp theo

Đà tăng ổn định của vàng đang tiếp tục, Rosenberg dự đoán giá vàng có thể tăng thêm 15% nữa và tiềm năng là 30% khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Nhà kinh tế này đã đưa ra 2 kịch bản diễn biến giá vàng, nhưng ở cả 2 kịch bản đều cho kết quả giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, trong kịch bản đầu tiên là "hạ cánh mềm". Khi đó lãi suất thực tế toàn cầu sẽ quay trở lại mức trung bình trước năm 2000 nhưng cao hơn thời kỳ trì trệ sau GFC (khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008) sẽ khiến đồng USD giảm khoảng 12% và đẩy giá vàng lên khoảng 10%.

Nhưng nếu một cuộc suy thoái ảnh hưởng đến nền kinh tế với lãi suất thực tế toàn cầu quay trở lại mức trung bình giai đoạn 2014-2024, thị trường chứng khoán ổn định và đồng USD mất giá khoảng 8% thì khả năng tăng giá của vàng sẽ là 15%, đưa mặt hàng này lên vùng 2.500 USD/ounce.

“Rủi ro vàng giảm giá rất hạn chế. Nhiều khả năng vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce hơn là giảm trở lại mức 1.500 USD. Thêm rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ càng đẩy giá vàng lên cao hơn”, Rosenberg nhận định.

 Bối cảnh kinh tế trong lịch sử cũng đang đứng về phía vàng. Ảnh: Reuters.

Bối cảnh kinh tế trong lịch sử cũng đang đứng về phía vàng. Ảnh: Reuters.

Vị chuyên gia khác là Ed Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research, dự báo giá vàng có thể tăng cao tới 3.500 USD/ounce vào cuối năm tới.

Nguyên nhân là lạm phát có thể đi theo con đường tăng vọt như những năm 1970 và vàng thời kỳ đó đã tăng giá từ 35 USD/ounce lên mức cao nhất là 665 USD/ounce.

“Một vòng xoáy giá lương khác do giá dầu tăng sẽ gợi nhớ đến cuộc lạm phát lớn vào những năm 1970 khi giá vàng tăng vọt. Trong kịch bản này, mức giá 3.000-3.500 USD/ounce sẽ là mục tiêu thực tế đối với vàng cho đến năm 2025”, vị này nhận định.

Các chuyên gia vẫn cảnh báo về khả năng lạm phát tái diễn do gián đoạn chuỗi cung ứng xuất phát từ xung đột địa chính trị và thị trường lao động Mỹ vẫn đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới.

Áp lực lạm phát cũng đang trở nên trầm trọng hơn do giá dầu thô tăng gần đây. Yardeni dự đoán nếu xung đột chính trị leo thang, giá dầu có thể tăng hơn. Ước tính có 20% khả năng lạm phát có thể tăng lên mức đỉnh thứ hai, điều này sẽ dẫn đến đà tăng giá của vàng.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-vang-se-lap-dinh-3000-usdounce-post1469406.html