Giá vàng tăng ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?
Gần đây, giá vàng miếng liên tục biến động với các đỉnh giá mới và có dấu hiệu khó kiểm soát. Chuyên gia nhận định nếu tình trạng này cứ kéo dài sẽ tác động xấu đến nền kinh tế.
Khi được hỏi giá vàng tăng cao có tác động như thế nào đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ để lại không ít hệ lụy.
Mua - bán vàng hiện vẫn là giao dịch dân sự giữa các nhà kinh doanh và khách hàng nên rủi ro thuộc về các chủ thể giao dịch này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá vàng những ngày qua tăng cao lại do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
PGS,TS Phạm Tuấn Anh - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại, cho hay: ''Nhìn về lâu về dài thì cá nhân tôi cho rằng vàng chỉ nên là nơi trú ẩn của các nhà đầu tư chứ nó không nên là một kênh đầu tư phổ biến. Thay vì chúng ta đổ tiền vào đầu cơ vàng và chờ đợi nó tăng giá thì chúng ta cần hơn vốn tín dụng cung cấp cho các doanh nghiệp để sản xuất và gia tăng giá trị nhiều hơn cho một nền kinh tế như hướng đến xuất khẩu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, công ăn việc làm mới là mục tiêu chúng ta trông đợi".
Theo các chuyên gia, giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản…từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ. Điều này có thể gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, cho rằng: ''Chúng ta biết rằng trong thực tế vàng là nơi cất giữ giá trị của các cá nhân, doanh nghiệp và khi giá vàng bị đẩy lên nó sẽ gây sức ép lên các mặt hàng khác, từ đó đẩy lạm phát của nền kinh tế tăng cao hơn và ảnh hưởng đến hoạt động cung cầu trên thị trường của các mặt hàng khác nhau, dẫn đến tình trạng lạm phát cao hơn mong muốn'.'
Bà Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, cũng cho biết: ''Vàng có ý nghĩa tiền tệ và chính vì có ý nghĩa tiền tệ nên Ngân hàng Nhà nước phải quản lý. Khi vàng không đủ để cung cấp cho người dân thì dễ dẫn đến tình trạng nhập lậu, khi đó sẽ cần dùng một lượng ngoại tệ để nhập vàng và như vậy sẽ ảnh hưởng tỷ giá. Một khi đã ảnh hưởng tỷ giá, nhất là những ngày qua tỷ giá biến động rất mạnh, ảnh hưởng tỷ giá sẽ ảnh hưởng những biến số vĩ mô khác''.
Trước tốc độ tăng giá vàng quá nhanh, nhiều người đặt ra câu hỏi có phải vì giá vàng chưa ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nên cơ quan quản lý chưa muốn bỏ nhiều dự trữ ngoại tệ để kéo giá vàng xuống thấp hơn, hay nói cách khác là chưa thật sự mạnh tay "dẹp loạn"?