Giá vàng thế giới giảm xuống mức tương đương 105,3 triệu/lượng, dòng tiền chảy vào đâu?
Giá vàng thế giới lao dốc ngay giữa lúc thế giới bất ổn. Cuộc chiến thương mại vẫn căng thẳng khi Mỹ công bố thuế quan 25-40% lên 14 nước. Dòng tiền đang tìm đến đâu?
Trong phiên giao dịch rạng sáng 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế lao dốc, có lúc xuống gần 3.290 USD/ounce (tương đương 105,3 triệu đồng/lượng đã gồm thuế, phí), so với mức 3.340 USD/ounce vào tối 8/7.
Diễn biến này gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn. Thị trường tài chính toàn cầu rúng động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế từ 25 đến 40% lên 14 quốc gia từ ngày 1/8. Hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc chịu mức thuế 25%.
Tại Ukraine, căng thẳng vẫn leo thang. Ukraine chi hàng tỷ USD xây dựng phòng tuyến nhưng vẫn không thể cản được đối phương. Nga liên tục mở rộng diện tích đất kiểm soát.
Ông Trump cũng đang tiếp tục gây thêm sức ép với các quốc gia BRICS. Trong khi đó, các diễn đàn như G7 và G20 đang rơi vào bế tắc vì chia rẽ nội bộ và cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.

Giá vàng miếng SJC sáng nay 9/7 ở mức 120,6 triệu đồng/lượng. Ảnh: HH
Trung Quốc cảnh báo chính quyền ông Trump, tránh làm bùng lên căng thẳng thương mại bằng cách khôi phục các mức thuế quan đối với hàng hóa của nước này vào tháng 8. Hồi tháng 6, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về một thỏa thuận khung nhằm dừng đối đầu thương mại, nhưng chi tiết chưa rõ ràng.
Có thể thấy, thế giới đang ở vào tình thế đầy bất ổn. Nếu trước đây, chỉ cần một trong các sự kiện nói trên, giá vàng đã tăng vọt và sẽ không ngừng leo thang nếu căng thẳng kéo dài. Nhưng, khoảng 6 tuần qua, giá vàng không thể bứt phá, thậm chí còn có xu hướng suy yếu, với nhiều tuần giảm giá liên tục, cho dù mức giảm không quá sâu.
Giá vàng không tăng được cho dù dồn dập đón nhận các thông tin hỗ trợ, từ căng thẳng địa chính trị, bất ổn về chính sách, nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách ở các nước cho đến triển vọng kinh tế khó đoán định...
Dòng tiền đi đâu?
Vậy dòng tiền đổ về đâu và vàng có còn là kênh đầu tư hấp dẫn hay không?
Trên thực tế, sức cầu đối với vàng vẫn rất lớn. Các “tay to” trên thị trường vẫn không ngừng mua vào mỗi khi giá vàng giảm. Đó là ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... và các tổ chức lớn, gồm cả các ngân hàng và quỹ ETF vàng.
Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua ròng vàng tháng thứ 8 liên tiếp lên 2.298 tấn. Ngân hàng Trung ương Nga (RCB), Thổ Nhĩ Kỳ, hay cả Đức, cũng nâng sở hữu vàng lên. Mỹ hiện là quốc gia sở hữu dự trữ vàng lớn nhất với khoảng 8.133 tấn.
Bên cạnh đó, vàng còn được nhập không chính thức vào các nước. Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tình trạng nhập lậu vàng lớn. Phòng Thương mại Trang sức Istanbul (İKO) ước tính có khoảng 5.000 tấn vàng được giấu trong nhà người dân Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị ít nhất 500 tỷ USD.
Tuy nhiên, lượng vàng nhập khẩu chính thức từ các quốc gia có dấu hiệu chững lại. Chẳng hạn, Trung Quốc chỉ mua thêm 2 tấn vàng trong tháng 6, giảm mạnh so với mức trung bình 17 tấn trong 5 tháng đầu năm, hay hơn 10 tấn hồi tháng 12 năm ngoái.
Giá vàng tăng 25-27% kể từ đầu năm 2025 và tăng rất mạnh trong năm 2024. Đây là yếu tố khiến ngân hàng trung ương các nước cân nhắc khi mua vàng, có thể chỉ mua khi vàng có những đợt giảm mạnh. Dù có xu hướng suy yếu, vàng thường bật tăng mỗi khi giá rơi xuống dưới ngưỡng 3.300 USD/ounce - một mức được coi là ngưỡng hỗ trợ khá vững trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, vàng còn chịu sức ép từ hoạt động chốt lời, đặc biệt từ các quỹ linh hoạt. Các tổ chức và cả cá nhân bán vàng và tìm kiếm lợi nhuận từ các loại tài sản khác, trong đó có cổ phiếu Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm trong vài tháng qua và đang ở đỉnh cao lịch sử.
Một đồng USD suy yếu thường hỗ trợ đẩy giá vàng đi lên. Chỉ số DXY gần đây xuống tới ngưỡng 97 điểm, nhưng đang bật tăng trở lại. Sáng 9/7, chỉ số DXY đã về mức 97,6 điểm.
Sức ép từ ông Trump lên BRICS và các nước có lẽ giúp đồng bạc xanh hồi phục cho dù Mỹ đối mặt với nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách và ông Trump vẫn đang gây sức ép lên Chủ tịch Fed Jerome Powell để giảm lãi suất.
Dòng tiền cũng tìm đến một số đồng tiền kỹ thuật số. Bitcoin tăng 3,3% trong 7 ngày qua và ở mức gần 109.000 USD/BTC.
Vàng cũng được hỗ trợ bởi Trung Đông - khu vực nóng bỏng nhiều thập kỷ, có tín hiệu ổn định trở lại sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran và có thể thành một khu vực phát triển bền vững hơn, với định hướng hợp tác công nghệ với Mỹ, chứ không chỉ có dầu khí.
Một số phân tích kỹ thuật theo sóng Elliott và dãy Fibonacci cho thấy, vàng có thể đang vào xu hướng giảm mạnh, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Thậm chí, giá vàng có thể rơi về 2.800 USD/ounce, trước khi quay đầu tăng trở lại trước khi lên đỉnh cao mới trong 1-2 năm tới.
Trong nước, phiên giao dịch sáng 9/7, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji được niêm yết ở mức 118,6-120,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng ở cả hai chiều so với phiên liền trước. Vàng nhẫn SJC loại từ 1-5 chỉ cũng giảm 400.000 đồng/lượng, vàng nhẫn tròn trơn Doji giảm 500.000 đồng/lượng.