Giá vàng thế giới tăng gần 8% trong quý I/2023
Giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng 7,8% trong quý đầu tiên của năm 2023 trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng toàn cầu và diễn biến của đồng USD.
Trước đó, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 27/3, giá vàng thế giới giảm hơn 1% khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng dịu bớt và các nhà đầu tư chuyển hướng từ các tài sản an toàn sang các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán. Thương vụ First Citizens mua lại các khoản tiền gửi và khoản vay của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã giúp các chỉ số chính trên Phố Wall tăng cao hơn và kéo giá vàng xuống dưới mốc 2.000 USD/ounce.
Theo ông Phillip Streible, chiến lược gia tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures ở Chicago, giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép trong thời gian tới. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, cảnh báo những căng thẳng gần đây của ngành ngân hàng và kịch bản về sự suy yếu của hoạt động tín dụng sẽ khiến kinh tế Mỹ tiến gần hơn đến suy thoái. Tuy nhiên, các quan chức của Fed cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình căng thẳng tài chính đang trở nên tồi tệ hơn.
Chỉ số đồng USD yếu hơn đã thúc đẩy nhu cầu mua vào trên thị trường vàng và đẩy giá mặt hàng này đi lên trong phiên giao dịch liền sau đó. Tuy nhiên, nhu cầu mua chắc chắn đang bị kìm hãm bởi thực tế rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng - ít nhất vào thời điểm hiện tại - dường như đã ổn định. Ông Ole Hansen - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank, cho biết giá vàng thời gian tới có thể trượt xuống mức 1.933 USD/ounce. Nhưng triển vọng của giá vàng vẫn theo hướng tăng, với lãi suất của Mỹ đang nhanh chóng đạt đỉnh và nền kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái trong những tháng tới.
Giá vàng tiếp tục trồi sụt trong hai phiên giao dịch liền sau đó, do biến động của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, giữa lúc nhà đầu tư đang theo dõi số liệu lạm phát của Mỹ để đánh giá động thái tiếp theo của Fed. Số liệu mới nhất cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,6% trong quý IV/2022.
Tới phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 31/3), cũng là phiên giao dịch khép lại quý I/2023, giá vàng hạ sau dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng nhẹ trong tháng 2/2023.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.968,25 USD/ounce. Trước đó, giá vàng giao ngay tăng 0,4% khi dữ liệu cùng ngày cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát “ưa thích” của Fed, chỉ tăng 5% trong tháng 2/2023, giảm từ mức tương ứng 5,3% của tháng trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn cũng mất 0,6% còn 1.986,2 USD/ounce.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại quý độc lập tại New York, cho biết: “Giá vàng tăng nhanh nhưng quay đầu đị xuống sau báo cáo về chi tiêu tiêu dùng. Những nhà đầu cơ giá lên muốn có mức đóng cửa rất cao, lý tưởng là trên 2.000 USD/ounce vào cuối quý, như một bàn đạp để thách thức mức cao kỷ lục mọi thời đại 2.070 USD/ounce, tuy nhiên, thị trường kim loại quý không diễn biến theo hướng đó”.
Chỉ số của đồng USD ổn định vào ngày 31/3, dù ghi nhận mức giảm trong quý I, đã gây áp lực cho nhu cầu đối với vàng.
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên này, sau khi dữ liệu về PCE mang lại hy vọng về một chính sách nâng lãi suất bớt quyết liệt hơn từ Fed. Vàng, vốn được xem là một kênh trú ẩn an toàn, sẽ mất giá khi nhà đầu tư có hứng thú với các tài sản rủi ro hơn.
Trước đó, giá vàng đã chạm mốc 2.000 USD/ounce sau vụ phá sản bất ngờ của 2 ngân hàng khu vực của Mỹ, khiến nhiều người cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tạm dừng nâng lãi suất để ngăn chặn nguy cơ tình trạng sụp đổ lây lan trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Tiêu thụ vàng tại Trung Quốc đã chậm lại trong tuần này do giá vàng trong nước bắt đầu tăng, buộc các đại lý phải giảm giá lần đầu tiên sau nhiều tháng.
Cũng trong phiên 31/3, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 23,96 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,6% lên 991,77 USD/ounce. Còn giá palladium đi ngang ở mức 1.464,77 USD/ounce.