Giá vàng tuần qua: Liên tục 'nhảy múa' sau thông tin bỏ độc quyền vàng miếng

Tuần qua (ngày 23/3 - 30/3), giá vàng liên tục biến động với nhiều phiên tăng giảm đan xen. Có thời điểm giá vàng chạm mốc lịch sử 81 triệu đồng/lượng bán ra. Bên cạnh đó, việc các chuyên gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC cũng đã tác động đến thị trường vàng trong nước những ngày qua.

Giá vàng biến động mạnh

Sau mấy phiên giảm sốc, giá vàng SJC trong phiên đầu tuần ngày 24/3 được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng nhẹ. Tuy nhiên, phiên này, giá tăng giảm được các doanh nghiệp điều chỉnh không đồng nhất. Chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn được duy trì trên 2 triệu đồng/lượng. Riêng tại Bảo Tín Mạnh Hải tăng tới 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 750 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm tại mốc 78,05 - 80,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Các phiên tiếp theo trong tuần, giá vàng vẫn giữ mức tăng đều. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng được niêm yết ở mức 78,9 triệu đồng/lượng mua vào và 80,92 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 79,00 – 80,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 79,00 – 81,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Vàng miếng liên tục tăng giá trong tuần

Chưa dừng lại ở đó, ngày 29/3, sau thông tin các chuyên gia, thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng trong nước lại tiếp tục được ghi nhận ngưỡng cao nhất 1 tuần qua. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tuy nhiên, sau đó 1 ngày, giá vàng SJC đã bất ngờ lao dốc mạnh khi kết thúc tuần giao dịch, giảm nhiều nhất 700.000 đồng/lượng mua vào và giảm nhiều nhất 300.000 đồng/lượng bán ra. Đưa giá vàng trượt khỏi mức 81 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, điều này khiến chênh lệch giá mua – bán vàng miếng SJC bị đẩy lên xấp xỉ 2,5 triệu đồng/lượng thay vì ở mức dao quanh ngưỡng 2 triệu đồng/lượng như những ngày trong tuần.

Trái ngược với sự lao dốc của vàng miếng, thị trường vàng nhẫn vẫn đu đỉnh bất chấp. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng nhẫn 4 số 9 được Công ty SJC mua vào 69,2 triệu đồng, bán ra 70,4 triệu đồng. Vàng PNJ mua vào ở mức 69,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 70,5 triệu đồng/lượng.

Thị trường sẽ ra sao sau khi bỏ độc quyền vàng miếng?

Trong phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (28/3), nhiều chuyên gia bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, trong đó có quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC; thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Ủng hộ trước quyết định chỉnh sửa này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã hoàn thành sứ mệnh của mình là xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Hiện nay, cấu trúc vận hành của thị trường vàng cần mang tính chất thị trường cao hơn.

"Bỏ độc quyền vàng là yếu tố mấu chốt. Sản xuất và kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ nên được đẩy mạnh hơn để thúc đẩy tiềm năng của thị trường này với tay nghề của thợ kim hoàn Việt Nam. Qua đó có thể phục vụ cho cả du lịch và xuất khẩu", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, nếu bỏ độc quyền vàng miếng SJC, ngay lập tức sẽ có những tác động nhất định tới thị trường vàng Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá vàng hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là vàng miếng đang có khoảng cách tương đối xa so với giá vàng trên thế giới, do sự khan hiếm của vàng miếng. Bởi vậy, “bỏ độc quyền vàng miếng có thể sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh vàng đi vào nề nếp và giá vàng miếng của Việt Nam sẽ gần với giá bình quân chung của thế giới”.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, nếu chỉ bỏ độc quyền vàng miếng mà không bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, chênh lệch giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao.

Giang Anh

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/gia-vang-tuan-qua-lien-tuc-nhay-mua-sau-thong-tin-bo-doc-quyen-vang-mieng-121682.html