Giá vật liệu làm cao tốc ở Phú Yên cao gấp 2-3 lần so với nơi khác
Đại diện Bộ GTVT, các ban quản lý, nhà thầu thi công cao tốc Bắc- Nam đều than phiền giá đất, đá, cát ở Phú Yên cao gấp 2-3 lần so với các tỉnh.
Ngày 14-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, xác nhận UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra trách nhiệm công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Đoàn thanh tra do ông Lê Tấn Hổ làm trưởng đoàn. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2022 đến nay.
Giá vật liệu chênh lệch rất lớn so với các tỉnh khác
Cuộc thanh tra trên được tiến hành sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đưa ra đề nghị tại cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về thi công cao tốc Bắc- Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên. Tại cuộc làm việc này, nhiều ý kiến phản ánh giá một số vật liệu xây dựng thi công cao tốc Bắc- Nam ở Phú Yên quá cao, chênh lệch rất lớn so với các tỉnh khác.
Theo ông Lê Quyết Tiến, quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng- Bộ GTVT, qua rà soát, so sánh cho thấy giá một số vật liệu ở Phú Yên có sự chênh lệch lớn so với tỉnh Bình Định lân cận. Chẳng hạn, đá 1 cm x 2 cm ở Phú Yên có giá công bố 459.000 đồng/m3, trong khi ở Bình Định chỉ 243.000 đồng/m3.
Hay cấp phối đá dăm Phú Yên công bố 299.000 đồng/m3, ở Bình Định chỉ 127.000 đồng/m3. Tương tự, giá cát ở Phú Yên 190.000 đồng/m3, trong khi ở Bình Định chỉ 95.000 đồng/m3. Giá đất Bình Định công bố chỉ 30.000 đồng/m3, trong khi Phú Yên đến 120.000 đồng/m3.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả phản ánh giá bán tại các mỏ vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên cao gấp 2- 3 lần so với giá dự toán độc lập.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ GTVT (chủ đầu tư đoạn cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong qua Phú Yên), giá cát theo dự toán 255.000 đồng/m3 (tính cả phí vận chuyển). Tuy nhiên, giá cát thực tế ở Phú Yên lên đến 345.000 đồng/m3.
Trữ lượng không thiếu
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ bức xúc trước phản ánh của ban quản lý dự án, các nhà thầu. Ông Thắng cho rằng giá vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên cao ngất như vậy là rất khó hiểu do tỉnh còn khó khăn, công trình xây dựng chưa nhiều.
Ông Thắng đề nghị UBND tỉnh Phú Yên, các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc làm rõ vì sao Sở Xây dựng Phú Yên công bố giá vật liệu xây dựng cao hơn rất nhiều so với các địa phương lân cận, giá bán thực tế bên ngoài cao hơn giá niêm yết.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cũng thừa nhận giá vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên cao. Theo ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, giá đất, cát, đá ở tỉnh này cao hơn các tỉnh lân cận trước khi làm dự án cao tốc, mặc dù Phú Yên không thiếu trữ lượng.
Trao đổi với PLO, ông Lê Tấn Hổ, cho hay UBND tỉnh đã tổ chức cuộc làm việc với các sở Xây dựng, TN&MT, các địa phương có mỏ đang khai thác, các ban quản lý dự án cao tốc, các chủ mỏ.
“Cuộc làm việc này nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, thảo luận với các doanh nghiệp trên tinh thần là phải có giải pháp chống khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đất, đá. UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện kê khai, bán đúng giá. Tỉnh sẽ tập trung quản lý giá chặt chẽ”- ông Hổ nói.
Ông Hổ cho biết thêm riêng cuộc thanh tra sẽ làm rõ việc tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; làm rõ các vấn đề liên quan đến giá vật liệu xây dựng thông thường để tìm ra giải pháp khắc phục.
28 điểm mỏ ở Phú Yên phục vụ thi công cao tốc
Theo ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên, tỉnh này đã giới thiệu 28 điểm mỏ để hai ban quản lý dự án cao tốc sử dụng phục vụ thi công cao tốc Bắc- Nam đoạn qua Phú Yên.
Trong đó, có sáu mỏ cát, hai mỏ đất, sáu mỏ đá còn hiệu lực khai thác. Dự kiến, trong tháng 3-2023 có ba mỏ vật liệu xây dựng quy mô lớn được cấp phép cho các nhà thầu khai thác.