Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhà thầu gặp khó

Trong thời gian vừa qua, giá cả các loại vật liệu xây dựng, vật tư xây dựng liên tục tăng khiến cho nhiều nhà thầu gặp khó.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ tăng giá bình quân của các loại vật liệu xây dựng (VLXD) năm nay tăng đáng kể. Cụ thể như giá thép tăng khoảng 30-40%, xi măng 15-20%, nhựa đường 15-20%, cát bê tông tăng 20%, đá xây dựng tăng 10%, đất đắp nền tăng 30-40%.

Nhà thầu điêu đứng

Nhiều nhà thầu xây dựng cho biết, giá xăng dầu tăng khoảng 60% so với đầu năm không chỉ khiến cho giá các loại VLXD tăng cao mà chi phí cho mỗi ca máy thi công trên các công trường xây dựng cũng bị đội lên rất cao.

Trao đổi nhanh với phóng viên VnBusiness, ông Lê Văn Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật cho biết, đơn vị đang thi công nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phần lớn các dự án này đều được ký kết hợp đồng từ đầu năm và triển khai với cam kết không phát sinh chi phí so với hợp đồng. Chính vì vậy, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, nhà thầu buộc phải chấp nhận phần chi phí phát sinh.

Giá VLXD tăng cao đang khiến doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó (Ảnh minh họa).

Giá VLXD tăng cao đang khiến doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó (Ảnh minh họa).

Cũng theo ông Tiệp, đặc thù ngành xây dựng là thực hiện theo đúng hợp đồng và cam kết tiến độ, nếu không doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt với việc các nhà đầu tư phạt hợp đồng. Vì uy tín của mình, doanh nghiệp phải nỗ lực, dù khó khăn chồng chất.

Cùng chung hoàn cảnh, ông Trương Tuấn Thành, đại diện một nhà thầu chuyên thi công các tuyến đường trên địa bàn các tỉnh phía Bắc cho biết, với hàng chục thiết bị máy móc, xe ô tô, mỗi ngày doanh nghiệp tiêu thụ một lượng lớn xăng dầu. Nếu so với thời điểm trúng thầu thì giá xăng dầu đã tăng cao, khiến chi phí nhiên liệu cho máy móc thi công đội lên đáng kể. Nhà thầu chịu rất nhiều áp lực về chi phí vận hành các thiết bị cơ giới thi công và hệ lụy là các dự án đầu tư xây dựng bị đội vốn, vượt tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt, chậm tiến độ…

Anh Hiếu, chủ cửa hàng VLXD tại Thanh Xuân (Hà Nội) cũng thông tin, hiện nay, giá các loại VLXD đều tăng sau khi giá xăng dầu tăng mạnh, giá các loại vật liệu tăng trung bình từ 30-80% so với lúc giá xăng dầu chưa tăng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, giá vật liệu, thiết bị xây dựng có biến động lớn gây khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến khi kết thúc dự án để đưa vào khai thác sử dụng.

Cụ thể, với giai đoạn thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, cập nhật giá gói thầu, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nguy cơ làm vượt giá gói thầu, vượt dự toán xây dựng, vượt tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư và dự án, cân đối lại nguồn vốn và kế hoạch bố trí vốn, khó lựa chọn được nhà thầu, làm tăng giá trúng thầu. Đặc biệt, đối với các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, hợp đồng xây dựng tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, hợp đồng PPP... gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng này cũng sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, nhà thầu buộc phải thi công cầm chừng chờ giá VLXD giảm và hệ lụy là chậm thời gian hoàn thành dự án, tiềm ẩn nguy cơ giảm chất lượng công trình cũng như giảm hiệu quả đầu tư xây dựng, kế hoạch phát triển đối với dự án mà địa phương đề ra.

Cần giải pháp đồng bộ

Để tháo gỡ khó khăn cho thi công dự án, nhiều doanh nghiệp nhà thầu đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giá VLXD cho phù hợp với giá của thị trường. Về lâu dài, cần có chính sách bình ổn giá VLXD và xây dựng đơn giá VLXD sát với giá thị trường, tránh tình trạng khi giá VLXD tăng cao, nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả phục hồi kinh tế.

Trước tình trạng “bão giá” VLXD tại nhiều địa phương, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý chi phí hợp đồng xây dựng, trong đó có việc quản lý giá vật liệu, thiết bị, đơn giá xây dựng tại 7 địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang. Thời gian kiểm tra trong quý II và quý III/2022.

Ông Nguyễn Hữu Lễ, Trưởng phòng Kinh tế, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: "Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh giá vật tư, nguyên VLXD tăng mạnh, có một phần do giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao. Sở Xây dựng Thanh Hóa cũng có những báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, đề nghị với Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do biến động lớn bất thường của giá VLXD làm ảnh hưởng đến các gói thầu, đặc biệt là gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói".

Trong bối cảnh đó, các chủ đầu tư cần lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp, hạn chế sử dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói, tăng cường công tác quản lý hợp đồng xây dựng.

Đáng chú ý, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, trong khi các nước chỉ đang định hướng phục hồi thì Việt Nam lại đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn.

"Để có thể thực hiện được mục tiêu này, cần cải cách, thay đổi cơ chế thật quyết liệt, bởi sau những thiệt hại thì yếu kém trong cách quản lý điều hành đã lộ dần, có thể kể đến là sự chậm chạp trong quá trình giải ngân đầu tư công. Đầu tư công càng chậm thì nền kinh tế đất nước càng “chảy máu”..." - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo đó, đầu tư công sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế khi được giải ngân hiệu quả. Một số công ty chứng khoán nhận định, nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công là VLXD, thi công, nhà thầu và bất động sản.

Đông Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//vat-lieu/gia-vat-lieu-xay-dung-tang-manh-nha-thau-gap-kho-1086799.html